Phát huy vai trò Đền Quan Hoàng Mười Nghệ An trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ

Đền thờ Quan Hoàng Mười được gọi theo tên làng là đền Xuân Am. Làng Xuân Am thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An hiện nay. Theo một số tư liệu cho biết làng Xuân Am, trước đây gọi là Âm Công, đến cuối thời nhà Nguyễn xã có tên là Yên Pháp.

Bên cạnh đó, đền còn có  têngọi theo âm  Hán- Việt  là “Mỏ Hạc Linh từ”. Tên này xuất phát từ quan niệm phong thủy, ngôi đền dựng trên vùng đất có hình tượng đầu một con hạc (do những con sông quy về tạo thành) đầu con hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đền thờ quan Hoàng Mười đặt ở nơi được cho là mỏ con hạc. Các công trình kiến trúc của đền hướng ra phía sông Lam (hướng Nam), phía sau dựa vào các núi Kỳ Lân, Dũng Quyết. Bao quanh là những cánh đồng trải dài mênh mông, đồi núi nhấp nhô.

Đền thờ Quan Hoàng Mười ở Nghệ An ngày nay.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt ở nước ta (Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ, Mẫu Thoải cai quản Thủy phủ, Mẫu Địa cai quản Địa phủ), quan Hoàng Mười đều được phối thờ trong các thần điện thờ Mẫu. Chỉ có đền Xuân Am Nghệ An được cộng đồng địa phương và những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ thừa nhận là nơi thờ chính của quan Hoàng Mười. Bên cạnh việc thờ quan Hoàng Mười, trong đền còn thờ hệ thống tượng Mẫu, Song đồng ngọc nữ, Thái bảo Phúc quận công, và Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc (một võ quan thời hậu Lê quê ở Xuân Am). Trong khu vực đền người dân địa phương có xây khu lăng mộ cho Ngài.

Theo các truyền thuyết lưu hành tại địa phương (xứ Nghệ) hiện nay, có khá nhiều dị bản về lai lịch tiểu sử, thân thế của quan Hoàng Mười. Hầu hết các truyền thuyết đều gắn quan Hoàng Mười với một trong những vị danh nhân của xứ Nghệ, người có công lao trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương xứ Nghệ, như Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, được giao cai quản châu Nghệ An. Lê Khôi, vị tướng tài trong khởi nghĩa Lam Sơn, cháu ruột Vua Lê Thái Tổ. Cương quốc công Nguyễn Xí, một người con xứ Nghệ từng tham gia nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh. Nguyễn Xí là một vị quan tài hoa lỗi lạc. Sau chiến tranh ông được Triều đình giao cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi về đây, ông đã truyền dạy cho dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, làm thủy lợi nội đồng. Lại có những thuyết coi quan Hoàng Mười là một trong những người con của đất Xuân Am, Nguyễn Duy Lạc.

Công lao của quan Hoàng Mười đã được các triều đại quân chủ trước đây ghi nhận, ban sắc phong, hiện tại đền còn lưu giữ một số sắc phong, trong đó đạo sắc ghi ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) phong Ngài là: “Quang ý Trung đẳng thần”.

Trong tập tài liệu Hội thảo Giá trị lịch sử văn hóa của Di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, tổ chức vào ngày 10 tháng 6 năm 2017, hầu hết các tác giả đều nghiêng về giả thuyết Quan Hoàng Mười (có thần hiệu là: Khâm sai Tiết chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa đẳng xứ, kiêm thủy bộ chư doanh, Bình chương quân quốc trọng sự Thái úy vị quốc công) là Lê Khôi.

