Nón lá Quế Minh

Làng nón Quế Minh (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) có từ thời xa xưa và tồn tại đến ngày nay nhờ nét đặc trưng của riêng mình. Không thanh mảnh như nón Dạ Lê (Huế), hay tinh xảo như nón làng Chuông (Hà Tây) nhưng nón lá Quế Minh được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chắc chắn từ vành, lá và đường kim mối chỉ. Nón lá Quế Minh vẫn duy trì cho đến ngày nay và là vật che nắng che mưa cho người dân đất Quảng cũng như trong vùng.

Làng nghề 400 tuổi

Cách đây 400 năm, làng nghề nón lá Quế Minh bắt đầu hình thành ở 2 làng là Diên Lộc và Đại Lộc. Lúc đầu chỉ có vài ba hộ làm nghề, sau đó phát triển hơn 300 hộ. Có những thời kỳ, mỗi ngày người làm nón ở Quế Minh chằm được hơn 2.000 chiếc nón và bán khắp vùng ở khu vực miền Trung. 

Nghề nón Quế Minh thu hút từ các cụ già cho đến thanh thiếu niên, kể cả trẻ em trong làng, bởi đây là nghề không quá khó. Dù thu nhập từ nghề không cao nhưng người dân không vì thế mà bỏ nghề, mọi người vẫn gắn bó, không phai nhạt một nghề truyền thống của tổ tiên. Hiện nay, làng nghề tập trung chủ yếu ở làng Diên Lộc, với 47 hộ tham gia (150 lao động). Mỗi năm, người dân thu nhập từ nghề nón lá hơn 10 tỷ đồng… 

Nón lá Quế Minh được ưa chuộng không kém nón Huế, nón Gò Găng (Bình Định) hay nón làng Chuông (Hà Nội). Người dân Quế Minh đã thổi tâm hồn vào chiếc nón, tạo nên sự thanh mảnh của dáng, sự chắc chắn trong từng đường kim mũi chỉ.

Làng nón có khoảng 80 hộ với hơn 200 người tham gia sản xuất, chủ yếu là phụ nữ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 500 chiếc nón với doanh thu gần 10 triệu đồng. Tuy thu nhập không cao, nhưng những nghệ nhân làng nón vẫn bám lấy nghề. Ước muốn của người làm nghề nón là có sự đầu tư về quy hoạch làng nghề, vùng nguyên liệu cũng như đầu ra để nghề làm nón đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân…

Vang bóng một thời

Trước đây, làng nghề nón lá Quế Minh  làm ăn thịnh vượng có tiếng khắp vùng xứ Quảng. Mỗi ngày, tại đây người làm nón có thể sản xuất được khoảng 2.000 chiếc nón, mang bán khắp vùng Thừa Thiên, xứ Quảng và cả xứ Tây Sơn.

Nón Quế Minh nổi tiếng khắp vùng bởi sự thanh mảnh, sự nền nã của màu sắc, sự chắc chắn trong từng đường kim, mũi chỉ. Nón là vật trang sức làm duyên thêm nét đẹp của những thiếu nữ và là vật che nắng hữu hiệu của nhiều người. Người dân quê đi chợ, đi làm ruộng không thể thiếu chiếc nón lá đội đầu. Nón lá đã gắn bó với cuộc sống của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng một cách tự nhiên và bền bỉ.

Làng nón Quế Minh trước đây có hơn 300 hộ dân theo nghề. Già trẻ và thanh niên trai tráng trong làng đều có thể. Đây là nghề không quá khó đối với họ. Dù cho nghề làm nón không đưa lại thu nhập cao, nhưng lại là nghề để mưu sinh, giải quyết công việc cho phụ nữ làng quê. Cách làng nón Quế Minh không xa, có một chợ quê mang tên chợ Nón, nơi người dân làm nghề mang những sản phẩm của mình ra trao đổi và chợ nón cũng là nơi chuyển nón đi khắp các vùng khác từ Quế Sơn… Nhưng rồi đời sống thay đổi, không còn mấy người theo nghề được nữa…

Hiện tại, những người làm nghề trong làng đếm chưa quá 10 đầu ngón tay. Thanh niên trong làng, người thì bỏ đi làm ăn xa, người thì không biết nghề nên sự mai một của làng nghề là điều hiển nhiên. Hiện nay, trong tổng số hơn 450 hộ gia đình ở đây, chỉ còn 8 khung chằm nón hoạt động, trong đó phần lớn là người già nhớ nghề mà làm.

Nỗ lực giữ nghề

Làng nón Quế Minh là một trong những làng nghề lâu đời nhất tại Quế Sơn, được biết đến khắp xứ Quảng và duy trì cho đến ngày nay. Trải qua thời gian, đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhưng với lòng nhiệt tình, sự tâm huyết, nhiều người dân vẫn bám trụ với nghề, nỗ lực giữ nghề chằm nón.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, có lúc tưởng chừng như không giữ được nghề, nhưng người dân Quế Minh vẫn một lòng bền bỉ với nghề, vẫn nuôi ngọn lửa nghề để không bao giờ bị tắt bất kể sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm công nghiệp vừa đẹp, rẻ tràn lan trên thị trường.

Nhiều người dân ở đây tận dụng mọi khoảng thời gian trong ngày để chằm nón. Có người còn trẻ với đôi tay nhanh nhẹn, có cụ đã ngoài 70 vẫn cần mẫn xâu kim, không khí làm việc luôn rất chuyên tâm nhưng không kém phần vui vẻ. Chằm nón ở Quế Minh không đơn thuần là một cái nghề mà còn là nếp sống của mỗi người dân nơi đây.

Để có được một chiếc nón như thế này, người làm nón có khi phải mất ròng rã cả ngày trời,  trải qua nhiều công đoạn, từ đạp lá, phơi lá cho đến vót vành, chằm nón, làm đầu, nứt vành…Hỏi những người dân nơi đây, hầu như ai cũng có thể nói một cách say sưa về chằm nón. Trong cuộc mưu sinh hối hả, nhiều người không còn làm nón thường xuyên như trước nhưng trong nhà ai cũng giữ khuôn nón để chằm nón vào những lúc nông nhàn.

Để giữ được tiếng thơm cho làng nón Quế Minh, bên cạnh sự nhiệt tình, tâm huyết của người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, giải quyết khó khăn về nguồn nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, đầu ra sản phẩm… cùng bà con trong xã mang lại sức sống mới cho nghề chằm nón nức tiếng bao đời. Ngày 9-9-2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận Danh hiệu làng nghề truyền thống Làng nghề nón lá Quế Minh. Đây là động lực lớn để chính quyền địa phương và người dân Quế Minh quyết tâm giữ nghề nón lá mà ông cha để lại.

Thanh Huyền

Top