Phố Hiến - Di tích Quốc gia đặc biệt

Trong danh mục xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Phố Hiến được đặt trong nhóm các di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, theo tôi là hoàn toàn có cơ sở, cho dù giá trị của nó trội vượt hơn. Tuy nhiên, những di tích hiện còn với khoảng hơn 100 cá thể, với 16 di tích tiêu biểu được miêu thuật trong hồ sơ, giá trị nghệ thuật của Phố Hiến xem ra cũng vô cùng nặng ký để Chính phủ công nhận nó là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014 với cả hai tính chất.

Phố Hiến hôm nay tuy chỉ còn một thời vang bóng, nhưng với Văn Miếu Xích Ðằng thờ Ðức Thánh Khổng Tử, thầy Chu Văn An cùng các bậc tiên hiền và một sự đồng bộ, thể hiện kiến trúc Cung đình Huế, trên một diện tích 6000m2, có đủ các hạng mục, thiết nghĩ cũng là một di tích hiếm hoi còn lại đến hôm nay ở nước ta. Ngoài ra, ở Phố Hiến còn có đền Mây, đền Kim Ðằng, chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa, đền Trần, chùa Phố, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, đền Bà Chúa Kho, phức hợp đình – chùa Hiến, Ðông Ðô Quảng Hội – Thiên Hậu cung, chùa Nễ Châu, đền Cửu Thiên Huyền Nữ… Ðó là cả một phức hợp, thể hiện tầm vóc của một cảng thị Phố Hiến xưa, đồng thời phản ánh nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một vùng đất cổ với nhiều cộng đồng cư dân chung sống, dựng xây mảnh đất ấy đến trình độ thứ nhì ở Ðàng ngoài, sau Thăng Long -  Kẻ Chợ. Ðể giới thiệu từng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của mỗi di tích là việc làm không thể đối với một bài viết ngắn này, nhưng du khách đến với Hưng Yên hôm nay mà không qua để thăm viếng, hành hương, chiêm bái thì quả thật chưa thể nói là đã tới thành phố này, do đó, sự chỉ dẫn sơ lược trên đây, hẳn sẽ tạo điều kiện cho mỗi người đưa vào nhật ký hành trình của mình, chắc chắn thu được nhiều điều thú vị, khám phá được nhiều bí ẩn bất ngờ từ các di tích ấy. Bài viết này chỉ xin có đôi lời về vị trí, vai trò của Phố Hiến trong lịch sử Trung đại Việt Nam, mong người đọc thấy hết được tầm mức của nó, để trước khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Phố Hiến đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với du lịch tại Quyết định số 744/QD-TTg ngày 27-5-2010 với 6 nhóm dự án hoàn hảo và đồng bộ.

Vào thế kỷ 17-18, Phố Hiến là một thương cảng nổi tiếng ở Ðàng Ngoài, sánh ngang bằng với Hội An ở Ðàng Trong thời Chúa Nguyễn. Lúc ấy, Phố Hiến có một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Văn bia chùa Thiên Ứng, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625, đời Vua Lê Thần Tông) ghi rằng: “Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng An” . Lời văn bia ấy cũng chẳng khác bao nhiều so với dân gian: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Tràng An, Kinh Kỳ, Kẻ Chợ đều là tên gọi của Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội xưa.

Phố Hiến gắn với thời kỳ vàng son, hưng khởi của các đô thị cổ Việt Nam. Nơi đây, đặt cơ quan công quyền, thay mặt Triều đình gánh trách nhiệm như một tiền đồn, một tiền cảng, một vòng thành bảo vệ che chắn cho Kinh đô. Nơi đây còn có nhiều phường - hội buôn bán, sản xuất với rất nhiều ngành nghề thủ công truyền thống. Phố Hiến vừa giữ chức năng tuần ti, vừa là đô thị vô cùng sầm uất lúc đương thời.

Chợ Phố Hiến. Ảnh: internet

Theo các tài liệu du ký, Phố Hiến thời ấy chạy dọc theo bờ sông, có khoảng 2000 nóc nhà, có một đồn binh và quân lính, nhưng không có tường lũy, thành quách và súng lớn. Nơi kiểm soát và làm thủ tục thông hành cho các tàu thuyền ngoại quốc trước khi vào Kẻ Chợ là Vạn Lai Triều (Bến sông từ đó đi đến Triều đình). Ðó cũng là bến chợ buôn bán chính của đô thị Phố Hiến. Ðường phố trải dài và liền sát nhau ở ven sông là cửa hàng, kho bãi của các thương nhân Trung Hoa. Phía Nam là khu thương điếm của người Hà Lan, hoạt động từ 1637 đến 1700 và của người Anh, hình thành sau đó vài chục năm 1672 và kết thúc vào năm 1683, muộn hơn so với thương điếm Hà Lan đôi chút. Một trong những ngôi đền, chùa vừa được nói tới trên đây là do người Trung Hoa xây dựng.