Theo tài liệu hiện biết, đền được xây dựng năm 1634, thời Lê Trung hưng. Khu đền có diện tích hơn 1 ha, theo trí nhớ của người dân địa phương, trước đây, đền có quy mô khá lớn, bao gồm các công trình kiến trúc như: tam quan, sân, ba toà: hạ điện, trung điện và thượng điện. Tam quan có voi quỳ, hổ phục, có hai cửa tả, hữu với đôi cột nanh cao lớn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khu đền bị hư hỏng, xuống cấp, hoang tàn đổ nát, việc thờ Ngài phải tạm rời vào làng. Sau khi thống nhất đất nước 1975, đến năm 1995 chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại đền trên khu đất cũ với các hạng mục: thượng điện, hạ điện, tả hữu vu, điện cô Chín, điện cửu trùng và mộ ông Hoàng Mười. Bên cạnh việc khôi phục lại kiến trúc, nhiều di vật trong đền như: hệ thống tượng, hoành phi câu đối, đại tự, kiệu, đồ tự khí.v.v. cũng được sưu tầm, phục hồi, làm mới. Các hiện vật gốc còn lại là 21 đạo sắc, bản thần tích một số tài liệu hán văn. Năm 2002 đền được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Từ đó đến nay, khu đền vẫn được bảo quản chu đáo phục vụ thờ cúng quan Hoàng Mười và các hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương cũng như khách thập phương. Do di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An phát huy giá trị khá tốt, thu hút ngày càng nhiều du khách nên UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng Di tích lịch sử - văn hóa đền ông Hoàng Mười”. Dự án được quy hoạch với tổng diện tích xây dựng 13,68 ha, bao gồm 4 khu vực: khu tâm linh, khu dịch vụ, khu lễ hội và khu cây xanh cảnh quan... Dự án được thực hiện với 2 giai đoạn (năm 2014 - 2017 và năm 2018 - 2020).

Trải qua nhiều thăng trầm, tại đền vẫn duy trì hai kỳ lễ hội lớn  hàng năm vào Rằm tháng 3 Âm lịch (lễ hội khai điểm) và 10-10 âm lịch  (giỗ ông Hoàng Mười).

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta có khá nhiều vị thần được thờ, hình thành một hệ thống thờ tự bao gồm phủ, đền, điện, tĩnh ban. Tượng thờ trong thần điện bao gồm các tượng Mẫu (Thiên, Địa, Thủy, Nhạc), Quan lớn (Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ và đệ ngũ), Tứ vị chầu bà, Quan hoàng, Thánh cô, Thánh cậu,  các con vật thuộc về tứ phủ tiêu biểu có ông Hổ, rắn (ông Lốt). Trên ban công đồng trong thần điện còn có Ngọc hoàng Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu, vua cha Long thần Bát hải đại vương, có nơi còn thêm cả tượng Phật, Quan Âm Thánh Mẫu. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là Mẫu và các vị thần bản địa của nước ta. Những vị xuất hiện trong các giá đồng trong nghi lễ hầu đồng của tục thờ Mẫu.

Trong các thần điện thờ Mẫu, quan Hoàng Mười thường được thể hiện là tượng mang trang phục màu vàng.

Tương truyền, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Ông là con thứ mười của vua cha Bát Hải, theo sự phân công của vua cha và đệ nhất Thánh Mẫu Thượng Thiên, quan Hoàng Mười được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm sát khâm sai ở xứ Nghệ. Quan Hoàng Mười là một người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân lao động nghèo khó. Quan Hoàng Mười là một “Đức Thánh Minh” trong hàng các quan Hoàng của tín ngưỡng thờ Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Quan Hoàng Mười được triều Vua Khải Định sắc phong Trung Đẳng thần nhưng trong tâm thức dân gian Ông luôn được coi là vị thần thượng đẳng.

Trong các buổi hầu đồng không thể vắng mặt giá quan Hoàng Mười, trong số mười vị Quan Hoàng; Quan Hoàng Mười thường được mời về ngự đồngKhi ngự đồng; quan Hoàng Mười mặc long phục màu vàng; thêu chữ “thọ”; đầu đội khăn xếp, thắt dây vàng, cài chiếc trâm lệch màu vàng kim. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, quan Hoàng Mười và quan Hoàng Bảy được Mẫu giao cho đi chấm lính nhận đồng nên Ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng như quan Hoàng Bảy. Tuy nhiên, khác với quan Hoàng Bảy, những người nào có căn quan Hoàng Mười thường hào hoa phong nhã, giỏi thi phú văn chương.

