Thành cổ Namhasanseong

Di tích Lịch sử quốc gia Namhasanseong (Nam Hán Sơn Thành) của Hàn Quốc vừa được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới tại kỳ họp lần thứ 38 tổ chức tại Doha, Qatar, tháng 6 năm 2014.

Thành Namhasanseong tọa lạc tại trung tâm núi Namhan, dãy núi chạy qua ba thành phố Gwangju, Seongnam và Hanam của tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Nền móng của thành có từ thời Tam quốc, tức là trước thế kỷ I. Tuy nhiên, thành có hình dạng như ngày nay chủ yếu được xây dựng từ thế kỷ XVII, chính xác là vào năm 1624, tức năm thứ hai của thời Vua Joseon thứ 16. Khi đó, người ta nhận thấy cần phải có một nơi để vua lánh nạn trong trường hợp có biến cố và theo đó, tường thành Namhansanseong đã được xây dựng mở rộng, thêm cả hành cung cho Vua ngự. Vào thời điểm đó, Quảng Châu Mục, hiện nay là thành phố Gwangju, cũng được di dời về đây. Khi nhà Thanh tấn công xâm lược Triều đại Joseon lần thứ hai, được gọi là Bính Tý Hồ loạn từ tháng 12 năm 1636 đến tháng 1 năm 1637, Namhansanseong là nơi Nhà vua đã chuyển Hoàng cung về, nên cũng có thể được coi đây đã từng là Kinh thành tạm thời của một đất nước. Chính điểm này cũng được UNESCO đánh giá cao bởi trên thế giới không có tường thành trên núi nào lại đồng thời là nơi vua trú ngụ khi có chính biến như tường thành Namhansanseong của Hàn Quốc. Một điểm đặc biệt nữa đó là nhiều chùa chiền và tăng lữ cũng tham gia trong quá trình đắp thành và quản lý tại đây. Nam Hán Sơn Thành đã được Chính phủ Hàn Quốc công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia vào năm 1963 ngay sau khi Luật Bảo tồn di tích văn hóa có hiệu lực. Tổng chiều dài của công trình này là 11,76km, trong đó có tường thành chính dài 9,5km và trường thành ngoài dài 2,71km. Thành được chia thành hai khu vực là tường thành và khu vực hành cung - biệt cung vua ở lại mỗi khi đi vi hành bên ngoài cung hay điện Thủ ngự trường đại, được xây dựng với mục đích quân sự.

Thành Namhasanseong rực rỡ khi mùa xuân đến

Nam Hán Sơn Thành là một di sản văn hóa đáp ứng hai tiêu chí cơ bản của UNESCO:

(ii) Namhansanseong là một ví dụ tuyệt vời thể hiện việc trao đổi những tiến bộ về công nghệ trong xây dựng pháo đài và vũ khí ở khu vực Đông Á qua các cuộc chiến tranh quốc tế. Namhansanseong là thành phố pháo đài duy nhất đóng vai trò là một thành phố phòng vệ để bảo vệ chủ quyền và độc lập của Josoen;

(iv) Các bức tường thành và phương tiện sử dụng địa hình gồ ghề thể hiện sự phát triển kỹ thuật của kiến trúc pháo đài được xây dựng ở Hàn Quốc từ thế kỉ VII cho đến thế kỉ XIX.

Theo Giáo sư Rii Hae-un, người đứng đầu Ủy ban Di sản Thế giới của CHA, cho biết Nam Hán Sơn Thành có một giá trị duy nhất là một cung điện hoàng gia của Hàn Quốc vào năm Bính Tý (1636). Nam Hán Sơn Thành là một di tích lịch sử quan trọng và độc nhất, nó có liên quan đến một cung điện và hàng nghìn vị sư Phật giáo đã huy động để xây dựng và quản lý Tường thành. Lịch sử cũng đã công nhận cho các giá trị độc đáo của Namhansanseong.  