Hoạt động kinh tế chủ yếu của Phố Hiến trong nửa sau thế kỷ 17 là ngoại thương. Phố Hiến buôn bán với nhiều nước, tuyến chủ yếu là với người Nhật, do các lái buôn Hà Lan và Trung Hoa đảm nhiệm. Ngoài ra còn có thuyền buôn bán lui tới Phố Hiến từ các tỉnh thuộc Nam Trung Hoa, Xiêm La, Indonesia, Ấn Ðộ, để rồi từ đây sang các nước châu Âu xa xôi.

Có nhiều mặt hàng xuất tại Phố Hiến. Ðó là tơ lụa sản xuất ở xứ Ðông, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam. Ngoài ra, còn có lâm thổ sản, hương liệu, đồ gốm. Các thuyền buôn Anh tới Phố Hiến xếp tới hàng vạn đồ gốm Bát Tràng. Năm 1688, lái buôn Anh đã cho thuyền chở đi hai chiếc chuông lớn được đúc ở Ðàng Ngoài, mỗi quả nặng khoảng 500 cân Anh, đưa sang Xiêm La, nhưng đến “cửa khẩu” Phố Hiến thì bị giữ lại.

Mặt hàng nhập có diêm tiêu, lưu huỳnh, súng thần công, súng lệnh…cùng những nguyên liệu đúc như kẽm, đồng, sắt…phục vụ cho chiến tranh bảo vệ và đúc tiền. Ngoài ra, vải dạ, thuốc Bắc, những đồ tinh xảo công nghiệp đương thời cũng được nhập vào nước ta qua cảng Phố Hiến.

Cư dân Phố Hiến thế kỷ 17 đã là một khu đa sắc tộc với nhiều người trong nước và nước ngoài đến đây cư trú và buôn bán. Người Việt đến từ Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tây, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam. Họ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thủ công nghiệp, sau đó, dựng lên một khu phố mới, nằm ở phía Ðông Bắc phố Bắc Hòa, mang tên Nam Hòa.

Người Hoa đến Phố Hiến chủ yếu làm nghề thuốc và buôn bán thuốc bắc, vải, mật, hương… Cũng có một vài cơ sở thu mua tơ lụa cho hai, ba phú thương người Hoa buôn bán với Nhật Bản.

Những ngôi nhà có từ lâu đời ở phố Hiến. Ảnh: internet

Người Nhật đến Phố Hiến sớm và đông đúc, chỉ sau người Hoa. Cộng đồng này có tổ chức rất chặt chẽ trong buôn bán. Người Xiêm La, Mã Lai cũng có mặt ở Phố Hiến thời kỳ này, nhưng không nhiều.

Người Phương Tây đến Phố Hiến sớm nhất là Bồ Ðào Nha, nhưng hoạt động thương nghiệp của họ mờ nhạt, chủ yếu là truyền đạo Thiên Chúa vào những trung tâm đô thị lớn và các làng xóm vùng duyên hải.

Thương nhân Hà Lan đến Phố Hiến sớm và lập thương điếm ở đây lâu dài với 13 đời giám đốc. Tiếp đó là người Anh, người Pháp. Ðến cuối thế kỷ 17, các thương điếm của người Phương Tây rút khỏi Phố Hiến, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Phố Hiến khi ấy chỉ còn lại người Trung Hoa sinh sống và làm ăn.

Ðến thế kỷ 19, khi Kinh đô chuyển về Phú Xuân, một làn sóng thương nhân người Hoa nhập cư vào Hà Nội. Ðó là những người đã từng ra đi từ Kẻ chợ đến với Phố Hiến và kể cả người Hoa định cư ở Phố Hiến do buôn bán khó khăn cùng đi đến Hà Nội, theo đó, Phố Hiến dần lụi tàn. Sự lụi tàn ấy không chỉ vai trò, vị trí của đô thị này mất đi mà sự bồi lấp của dòng sông Hồng đã làm cho cảng thị ấy lùi sâu vào bên trong, gây trở ngại cho thuyền bè ra vào buôn bán. Có lẽ vì thế, năm 1762, chính quyền Lê - Trịnh đã chuyển dời trấn lị Sơn Nam sang bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc huyện Duy Tiên ngày nay. Năm 1741, trấn Sơn Nam được tách thành hai: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, trọng tâm chính trị - kinh tế chuyển xuống mạn dưới, nay thuộc Vị Hoàng (Nam Ðịnh).

Những người Pháp đến Hưng Yên- Phố Hiến vào cuối thế kỷ 19 chỉ còn thấy đây là “một thị trấn nghèo nàn của người bản xứ”. Những khu thương điếm nước ngoài đã biến thành những ruộng cầy ngập nước.

Như vậy là, Phố Hiến một thời vang bóng và cũng đã một thời rơi vào sự quên lãng. Việc trả lại một phần di sản này theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và việc tôn vinh Phố Hiến là Di tích quốc gia đặc biệt, thiết nghĩ là vô cùng cần thiết để đánh thức nó tham gia vào đời sống hiện tại với tư cách là một trong những động lực phát triển cho tỉnh Hưng Yên nói chung và thành phố Hưng Yên nói riêng.

Hồng Hải

Top