Dấu ấn hành cung Cổ Bi
Thời Chúa Trịnh Cương định cho chuyển Đô về đây nhưng về sau chỉ cho xây dựng Hành cung để nghỉ ngơi mỗi khi đi tuần du và về thăm bên ngoại ở xã Như Kinh, quê bà Trương Thái Phi, mẹ đẻ Trịnh Cương. Sự kiện xây dựng này được Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: “tháng 11, Đinh Mùi Niên hiệu Bảo Thái năm thứ 8 (1727) xây dựng Hành cung Cổ Bi. Chúa Trịnh đi đến Như Kinh, ưa thích phong thủy ở Cổ Bi muốn xây dựng Kinh đô mới ở đó. Các tụng thần cũng xin cho dựng Hành cung để chuẩn bị khi Chúa đi tuần du. Chúa bèn lệnh cho quần thần chọn đất vẽ bản đồ dâng lên Chúa xem. Công việc xây dựng trong một tháng thì xong.
Khi phân tích về địa thế nơi đây, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc từng kiến giải: “Cổ Bi có 99 ngọn núi chầu quanh bao bọc, khác gì 99 vì sao chiếu rạng. Lại có sau lưng là dòng sông Đuống, trước mặt là dòng sông Hồng. Đó là hai “ thủy long” che chở. Ngoài ra, vốn còn con sông Nghĩa Trụ từ Lê Xá, Nông Vụ, Phú Thị vòng bao quanh Cổ Bi, rồi đi xuống Xuân Cầu, Văn Giang khác nào “xuất dương long” (rồng ra biển). Theo phong thủy học là “cận long nhiễu long thành” (rồng gần bao Long Thành), như vậy quả là quý địa”.
Thực tế, Cổ Bi là vùng đất có vị trí chiến lược về quân sự, nơi án ngữ phía Đông Kinh Thành Thăng Long và được bao bọc với hệ thống sông, hào, gò đồi: sông Thiên Đức bọc từ Đông Bắc - Bắc và Tây Bắc, sông Cái bao bọc từ Tây Nam - Nam và Đông Nam. Vào những năm đầu Công nguyên, nơi đây từng là điểm hội quân của Hai Bà Trưng trên đường tiến đánh Luy Lâu - Thủ phủ của bọn phong kiến Hán. Giai đoạn 1946 - 1954, nơi đây nổi tiếng vì đã hai lần chống địch càn quét thắng lợi, bảo vệ xóm làng góp phần vào chiến thắng của nhân dân Thủ đô. Hơn nữa, Cổ Bi còn được minh chứng bằng hàng loạt các di vật, di tích khác trong vùng. Ở di tích của hai thôn Vàng và thôn Hội thuộc xã Cổ Bi thờ thần Đông Hồ là tướng Hai Bà Trưng đã đóng quân luyện võ ở nơi đây, điều này cho thấy Cổ Bi có vị trí địa quân sự từ rất sớm trong lịch sử. Với tục truyền Cổ Bi có 99 gò đống và với những gì còn lại như đồi có đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan ở xã Dương Xá, những hiện vật khảo cổ học ở vùng Phú Thị, xã Dương Xá, Cổ Bi... đã chứng minh bề dày lịch sử và là một khu vực mật tập trung dân cư đông đúc, phồn thịnh để đến đầu thế kỷ XVIII các Chúa Trịnh đã chọn để xây Hành cung với ý định dời Đô sang đây.
Hành cung Cổ Bi xưa thuộc làng Cổ Bi, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội). (Ảnh: TL)
Tuy sử sách không mô tả cụ thể về Hành cung Cổ Bi, ngoài trang dòng phản ánh sự kiện Chúa Trịnh Cương cho xây dựng Hành cung Cổ Bi vào tháng 11 Niên hiệu Bảo Thái thứ 8, năm 1727. Nhưng qua vết tích lược đồ mặt bằng rộng lớn, qua lối vào, qua những hiện vật còn lại như: đôi voi, đôi sấu, đôi hổ được làm bằng chất liệu đá và qua khoảng cách (5,5m) giữa các con thú được sắp xếp đối xứng với nhau... chứng tỏ nơi đây từng hiện diện quy mô một công trình kiến trúc, trung tâm là đồi Cổ Bi nơi có Cung điện với các vật liệu làm từ gạch, đá, gỗ... và nhiều cây cổ thụ xum xuê.
