Quảng trường Thời đại
Quảng trường được đặt theo tên của Thời báo New York (New York Times) từ năm 1904, khi Tòa soạn của tờ báo này chuyển về đây, trước đó Quảng trường có tên là Longacre Square. Quảng trường Thời đại là biểu tượng đô thị của thành phố New York, ngày cũng như đêm, nơi đây luôn rực rỡ bởi ánh đèn muôn màu của các bảng hiệu quảng cáo. Đây cũng là nơi người dân New York thường tụ tập để đón chào các sự kiện trọng đại như mừng lễ Giáng sinh, Năm mới… Quảng trường Thời đại ở New York còn được mệnh danh là “Giao lộ của thế giới” hay “Con đường lớn sáng choang”, đã bước sang tuổi 113.
Quảng trường Thời đại - Mỹ ngày nay.
Trước và sau cuộc Cách mạng Mỹ, miền đất này thuộc quyền của John Morin Scott, một nhà chiến lược của quân sự New York, làm việc dưới quyền của George Washington. Vào nửa đầu thế kỷ thứ XIX, nơi này thuộc sở hữu của John Jacob Astor, người đã tạo ra đột phá trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và những hạng mục khác, làm cho New York phát triển một cách nhanh chóng. Rũ bỏ hình ảnh của một khu vực còn hoang sơ, nơi đây trở thành một điểm đến của nhiều du khách muốn trải nghiệm tinh hoa của New York.
Khu đô thị phồn hoa nổi danh này của New York luôn tấp nập, đông đúc và là một trong những điểm tham quan được du khách biết đến và ghé thăm nhiều nhất thế giới. Đây là đại lộ đầu tiên được để đèn điện sáng choang ở thành phố New York xưa kia. Hơn thế, đây là khu phố duy nhất ở New York, chủ các toà nhà chọc trời ở đây phải chấp nhận để những bảng quảng cáo khổng lồ, làm khu này sáng rực rất ngoạn mục khi bóng đêm buông xuống. Người dân nơi đây luôn phải sống trong không gian náo nhiệt, bởi đây chính là nơi thể hiện rõ nhất nhịp sống năng động, hiện đại của New York. Sáng rực cả ngày lẫn đêm, những bảng tin vắn, bảng thông tin hối đoái nhấp nháy và những tấm biển quảng cáo rực rỡ góp phần tạo nên không khí đặc trưng của Quảng trường Thời đại. Đến nơi đây, du khách còn được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa bản địa. Dù đêm hay ngày, ở Quảng trường Thời đại luôn có sự hiện diện của các vũ công, nghệ sĩ tung hứng, nghệ sĩ đường phố hoặc các tay trống người châu Phi. Không có gì là bất ngờ nếu như bắt gặp ở đây những buổi biểu diễn nhạc ngẫu hứng hay những bài diễn thuyết công khai của các chính trị gia, các nhà khoa học hay những người nổi tiếng. Để có được trải nghiệm nhẹ nhàng hơn là đi dạo trong không gian lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt, du khách có thể đến thăm Bảo tàng Madame Tussauds - nơi trưng bày tượng sáp của những người nổi tiếng, cũng nằm ngay khu trung tâm Quảng trường Thời đại. Ở Khu vực nhà hát Broadway trải dài cạnh trung tâm Quảng trường, hàng trăm người thường xuyên xếp hàng tại quầy bán vé ngoài trời TIX để có thể mua được vé giảm 50% cho suất biểu diễn tại 1 trong 40 rạp hát nằm ở đường 41 và đường 53, và giữa đại lộ thứ 6 và thứ 9. Broadway được xem là một trong những sân khấu hàng đầu trong lĩnh vực nghệ thuật nhạc kịch phương Tây. Du khách sẽ hết sức ngạc nhiên, ngưỡng mộ bởi sự hoành tráng, lộng lẫy của những họa tiết trang trí được mạ vàng vô cùng tinh tế và đặc sắc. Quảng trường còn là sự lựa chọn hàng đầu của các bộ phim khi có những cảnh quay ngoại cảnh bởi lối kiến trúc hiện đại, năng động, hàng chục quán cà phê với không gian độc đáo, các nhà hàng ẩm thực mang đậm phong cách châu Âu, các phòng quay MTV và sân khấu nhạc kịch…
Những tín đồ hảo ngọt sẽ có cơ hội tận hưởng hương vị sô-cô-la ngọt ngào của tại cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng như M&M và Hershey. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm hiện diện ở khắp Quảng trường Thời đại, từ những nơi bán đồ cao cấp đến các khu bình dân, tại đây, du khách có thể chọn những món quà lưu niệm như chiếc áo phông có dòng chữ “I heart NYC” và mũ New York Yankees… Tại Quảng trường Thời đại có một trạm tàu điện ngầm lớn, du khách có thể dễ dàng tìm thấy một tuyến xe buýt đi qua khu vực này. Nhà ga Grand Central cũng nằm tại đây.
