Những bài học từ tư vấn trưng bày "Tín ngưỡng thờ mẫu: Tâm - Đẹp - Vui"
Mục đích của cuộc trưng bày nhất thời này là nhằm tiếp tục quá trình đổi mới của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (BTPNVN) thông qua việc củng cố và phát triển các quan niệm cũng như kỹ năng trưng bày mới cho toàn thể cán bộ BTPNVN sau khi đã thực hành thành công cuộc trưng bày thường xuyên.
Nếu như trong trưng bày thường xuyên, các cán bộ BTPNVN đã có dịp học tập và tiếp cận với những quan niệm trưng bày, phong cách trưng bày hiện đại của Pháp và Châu Âu, thì qua trưng bày chuyên đề về đạo Mẫu này họ không những có dịp được học cách làm một trưng bày nhất thời/trưng bày chuyên đề mà còn có cơ hội tiếp cận với một phong cách trưng bày khác, phong cách trưng bày của Mỹ hay nói rộng hơn của giới bảo tàng Bắc Mỹ. Giữa hai phong cách trưng bày có nhiều điểm chung và cũng có nhiều điểm khác biệt. Đó chính là lý do tại sao tư vấn A&C lại đề xuất hai nhóm chuyên gia khác biệt nhau tư vấn cho 2 cuộc trưng bày, cho việc đổi mới cả trưng bày thường xuyên lẫn trưng bày nhất thời.
Phương pháp thúc đẩy quá trình đổi mới này là, một mặt, thông qua các cuộc tập huấn ngắn ngày kết hợp những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, mặt khác, thông qua việc thực hành hoàn chỉnh một cuộc trưng bày chuyên đề từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, xây dựng nội dung trưng bày đến thiết kế, trưng bày, tiếp thị… Việc thực hành một trưng bày chuyên đề theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”, khuyến khích chủ động thực hành đã giúp đội ngũ cán bộ BTPNVN mau chóng nắm được các quan niệm mới và kỹ năng mới, tiến tới làm chủ và độc lập trong công việc.
Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày một số bài học cơ bản nhất rút ra từ quá trình thực hành trên.
Tiếp cận nhân học trong bảo tàng là sự thay đổi cơ bản và quan trọng nhất của BTPNVN trong quá trình đổi mới
Sự thay đổi này đã được khởi động trong trưng bày thường xuyên nhưng chưa thực rõ ràng vì không đủ thời gian để triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, vì cơ bản trưng bày dựa vào những tư liệu, hiện vật đã có từ nhiều năm trước. Lựa chọn trưng bày đạo Mẫu, một chủ đề hoàn toàn mới mà chưa một nghiên cứu viên nào trong Bảo tàng am hiểu, hay nghiên cứu, Bảo tàng không hề có một hiện vật nào trong kho, đã tạo ra một thách thức lớn với Bảo tàng. Nhưng đó lại là cơ hội để Bảo tàng có thể bắt đầu từ đầu cho một bài tập thực hành mà nếu đi đến tận cùng thì sẽ được thực hành một chu trình nghiên cứu và trưng bày hoàn chỉnh.