Quy mô Hành cung bề thế, uy nghiêm được sử liệu phản ánh là vậy, nhưng Hành cung Cổ Bi tồn tại không lâu. Tháng 7 năm 1729, vùng đất Cổ Bi bị lụt do đê Cự Linh bị vỡ, nước tràn ngập Hành cung Cổ Bi, trong thành nước sâu đến 3 thước. Sau khi Chúa Trịnh Cương mất (1729), Chúa Trịnh Giang (1729 -1740) kế vị cho dỡ bỏ đem vật liệu xây dựng chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Dẫu sau này được Chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767) cho sửa lại nhưng Hành cung Cổ Bi cũng không thoát khỏi ngọn lửa trả thù của Vua Lê Chiêu Thống (1787 - 1788) thiêu rụi.
Trên cơ sở các nguồn sử liệu ghi chép cùng với những di vật, linh vật hiện còn, trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Hà Nội của thành phố Hà Nội, tiến tới kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, hy vọng việc nghiên cứu về tên gọi vùng đất này cũng như nghệ thuật đồ gốm, đồ sứ lại cho thấy nơi đây ẩn chứa những giá trị sử liệu quý giá. Từ ngày 2 tháng 10 năm 2006 đến ngày 8 tháng 12, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội tiến hành khai quật thám sát tại vị trí được cho là trung tâm của Hành cung Cổ Bi với hy vọng tìm lại được vết tích, cùng di vật liên quan đến Hành cung vốn vang bóng một thời.
Tổng diện tích khai quật lên đến 160m2, chia làm 11 hố đã làm xuất lộ những dấu vết cư trú thuộc Văn hóa Đông Sơn, vết tích kiến trúc thời Trần, vết tích kiến trúc thời Lê (gia cố móng tường, bao, đống đổ vật liệu kiến trúc và vệt gia cố dăm đá vôi), vết tích kiến trúc thời Nguyễn (đống đổ phế liệu kiến trúc). Cùng với những di vật là vật liệu kiến trúc và đồ gốm sứ. Chủ yếu, chúng có niên đại thời Lê Sơ, một số ít có niên đại thời Trần và Nguyễn. Ngoài ra, còn có 3 đồng tiền, các cục xỉ lò.
Dấu vết xưa của Hành cung còn lại chỉ là những bức tượng thú bằng đá xanh khá đẹp hình các con vật quen thuộc (Ảnh: TL)
Cũng trong báo cáo sơ bộ kết quả khai quật cho biết: không chỉ có niên đại bắt đầu vào nửa đầu thế kỷ XVIII và tồn tại đến tận thế kỷ XIX, thực tế khảo cổ học đã chứng minh sinh động vùng đất Cổ Bi có dấu ấn văn hóa và niên đại của thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, thời trần (XIII - XIV).
Kết quả khảo sát thực địa cùng tài liệu địa tầng và các vết tích kiến trúc xuất lộ cho thấy quy mô của Hành cung tương đồng với những gì được sử cũ ghi chép và tương truyền đó là: Hành cung phân bố trên một mặt bằng rộng, bán kính khoảng 5km, có nhiều gò đống nổi lên cùng hệ thống sông ngòi che chắn, bao bọc. Tuy nhiên, những đơn nguyên kiến trúc của Hành cung mới chỉ dừng lại “ở dạng “quy hoạch” hay ý tưởng mà chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, hoặc có xây dựng cũng chưa đi đến hoàn thiện và đưa vào sử dụng”. Nhận thức này có phần phù hợp với những gì mà sử liệu phản ánh.
Với vị trí địa lý đắc địa như vậy, hiện nay tại tổ dân phố số 6, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm còn hiện hữu một ngôi đình gồm 5 gian 2 dĩ, cấu trúc theo kiểu chữ đinh, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, được ngự trên một gò đất cao. Đình được dựng lên thờ Chúa Trịnh Cương.
(Ảnh: TL)
Ngày nay, cùng với xu thế phát triển xã hội, thị trấn Trâu Quỳ đang từng ngày đi lên trở thành thị trấn văn minh, hiện đại, nhưng từ trong sâu thẳm của lịch sử Cổ Bi cũng như trong lòng đất Cổ Bi vẫn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa văn minh của Thủ đô ngàn năm tuổi. Trong tương lai không xa, cùng với các di tích lịch sử văn hóa như cụm di tích đình – đền – chùa Phú Thị, xã Phú Thị và cụm di tích đình, đền, chùa Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hành cung Cổ Bi sẽ là điểm tham quan du lịch về cửa ngõ phía Đông của Kinh thành Thăng Long thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan chiêm ngưỡng để hiểu thêm về trình độ văn minh của dân tộc Việt Nam qua các thời đại, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống một cách thiết thực và có hiệu quả cho các thế hệ con cháu.
Ngô Thị Hạnh - Nguyễn Doãn Minh