Thăm Đông Đại Tự (Todaiji) ở thành phố Nara, Nhật Bản

Đông Đại Tự (Todaiji) - ngôi chùa bằng gỗ được coi là lớn nhất thế giới, đuợc xây dựng ở thành phố Nara, Nhật Bản từ thế kỷ thứ VIII và đã trở thành một trong những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất ở xứ “Phù Tang tam đảo”.


Todaiji soi bóng bên hồ (Ảnh:TL)


Hoàng đế Shomu (trị vì 724 - 749) vốn là vị vua tôn sùng Phật giáo, qua nhiều kinh sách, ông tin rằng Đức Phật sẽ phù hộ độ trì cho vị vua nào làm theo các lời dạy của Người và Tứ Thiên Vương (Bốn vị Hộ Pháp trông coi bốn phương chính của thế giới). Để cầu mong Đức Phật sẽ phù giúp mình hộ quốc an dân, cũng giống như Vua Asoka của Ấn Độ hay Vua Đường Cao Tông của Trung Quốc, Hoàng đế Shomu đã thực hiện kế sách dùng Phật giáo để củng cố chế độ tập quyền quân chủ. Chính vì vậy, năm 741, ông ban Chiếu chỉ cho thực hiện một chương trình xây dựng quy mô lớn các ngôi chùa trên khắp 63 tỉnh thành của xứ “Phù Tang tam đảo” – nước Nhật Bản ngày nay. Trong số các ngôi chùa được xây, Đông Đại Tự ở Kinh đô Nara là ngôi chùa lớn nhất, vừa là Tổng hành dinh quốc gia, vừa là trung tâm tôn giáo, tinh thần và cũng là trung tâm chính trị của cả nước.

Tên đầy đủ của ngôi chùa này là “Kim quang minh tứ thiên vương hộ quốc tự” (Konko Myo Shitenno Gokokuji). Ngôi chùa được xây như là phương tiện trấn quốc bằng Phật pháp, đánh dấu sự hội tụ có ý nghĩa lần đầu tiên của giáo quyền và thế quyền ở Nhật Bản. Chùa là Trung tâm Phật giáo Hoa Nghiêm tông của  Nhật Bản. Chùa đã được UNESCO công nhận là “Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời kỳ Kinh đô Nara” cùng với 07 công trình khác cùng nằm trong Cố cung Nara, nay thuộc thành phố Nara, Nhật Bản.


Momiji rực đỏ Todaiji (Ảnh TL)



Đại Phật Điện (Ảnh: TL)


Mô hình quần thể Todaiji cổ xưa (Ảnh: TL)

Toàn bộ khu chùa được hoàn thiện trong vòng 15 năm bao gồm cả việc khai quang, san bằng tái tạo một bên sườn của ngọn núi Wakakusa. Hơn 2,6 triệu người đã được huy động, tiêu tốn hàng triệu giờ công lao động và đã rút cạn nguồn đồng và thiếc của cả nước. Quần thể chùa ban đầu gồm có 2 ngôi điện chính cao 100m, có lẽ chỉ đứng sau Kim Tự Tháp Ai Cập về chiều cao tính đến thời điểm năm 752. Phải nói đây là một kỳ công của người Nhật từ thế kỷ thứ VIII.

Ngôi chùa bị chiến tranh tàn phá và bị thiên tai hủy hoại nhiều lần vào những năm 1180 và 1567 nhưng sau đó lại được tôn tạo, phục hồi lại vào các năm 1183 và 1692. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại vào năm 1709, trải qua hai lần được tu sửa lớn vào thời kỳ Minh Trị (1868 -1922) và Taisho (1912-1926). Kích thước của chùa chỉ còn bằng hai phần ba so với Đông Đại Tự nguyên thủy nhưng vẫn gây choáng ngợp bởi kết cấu kiến trúc bằng gỗ đồ sộ, rộng 50m, dài 57m, cao 48m, được đánh giá là ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới. Tại chùa này còn lưu giữ những bức chạm tinh vi tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Nhật Bản cùng hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm.

Đại Nhật Phật  (Ảnh: TL)
 

Bức tượng Phật bằng đồng khổng lồ và Đại Phật Điện hiện nay có niên đại đầu thế kỷ XVIII, theo sát kiến trúc, kiểu thức nguyên gốc. Đại Nhật Phật (Vairochana) được người Nhật gọi là Đại Nhật Như Lai (Dainichi Nyorai). Vua Shomu cho dựng tượng Đại Nhật Phật bằng đồng cao 16m, hoàn thành và an vị vào năm 752 dưới Triều đại Tempyo Shoho. Đại Nhật Phật được coi là đứng đầu trong Ngũ Thiền Phật, ngự ở tầng trời Vô sắc giới (Arupadhatu), được các Phật tử Nhật Bản coi là Vô thượng Phật hay Vũ trụ Phật, có hào quang vô lượng vô biên, nên gọi là Đại Nhật Phật. Vị Phật này cũng được coi là người sáng lập Chân ngôn tông (Shingon) - một hình thức Phật giáo Mật tông phổ biến ở Nhật Bản. Tượng Đại Nhật Phật bằng đồng được tạo tác trong tư thế ngồi với bàn tay phải bắt ấn Vô úy. Ấn này mang ý nghĩa truyền cho người ta lòng tự tin và dũng khí để thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, ngăn chặn cái ác, mưu cầu hòa bình và hữu nghị. Để thếp vàng cho tượng Đại Nhật Phật, người ta đã phải dùng đến 400kg vàng. Bức tượng này vẫn được đặt trên tòa sen gốc từ thế kỷ VIII, những đài sen chạm khắc hình chư bồ tát, hộ thần và cảnh cực lạc tĩnh thổ.

Trong điện Kaidan’in nằm trong khuôn viên Đông Đại Tự vẫn còn giữ được bộ tượng Tứ Thiên Vương (Shi Tenno) từ thế kỷ thứ VIII. Những bức tượng này có vẻ mặt dữ tợn và mang nhung phục giáp trụ kiểu Trung Quốc. Tứ Thiên Vương là bốn vị Hộ Pháp trông coi bốn phương chính của thế giới. Đa Văn Thiên (Vaishravana) là hộ thần phương Bắc, tay cầm bảo tháp và quyền trượng. Trì Quốc Thiên (Dhrtarastra) là hộ thần phương Đông, tay cầm gươm. Tăng Trưởng Thiên (Virudhaka) là hộ thần phương Nam, tay cầm gươm và một ngọn giáo. Manh Mục Thiên (Virupaksha) là hộ thần phương Tây, tay cầm phương thiên họa kích và một sợi dây thòng lọng. Ở Nhật Bản, Tứ Thiên Vương được các tông phái thờ cúng để cầu mong được giúp sức chiến thắng kẻ thù. 
 


Nai trong vườn cảnh của Todaiji (Ảnh: TL)
 

Nhiều công trình tại Quần thể Di tích Đông Đại Tự đều gắn kết với nghệ thuật vườn cảnh độc đáo. Trải qua nhiều thế kỷ, các công trình kiến trúc và vườn cảnh nghệ thuật đã tạo nên một sắc thái văn hóa rất riêng biệt và đặc sắc, khiến nơi đây trở thành địa danh linh thiêng và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. 


Hoàng Thị Hồng Lĩnh

Top