Tuy bị thất bại trong chiến tranh nhưng thành Namhansanseong là một kinh nghiệm quan trọng trong việc xây dựng một thành quách trên núi cực lớn để đối phó trong các cuộc chiến trường kì trên quy mô lớn. Hơn thế nữa, Thành cũng là thành phố hành chính-quân sự hiểm trở đồng thời là một hình mẫu của lịch sử phát triển trong xây dựng thành quách phương Đông. Thành Namhansanseong miêu tả các lý thuyết về vấn đề cơ chế phòng vệ Hàn Quốc đã được hình thành như thế nào bằng cách kết hợp môi trường sống hằng ngày với các mục tiêu quốc phòng, chứng tích Phật giáo, những yếu tố ảnh hưởng trong việc bảo vệ Nhà nước và pháo đài. Những yếu tố đó đã trở thành biểu tượng về chủ quyền của Hàn quốc.

Về mùa đông thành Namhasanseong vẫn là điểm du lịch hút khách

Hơn nữa, Nam Hán Sơn Thành còn được đánh giá cao ở việc bảo tồn tương đối tốt nhờ chính sách, pháp luật liên quan của Hàn Quốc. Thành là minh chứng của sự giao lưu giá trị nhân loại trong phát triển kĩ thuật, văn hóa kiến trúc và được công nhận là một ví dụ điển hình vượt trội về mặt cảnh quan cho thấy rõ nét giai đoạn của lịch sử nhân loại qua tổng thể kĩ thuật kiến trúc của nó. Thêm vào đó thành còn là một di sản quân sự cho thấy bằng chứng về sự tương tác giữa quy hoạch và kĩ thuật xây dựng thành trong khu vực Đông Á, là nơi tập hợp của chiến thuật phòng ngự cùng kĩ thuật xây dựng thành lợi dụng địa hình và đã được công nhận là mang những giá trị đầy đủ của một di sản thế giới. Thành cũng nhận được đánh giá tích cực về tình trạng bảo tồn nhờ việc quản lí có hệ thống thông qua hệ thống bảo vệ và chính sách bảo tồn theo pháp luật một cách hiệu quả.

Tổ chức Sáng kiến văn hóa và Du lịch Hàn Quốc Namhansanseong (NCTI) là cơ quan chính chịu trách nhiệm về quản lý và bảo tồn thực địa Namhansanseong và các di sản văn hóa khác trong khu vực Namhansanseong. NCTI chịu mọi trách nhiệm về việc thực hiện các dự án, bao gồm việc thiết lập các kế hoạch bảo tồn từ ngắn hạn đến dài hạn, bảo tồn thường xuyên, sửa chữa, khai quật, nghiên cứu, khảo sát, giáo dục và giám sát. NCTI có vai trò chủ động trong xây dựng dự án tương lai và việc quản lý, bảo tồn Namhansanseong. Theo các hướng dẫn chính sách do Cục Quản lý Di sản Văn hóa đặt ra, NCTI đưa ra kế hoạch hàng năm, giữa kỳ và ngắn hạn của các dự án bảo tồn rất cần thiết cho Namhansanseong. Kế hoạch cùng với ngân sách nhà nước đề xuất đã được được đệ trình lên tỉnh Gyeonggi-do và CHA để xác nhận và phê duyệt. Ngược lại, Văn phòng Công viên tỉnh Namhansanseong (NPPO) sẽ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát hệ sinh thái và tiện nghi đối với du khách của Namhansanseong. Đó là một phần của dự án quy mô lớn về Công viên tỉnh Namhansanseong.

Để đến thành Namhansanseong, ra cửa số 2 ga Sanseong, line 8 tàu điện ngầm, sau đó bắt xe bus số 9 hoặc 25 và xuống bến Namhansanseong Loteori. Thông tin chi tiết truy cập trang web của Cơ quan Văn hóa và Du lịch Namhansanseong (www.ggnhss.or.kr) hoặc gọi điện thoại đến số +82-31-777-7500.

Thu Hà

Top