Nón lá Hạ Thôn
Theo các cụ cao niên trong làng Hạ Thôn, nghề sản xuất nón lá đã xuất hiện ở đây gần 100 năm. Tuy nhiên, từ năm 1955 đến nay mới thực sự là giai đoạn cực thịnh của nghề làm nón, nghề phát triển và dần dần nhân rộng ra toàn địa phương. Từ chỗ chỉ một vài hộ nhỏ lẻ, đến nay nghề này đã được nhân rộng, trở thành “điểm mạnh” của Quảng Tân. Nếu như năm 1955 trong làng có 75 hộ tham gia sản xuất nón lá với 50.000 sản phẩm/năm, thì đến nay, toàn xã đã có trên 740 hộ tham gia sản xuất nón lá (chiếm 80% tổng số hộ) và sản xuất được trên 1 triệu sản phẩm/năm. Giá trị sản xuất nón lá chiếm khoảng 30-33% tổng thu nhập của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong xã, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,8% (cuối năm 2013).
Ðể tạo ra chiếc nón đẹp, người thợ phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian, từ việc chọn mua nguyên vật liệu, phơi lá, ủi lá, làm vành nón... đến chằm nón. Trước tiên, người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá mua về được phơi nắng đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc, phẳng mà không giòn, không rách. Trước khi đưa lá vào khuôn nón phải được sấy bằng than và là phẳng bằng một chiếc nồi ủi. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa phải để lá không bị cháy, hoặc bị sống vì không đủ độ nóng. Công đoạn khó nhất để tạo ra được một chiếc nón là công đoạn chằm, đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Vành nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, tuyệt đối không được cong vênh.
Từ cách thức làm nón ban đầu, người dân Hạ Thôn đã luôn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng. Hiện tại làng có 2 loạt sản phẩm mang bản sắc đặc trưng của địa phương, đó là nón lá xanh và nón lá dừa. Nón lá xanh là loại nón dựa trên khuôn mẫu của nón bài thơ Huế, được cải tiến mang tính đặc trưng của Quảng Tân. Vật liệu để sản xuất thành sản phẩm là lá lấy từ thiên nhiên, được bố trí 3 lớp trên 16 vành có chất liệu bằng tre nứa vót tròn dựa trên khuôn mẫu hình nón. Giai đoạn trước năm 1980, loại nón này được địa phương sản xuất đại trà, nhưng hiện nay do nhu cầu thị trường nên chỉ sản xuất được khoảng 25 - 30% trong tổng số sản phẩm, giá bán ra thị trường giao động từ 4.000 đến 5.000 đồng/sản phẩm. Loại nón thứ hai là nón lá dừa, vật liệu chính được lấy từ lá dừa nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Loại nón này cũng được sản xuất trên khuôn mẫu hình nón, nhưng được bố trí lớp lá trên 16 vành có chất liệu bằng tre nứa vót tròn. Cách chằm và bố trí hình thức trên nón thì tùy thuộc vào yêu cầu của người tiêu dùng, mặt ngoài nón luôn được sơn phủ loại dầu lấy từ nhựa thông pha chế với một số hóa chất khác làm tăng độ bền và bóng sáng của nón, phía trong nón có quai thao, bố trí 4 hoa nhỏ, ghi địa chỉ đại lý phân phối chính và nơi sản xuất.
Vất vả là thế nhưng người dân Hạ Thôn chưa bao giờ quay lưng lại với nghề truyền thống của quê hương. Từ đời này sang đời khác, người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau. Cứ thế, trải qua gần 100 năm nay, nón lá Hạ Thôn đã trở thành biểu tượng của làng quê nghèo khó, bình dị này. Ở đây, hầu như nhà nào, người nào cũng biết làm nón. Trẻ em lên 6, lên 7 đã được người lớn dạy cho cách phơi lá, chằm nón, đến khi lên 8, lên 9 thì đã thông thạo từng đường kim mũi chỉ. Người già đến khi mắt mờ, tay yếu không thể làm vành, chằm nón thì phụ con cháu phơi, ủi lá.
Nón lá Hạ Thôn đã ngày càng tạo được chỗ đứng vững chắc và vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn như: Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trong phương hướng phát triển làng nghề truyền thống, được biết xã sẽ tích cực vận động, khuyến khích các hộ tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này; đồng thời chú trọng quảng bá để mọi người biết đến nón lá Hạ Thôn. Và để sống được với nghề, ngoài tình yêu nghề, làng nón Hạ Thôn nói riêng và các làng nón ở Quảng Bình nói chung rất cần được tỉnh, huyện quan tâm trong việc tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường bảo đảm đầu ra sản phẩm tiêu thụ ổn định nhằm tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề.
Trung Hiếu