Thần chính khí Long Đỗ Bạch Mã Đại Vương Quốc đô Thành hoàng Thăng Long

Thần Long Đỗ là vị thần được thờ tại đền Bạch Mã (số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), một trong Tứ trấn Thăng Long - vị thần được bao triều đại phong tặng là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Tìm hiểu về Thần thông qua việc hệ thống hoá nguồn tư liệu Hán Nôm đã cho thấy sự nhận thức căn bản về thần, góp phần làm tăng thêm niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng, người Việt Nam nói chung. Bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu đôi điều về vị Quốc đô Thành hoàng Thăng Long đó.

Trước tiên phải nói về danh xưng thần hiệu, tôn hiệu là Thần Long Đỗ: xét về mặt thời gian bắt đầu có từ sớm, gắn liền với việc xây Thành Đại La và được tiếp tục sống mãi trong các thế kỷ sau đó. Danh xưng này ngầm chỉ những tư tưởng về tinh thần độc lập của một dân tộc, một đất nước. Bên cạnh danh xưng, tôn hiệu Long Đỗ, Thần còn có danh xưng, tôn hiệu là Bạch Mã Đại vương. Danh xưng, tôn hiệu này gắn liền với công trạng của Thần trong việc giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long khi ông dời Đô từ Hoa Lư ra vùng sông Tô, sông Nhị, tức là gắn liền với Thăng Long của thời phong kiến Đại Việt tự chủ. Thần được Vua Lý Thái Tổ phong làm Thăng Long Thành hoàng, từ đó đến nay, Thần Long Đỗ luôn là Thành hoàng của đất Thăng Long.

Thần Long Đỗ - Thành hoàng đế đô Thăng Long có lai lịch không giống như mô hình của một Thành hoàng bình thường. Với sự xuất hiện của Thần, không phải từ một truyền thuyết có đủ sự sinh, sự hoá... của một Thành hoàng vốn là người phàm trần mà xuất hiện trong tư thế của một vị Thần, Linh trưởng của một vùng đến xem Cao Biền - một viên quan đô hộ phương Bắc đang xây thành ngay trên mảnh đất Thần làm Linh trưởng ấy. Nghĩa là Thần của vùng đất ấy vốn đã có sẵn rồi, không phải do một bà mẹ nào dẫm phải vết chân lạ hay bị sao rơi vào miệng rồi mới sinh ra Thần nữa. Thần là kết tinh của hồn thiêng sông núi, là tinh anh của giang sơn nước Việt.

Theo các tài liệu Hán Nôm còn lại đến ngày nay, Thần Long Đỗ được bao phong nhiều lần dưới nhiều triều đại khác nhau. Sự bao phong cho thần sớm nhất mà ngày nay còn biết được là thông qua Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái.

Đền Bạch Mã Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần gốc của Hà Nội cổ. (Ảnh: TL)

Việc bao phong Thần từ thời Lý gắn chặt với hoạt động của Vua Lý Thái Tông. Có thể tách thành hai nội dung bao phong là: bao phong cho Thần vì Lý Thái Tông phong cho Thần là Quảng Lợi Đại vương; và bao phong cho đền vì Thần được nhận thức như một Phúc thần nên đền được coi là chỗ cầu đảo của Đô thành.

Qua đó có thể thấy, việc bao phong thời Lý được gắn liền với tình tiết và hoạt động của Lý Thái Tổ; bao phong cho Thần gắn liền với sự trợ giúp của Thần, sự xây dựng thành Thăng Long của Nhà nước Đại Việt độc lập tự chủ; việc bao phong ấy còn gắn với việc phong Thần làm Thăng Long Thành hoàng Đại vương; xây dựng đền Bạch Mã thờ Thần Chính khí Long Đỗ - Bạch Mã Đại vương; và cũng gắn liền với Lễ tế Thần, Lễ nghênh xuân triệu ngưu hàng năm ở đền của các triều đại.

Tất cả Thần hiệu của Thần Long Đỗ trong giai đoạn sau Lý - Trần đều là sự khẳng định, phát triển công năng, quyền uy, vị thế của Thần theo thời gian và nhận thức ngày càng cao của mỗi triều đại. Sau này, mỗi triều đại lại gia phong cho thần những mỹ tự mới nhằm đề cao công năng, quyền uy của Thần.

Nói về Thần Long Đỗ là một đại diện cho các thần của trung tâm Thăng Long, Phạm Quý Thích đã viết trong văn bia trùng tu đền Bạch Mã như sau: Bạch Mã là ngôi đền rất thiêng. Trong các vị thần thiêng ở Long thành, Bạch Mã Đại vương linh thiêng nhất... Xem theo bài tựa Thần từ khảo chính thuật lại sự tích thiêng liêng của thần, danh hiệu của thần đại để giống nhau, chỉ khác chút ít thôi. Tóm lại, đây là vị thần Thành hoàng của thành Thăng Long. Thăng Long ngày nay là Đô thành, xưa kia là đất Kinh kì của vua. Hàng năm, lễ đánh trâu rước xuân làm ở đền này. Lễ ấy rất long trọng. Tục nước ta vốn tôn thờ thần, dù là thần một thôn, một ấp cũng được thờ phụng rất tôn kính. Huống chi đây là vị thần chủ tế một khu vực ngàn dặm, được tất cả các đời vua cúng tế, ban phúc cho đất nước, giúp đỡ nhân dân.

Khám thờ thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã. (Ảnh: TL)

Đại La - Thăng Long là hai danh xưng cho một miền đất nhưng ở hai thời kỳ khác nhau: Bắc thuộc và tự chủ. Với Đại La, ta biết đến lịch sử xa xưa, lịch sử anh dũng nhưng nhuốm màu bi kịch. Với Thăng Long, ta biết đến một lịch sử hào hùng. Bi kịch vì mất nước, hào hùng vì độc lập, dựng xây non sông. Huyền thoại về Thần Chính khí Long Đỗ - Bạch mã Đại vương phần nào đã phản ánh lịch sử của Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Từ những điều trên cho thấy Thần Chính khí Long Đỗ tiêu biểu cho chính khí, hạo nhiên chi khí, vượng khí của miền sông Tô sông Nhị buổi Đại La; Bạch Mã Đại vương tiêu biểu cho tinh thần xây dựng buổi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Từ Long Đỗ Chính khí đến Bạch Mã Đại vương là sự liên tục về lịch sử, đó là lịch sử anh dũng bất khuất trong hiểm nguy, hào hùng đầy khí thế trong xây dựng. Cảm thức về thần gắn chặt với tiến trình tiến hoá trong nhận thức về sự độc lập tự chủ của người Việt trong sự so sánh đối ứng với khu vực và quốc tế. Thần Chính khí Long Đỗ - Bạch Mã Đại vương - huyền thoại và hiện thực đan xen nhau, tạo ra một bức tranh lịch sử sinh động, rất đáng để cho mỗi chúng ta, những người con của Hà Nội nói riêng và những người con đất Việt nói chung suy ngẫm và cống hiến cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Văn hoá Việt được thể hiện một cách dung dị, mang tính thuyết phục cao qua việc tôn vinh Thần Long Đỗ - một trong Tứ trấn Thăng Long.

Th.S Nguyễn Tô Ly

Top