Theo quan niệm của giới hầu đồng, quan Hoàng Mười là vị thánh chuyên ban lộc cho phát về công danh sự nghiệp. Chính vì thế, ai cũng muốn đến đền xin lộc ông vào mỗi dịp đầu năm. Đó cũng là lý do khiến ngôi đền thờ quan Hoàng Mười Nghệ An luôn tấp nập du khách vào mỗi dịp đầu xuân.

Giá trị văn hóa của di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An cùng các hoạt động liên quan đến quan Hoàng Mười trong tục thờ Mẫu đã góp phần đưa tín ngưỡng thờ Mẫu của nước ta ra thế giới. Ngày 1-12-2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Lễ đón Bằng của UNESCO đã diễn ra vào ngày 2-4-2017).

Trong bối cảnh đó, để Di tích và Lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An được bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả, xứng đáng với vị thế của một di sản văn hóa nằm trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp với thực trạng di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An hiện nay. Cần nhanh chóng triển khai chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa sau khi được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sớm đưa, Di tích và Lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An vào chuỗi hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chúng ta biết rằng, trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, các vị thần linh được thờ chung trong hầu hết các thần điện. Tuy nhiên, mỗi vị thần đều có những nơi thờ chính tương tự như trường hợp của đền thờ quan Hoàng Mười tại Nghệ An. Mẫu Liễu được thờ ở Phủ Giầy (Nam Định), Quan Hoàng Bảy ở đền Bảo Hà (Lào Cai), Quan Đệ Nhị Triệu Tường ở Gia Miêu (Thanh Hóa), Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh ở đền Tranh (Hải Dương), cô Ba tại đền Bơ Bông (Thanh Hóa).v.v. Ngày nay, nhiều cơ sở thờ tự mới của tín ngưỡng này vẫn đang tiếp tục ra đời. Ngoài di tích và lễ hội truyền thống liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, các hoạt động hầu đồng diễn ra ngày càng nhiều. Vì vậy, việc tập trung nghiên cứu và phát huy giá trị các di tích và lễ hội ở các khu di tích liên quan đến các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu như đền thờ quan Hoàng Mười Nghệ An, phủ Giầy Nam Định trong bối cảnh hiện nay nhằm bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa đích thực và hạn chế những yếu tố tiêu cực, không phù hợp với các giá trị văn hóa là rất cần thiết. Đối với các di tích và lễ hội như đền quan Hoàng Mười Nghệ An cần có những giải pháp để nâng tầm di tích và lễ hội ngang với vị thế là một trong những di tích về một trong những vị thánh trong tục thờ Mẫu của người Việt. Muốn vậy cần phải tăng cường nghiên cứu xác định chính xác các giá trị lịch sử văn hóa của di tích và lễ hội.   

Trong bối cảnh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có cơ sở để địa phương tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa Lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tương tự Lễ hội Phủ Giầy (Nam Định) Lễ hội đền Suối Mỡ (Bắc Giang).v.v.

Trong lễ hầu đồng từ trước đến nay hầu như chưa bao giờ vắng mặt giá hầu quan Hoàng Mười. Tùy theo từng bà đồng các điệu múa diễn tả về quan Hoàng Mười trong múa phong cách, múa đạo cụ hay múa mô phỏng được thể hiện khác nhau (do lối dạy và học theo lối truyền trực tiếp, không ràng buộc theo một lý thuyết nhất định nào), tùy hứng sáng tạo (xuất thần) của từng người (ông đồng, bà cốt). Tùy theo từng nhóm cung văn lời hát, điệu nhạc trong giá quan Hoàng Mười cũng có những dị bản khác nhau, tạo nên phong cách riêng của từng nhóm cung văn, làm đa dạng các hình thức diễn xuất về quan Hoàng Mười và góp phần cho sự đa dạng tính cách của quan Hoàng Mười.