Quảng trường Thời đại vào ban đêm vẫn rất nhộn nhịp.
Lễ Giáng sinh và chúc mừng năm mới hàng năm thường được tổ chức tại Quảng trường Thời đại. Đây là một trong những địa điểm chào đón năm mới nổi tiếng trên thế giới, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có hàng triệu người cùng nhau tập trung chờ đón thời khắc quả cầu pha lê tuyệt sắc, lộng lẫy dưới ánh đèn từ từ hạ xuống. Quả cầu Quảng trường Thời đại là một quả cầu thời gian, đặt trên nóc Toà nhà One Times Square, quả cầu này là điểm nhấn của lễ đón Giao thừa tại Quảng trường Thời đại, thường được biết đến với tên gọi “lễ thả quả cầu”, khi đó quả cầu hạ độ cao 43m trong 60 giây trên một cột cờ được thiết kế đặc biệt, bắt đầu từ lúc 11:59 đêm theo múi giờ miền Đông (Bắc Mỹ) và hoàn tất vào đúng nửa đêm, đánh dấu thời khắc mở đầu của một năm mới. Trong những năm gần đây, trước lễ thả quả cầu thường diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi khác như các màn trình diễn âm nhạc hoặc các chương trình giải trí khác. Sự kiện này được Adolph Ochs, Chủ báo Thời báo New York, tổ chức lần đầu tiên vào ngày 31 tháng 12 năm 1907 để chào đón năm 1908, lễ thả quả cầu từ đó được tổ chức đều đặn hàng năm, trừ năm 1942 và 1943 do yêu cầu tắt đèn thời chiến. Thiết kế của quả cầu cũng được thay đổi qua các năm, phản ánh sự phát triển của công nghệ chiếu sáng. Từ năm 2009, quả cầu hiện tại được đặt trên nóc toà nhà quanh năm. Có ít nhất một triệu người tham dự sự kiện này hàng năm và được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Mỹ. Thành công của lễ thả quả cầu tại Quảng trường Thời đại đã truyền cảm hứng cho một số chương trình “thả” tương tự ở một số sự kiện đón Giao thừa tại các địa phương trên khắp nước Mỹ; một số nơi cũng dùng các quả cầu, trong khi một số khác sử dụng những đồ vật khác phản ánh văn hoá hay lịch sử địa phương để thả. Vừa chiêm ngưỡng sự lộng lẫy, vừa cùng nhau đếm ngược, thưởng thức màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu, lộng lẫy và hoành tráng. Từ lâu, Quảng trường Thời đại của thành phố New York đã được xem là nơi tuyệt vời nhất để đón năm mới, từ không khí náo nức, đám đông náo nhiệt, cho tới cách tổ chức ấn tượng và đặc biệt là hình ảnh biểu tượng của quả cầu pha lê ánh sáng khổng lồ… khiến nơi đây kết tụ được tinh thần mà người ta luôn muốn cảm nhận ở những phút giây đầu tiên của năm mới.
Trong vòng hơn hai thập kỷ trở lại đây, việc thắt chặt an ninh vào mỗi dịp diễn ra lễ hạ cầu luôn được quan tâm sát sao, năm 2016, có khoảng 7.000 cảnh sát được huy động cùng với những lực lượng đặc nhiệm, để đảm bảo tất cả người dân có mặt trên quảng trường có thể yên tâm đón năm mới.
Thu Hà