Những bức thư giàu lòng hiếu nghĩa của Bác Hồ với Thương binh, Liệt sỹ
Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh có trưng bày một bức thư của Bác Hồ mà khách tham quan trong cũng như ngoài nước ai đọc cũng đều cảm động rơi nước mắt. Đó là bức thư Bác viết gửi một gia đình công giáo yêu nước- gia đình bác sỹ Vũ Đình Tụng đề ngày 7-1-1947, chia sẻ nỗi đau thương vô hạn với gia đình có người con trai đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tháng 12-1946 ở Thủ đô Hà Nội... Bác viết:
“Tôi được báo cáo rằng con giai của ngài đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Những cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước, thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ đã luôn luôn sống với non sông.”
Trở lại Chiến khu Việt Bắc, tháng 6-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh Liệt sỹ để cho đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tấm lòng yêu mến thương binh. Thực hiện Chỉ thị của Bác, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, Ban, ngành Trung ương, khu, tỉnh tham gia. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm là ngày Thương binh toàn quốc. Sau Hội nghị đó, ngày 17-7-1947 Bác viết một bức thư gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức ngày Thương binh toàn quốc. Bác đề nghị phát động phong trào nhịn ăn 3 tháng một bữa để giúp đỡ thương binh. (Để cứu đói năm 1945 Bác đã phát động đồng bào nhịn ăn 10 ngày một bữa, đem gạo đó mỗi bữa một bơ để cứu dân nghèo vượt qua nạn đói). Bác nói việc này ai cũng có thể làm được, trừ những cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, bộ đội ở mặt trận, những người đau yếu. Trong thư Bác cũng tự mình tham gia vào ngày lễ đầu tiên này, Người viết: “Tôi xin xung phong gửi một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng” (1.127đ.00).
Năm 1951, nhân ngày Thương binh Liệt sỹ, Bác viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh. Kèm theo thư Bác gửi mấy bộ quần áo của đồng bào các nơi biếu Bác tới các thương binh kiểu mẫu. Bác nhắc nhở các cấp, các đoàn thể và đồng bào có những biện pháp lâu dài, thiết thực để đền đáp lại cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của anh em thương binh.
(Ảnh: TL)
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc nhân dân ta khắp các địa phương đều tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa. Phong trào đã lôi cuốn đông đảo tuổi trẻ tham gia dưới tên gọi phong trào Trần Quốc Toản và đã đem lại hiệu quả rất thiết thực cho chính sách thương binh của Đảng và Nhà nước ta.
Trở về Thủ đô Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, trước ngày diễn ra cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội đón mừng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô, theo chỉ thị của Bác, một buổi lễ trang trọng tưởng niệm các liệt sỹ đã được tổ chức ngay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Chiều ngày 31-12-1954, trước thềm năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đặt vòng hoa viếng các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Tại buổi lễ trang trọng này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Bác đọc Diễn từ. Bác viết:
“Hỡi các liệt sỹ
Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.
Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sỹ.
Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước...
Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ muôn đời lưu truyền với sử xanh.
Một nén hương thành
Vài lời an ủi.
Anh linh của các liệt sỹ bất diệt.
Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm.”
Đối với các thương binh Bác Hồ luôn dành một tình cảm đặc biệt. Đêm Giao thừa Tết Nguyên Đán Bính Thân (12-2-1956) Người đã đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội. Bác khuyên anh chị em thương binh “tàn nhưng không phế”. Câu nói của Bác giản dị mà sâu sắc in đậm trong trái tim mọi người.
(Ảnh: TL)
Trước lúc ra đi sang bên kia với “thế giới người hiền”, Bác tin chắc rằng sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi. Trong Bản Di chúc để lại Bác vẫn nhắc nhở trong ngày vui toàn thắng của dân tộc không được quên sự hy sinh của các liệt sỹ và thương binh. Bác nhắc công việc đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước là công việc đối với con người thì những người đầu tiên Bác nhắc đến là những người thương binh, những liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Người viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ, đồng bào phải tìm mọi cách để làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương, (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương... phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét...”
Đã 65 năm đất nước ta kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, thời gian càng qua đi và cuộc sống càng sung sướng hạnh phúc thì lòng hiếu nghĩa đối với những người đã hy sinh cho Tổ quốc càng trở nên sâu sắc và thiêng liêng. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Tình