Việc thực hành nghi lễ hầu giá quan Hoàng Mười không chỉ diễn ra trong những ngày lễ hội tại đền thờ quan Hoàng Mười Nghệ An mà còn được thực hành vào nhiều dịp trong năm cùng với các giá đồng khác. Việc nghiên cứu giá trị nghệ thuật của giá hầu quan Hoàng Mười tại đền sẽ góp phần làm rõ hơn tính đại diện của các di sản văn hóa phi vật thể ở đền liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu (quan Hoàng Mười) ở nước ta. Đi sâu nghiên cứu các đặc điểm lịch sử của lễ hội như sự sáng tạo của cộng đồng địa phương trong quá trình hình thành, phát triển và định hình chương trình nội dung lễ hội; Vai trò, sự tham gia của các thành phần cư dân trong cộng đồng địa phương vào các hoạt động của lễ hội, những sắc thái riêng, tính địa phương của Lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An so với các lễ hội khác (so sánh với Lễ hội đền Củi - Hà Tĩnh). Mối quan hệ giữa họ Nguyễn Xuân Am với các hoạt động của di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười tại địa phương. Những tác động của Lễ hội đền quan Hoàng Mười tới đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của cộng đồng địa phương trong quá trình tạo nên sự gắn bó đoàn kết trong cộng đồng, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa, giao thương với bên ngoài, phát triển kinh tế (du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, phát triển công nghiệp văn hóa).

Đẩy mạnh nghiên cứu về đặc điểm tín ngưỡng trong Lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An trên các mặt không gian và thời gian diễn ra lễ hội tại địa phương, theo chu kỳ hoạt động nông nghiệp, xuân thu nhị kỳ, vào Rằm tháng 3 Âm lịch và (10-10 Âm lịch (Tết cơm mới ). Sự linh thiêng của lễ hội thông qua sự tích của quan Hoàng Mười và các hoạt động lễ, hội, nghi lễ, trò chơi, trò diễn mang tính thiêng như rước sắc, hầu đồng…

Tiếp tục nghiên cứu các đặc điểm nghệ thuật (nghệ thuật trang trí sắp đặt, nghệ thuật trình diễn) trong lễ hội. Nghệ thuật trình diễn bao gồm lễ tế, rước sắc, các trò diễn (Các giá hầu đồng trong đó có giá hầu quan Hoàng Mười, hát chầu văn), trò chơi, trò diễn. Nghiên cứu so sánh để làm nổi bật những nét riêng, đại diện của di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An trong hệ thống di tích và lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở nước ta.

Nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ các tài liệu, lời văn, điệu nhạc, nghi lễ hầu đồng liên quan đến giá quan Hoàng Mười ở Nghệ An và trong các nhóm đồng trên cả nước.

Tiếp tục củng cố bộ máy quản lý di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An theo hướng phát huy vai trò tự chủ của cộng đồng địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước có kế hoạch hỗ trợ trong việc bảo vệ trật tự, an ninh, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, xử lý các diễn biến tiêu cực tại di tích và lễ hội. Hướng dẫn các nội dung tuyên truyền phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, quan Hoàng Mười nói riêng trong các chương trình hành động phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hạn chế và loại bỏ các tác động tiêu cực do những nhận thức sai lệch mang nặng yếu tố mê tín, dị đoan vốn đã bị phê phán của tín ngưỡng này. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về quan Hoàng Mười. Đầu tư nhiều hơn cho hoạt động giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa và công lao sự nghiệp của quan Hoàng Mười ra cả nước và quốc tế.

PGS.TS NGUYỄN QUỐC HÙNG

Top