Thanh Hóa thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh Thanh Hóa chú trọng quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các di tích văn hóa, lịch sử, khu, điểm du lịch được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị, tạo sức hút hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyệnThọ Xuân, Thanh Hóa)

Không phải ngẫu nhiên Thanh Hóa được gọi là một miền di sản của cả nước. Nơi đây có nhiều di sản quý như: Thành nhà Hồ, Khu Di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu,… thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó, các di tích đã được xếp hạng là 854 di tích, gồm: 01 di sản văn hoá thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); 05 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 709 di tích cấp tỉnh.

Cùng với đó, Thanh Hóa còn có 08 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia gồm: 03 hiện vật đang bảo quản, phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh (Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang, Vạc đồng Cẩm Thuỷ); 05 hiện vật tại Di tích lịch sử - kiến trúc nghê thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh: Đại Việt lam Sơn Vĩnh Lăng Bi (Bia ghi thân thế sự nghiệp Vua Lê Lợi); Đại Việt Không nguyên Chí đức chi lăng (Bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao); Lam Sơn Chiêu lăng bi (Bia Vua Lê Thánh Tông); Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi (Bia Vua Lê Hiến Tông); Đại Việt Lam Sơn Kính lăng bi (bia Vua Lê Túc Tông). 11 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Trò Xuân Phả, Trò diễn Pôồn Pôông, Lễ hội Trò Chiềng, Lễ hội Kin chiêng Boọc Mạy, Trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê, Lễ hội Cầu Ngư, Nghề đúc đồng làng Chè (Trà Đông), Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn; Lễ hội Mường Ca Da, huyện Quan Hóa; Lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống; Xường Dao Duyên, huyện Ngọc Lặc.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều di tích sau khi được bảo quản, tu bổ, phục hồi đã trở thành sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan, như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn, Thái miếu Nhà Lê, Đền Bà Triệu, Phủ Na,…

Từ đầu năm 2021 đến nay công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được chính quyền địa phương, chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện, như: Dự án Tôn tạo Khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2); Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Nguyễn Văn Nghi (huyện Đông Sơn); Dự án Tu bổ, tôn tạo và mở rộng chùa Mồng (huyện Cẩm Thủy); Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Báo Ân (xã Thiệu vân, thành phố Thanh Hóa); Dự án Tu bổ, tôn tạo chùa Long Khánh (phường Long Anh, thành phố Thanh Hóa)…

Nhiều quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Hang Con Moong, huyện Thạch Thành; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu căn cứ Khởi nghĩa Ba Đình, huyện Nga Sơn; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo lịch sử, văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa…

Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Ngoài ra, công tác quy hoạch các khu di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch cũng được tỉnh Thanh Hóa chú trọng; thực hiện nhiều hình thức phát huy giá trị di tích như: Xây dựng và triển khai các đề án khai thác, phát triển du lịch tại các Khu Di tích lịch sử văn hóa (Đề án “Khai thác phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”; Đề án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu du lịch Lam Kinh”); tuyên truyền và giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa thông qua việc thực hiện Đề án “Truyền thông du lịch Thanh Hóa”; triển khai Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó định hướng các sản phẩm du lịch văn hóa có thế mạnh của tỉnh gắn với tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, kết nối các tour, tuyến du lịch tại các Khu Di tích như: Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, Bà Triệu, Am Tiên, Đền Sòng Sơn,…hàng năm, triển khai Chương trình phát triển du lịch, trong đó thực hiện đầu tư cơ sở vật chất (các bảng giới thiệu, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng,…) tại các khu du lịch gắn với di tích lịch sử. Nhờ đó, hình ảnh, di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh của Thanh Hóa đã được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, một số khu, điểm di tích tiêu biểu như: Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền Bà Triệu, đền Sòng Sơn, Am Tiêm, Phủ Na, Cửa Đạt; Sầm Sơn, Suối cá thần Cẩm Lương, thác Ma Hao, động Bó Cúng,... đã và đang trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển đáng kể, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di tích của địa phương thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú như: Phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, sách giới thiệu về di tích, tiềm năng du lịch Xứ Thanh; xây dựng các phóng sự, video, chương trình truyền hình giới thiệu khu, điểm di tích trọng điểm, danh lam thắng cảnh như: Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Lam Kinh, Bà Triệu), Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, suối cá thần Cẩm Lương, Sầm Sơn, Bến En, Pù Luông, Thác Voi, thác Ma Hao,... trên các kênh truyền hình; tham gia và tổ chức các sự kiện, triển lãm, festival giới thiệu di sản văn hóa, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia; tỉnh đã đầu tư triển khai thực hiện lắp dựng và nâng cấp 121 biển chỉ dẫn du lịch đến các điểm tham quan, du lịch, mua sắm, làng nghề; đồng thời, bằng các nguồn lực đầu tư  đã xây dựng được 29 nhà vệ sinh công công đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh trọng điểm.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý và phát huy giá trị di sản của tỉnh Thanh Hóa, các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, sự nỗ lực tham mưu của các ngành chức năng, sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội, qua đó đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa đặc sắc, phong phú của Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống của quê hương, đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về Thanh Hóa đối với du khách trong nước và quốc tế.

Về các giải pháp trọng tâm, ông Hồng cho biết, thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hoá cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Duy trì và tăng cường nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, địa phương, xã hội hóa...đồng thời đầu tư có trọng điểm, để thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh có hiệu quả cao. Ban hành cơ chế chính sách cụ thể trong việc thu hút đầu tư, quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý vi phạm, xâm hại đến di tích. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để nâng cao tính răn đe. Có chính sách đào tạo nguồn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý Nhà nước, công tác chuyên môn tại các đơn vị, địa phương liên quan đến lĩnh vực làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa; mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa; đào tạo đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên am hiểu về di tích lịch sử - văn hóa để tạo sức hấp dẫn đối với du khách tham quan.

Mạnh Dũng

 

Top