Tiếp cận này bắt đầu từ đâu? Các nghiên cứu viên trong các buổi tập huấn đã nghe các chuyên gia về đạo Mẫu trình bày lịch sử và những vấn đề của đạo Mẫu. Nhiều công trình nghiên cứu đạo Mẫu đã xuất bản mà lần đầu tiên họ được tiếp cận, cảm thấy một núi Thái Sơn tưởng khó có thể vượt qua, khó làm một cái gì đó mới mẻ hơn. Trong nghiên cứu, trong thảo luận đề cương, trong các bài viết trưng bày, nghiên cứu viên luôn bị ám ảnh bởi các cây đại thụ này, thường dẫn dụ hay trích dẫn các nguồn tài liệu này. Chính vì thế trong những đề cương đưa ra thảo luận ban đầu luôn đặt ra sự cần thiết phải trình bày tiến trình lịch sử của đạo Mẫu không khác trong sách, trình bày hệ thống điện thờ như đã được các nhà nghiên cứu đi trước khái quát. Nếu chọn cách tiếp cận này sẽ khô cứng, mất đi sự sáng tạo. Đi theo hướng đó chắc sẽ bế tắc. Đó không phải là một hướng đi đúng.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: TL)
Các chuyên gia tư vấn đã thường xuyên khuyến khích các nghiên cứu viên thảo luận để thấy được rõ chỗ đứng của mình. Chỗ đứng đó chính là luôn luôn phải xuất phát từ bản thân thực tế cuộc sống, từ chính các chủ thể văn hóa là đối tượng nghiên cứu của mình, trong trường hợp này, tức là các ông bà đồng và những người tin theo đạo Mẫu. Cuộc trưng bày hướng tới trình bày, diễn giải những gì có/diễn ra trong thực tế cuộc sống, những gì các ông bà đồng và những người tin theo đạo Mẫu nghĩ và làm. Nguồn cảm hứng, tư liệu sống động cho trưng bày trước hết và căn bản bắt đầu từ đây, từ bản thân ông bà đồng và những thực hành của họ. Cho nên quyết định cuối cùng của Bảo tàng là không trình bày lịch sử đạo Mẫu theo sách vở mà trình bày đạo Mẫu ở thời điểm hiện tại theo cách chủ thể văn hóa nghĩ và thực hành.
Một ví dụ khác, ban đầu các nghiên cứu viên cứ băn khoăn lựa chọn trưng bày điện thờ như thế nào? điện thờ nào là đúng, là mẫu chuẩn ? Ở đây không trình bày hệ thống điện thờ được chuẩn hóa theo sách như một “biểu tượng đúng”, cũng không đi tìm trong thực tế một điện thờ được gọi là chuẩn, là điển hình. Trên thực tế không có một điện thờ chuẩn mà điện thờ thì rất đa dạng, mỗi đền phủ một kiểu, mỗi ông bà đồng mỗi vẻ, tùy theo hoàn cảnh và niềm tin của người thờ. Đó chính là sức sống của đạo Mẫu, có nguyên tắc nhưng lại không có một khuôn phép khô cứng nào cả. Quyết định của Bảo tàng đơn giản là tôn trọng sự đa dạng văn hóa ấy, lựa chọn một điện thờ cụ thể ở một địa phương nhất định, trong trường hợp này là điện thờ theo quan niệm của bà đồng Đức ở Phủ Giầy, Nam Định.
Toàn bộ các diễn giải về Mẫu, về Tâm, về cái Đẹp, về cái Vui trong trưng bày đều thông qua cách kể chuyện của những người trong cuộc, tức các câu trích, lời nói từ các cuộc phỏng vấn. Nhiều người quan niệm giống nhau hay khác về cùng một đối tượng, cùng một phẩm chất, ở đây không thể nói ai đúng ai sai, mỗi quan niệm đều có những bối cảnh riêng mà Bảo tàng có trách nhiệm diễn giải và trình bày cho công chúng về một thực trạng như vậy.
BTPNVN trong nhiều năm chỉ thu hẹp nhiệm vụ của mình là giới thiệu về những người phụ nữ, về phong trào phụ nữ. Đó là một cái nhìn lệch. Nhận ra khiếm khuyết đó, Bảo tàng đã hướng tới một cái nhìn rộng rãi hơn về giới, một bảo tàng về giới. Nhìn nhận vấn đề phụ nữ thông qua lăng kính về giới thì mới thấu hiểu được đầy đủ các vấn đề của phụ nữ mà Bảo tàng quan tâm. Chỉ có thể hiểu được ông đồng, bà đồng khi nhìn nhận họ dưới khía cạnh giới, nữ tính với ông đồng, nam tính với bà đồng, khi họ chuyển hóa giới tính lúc nhập đồng, lúc các vị thánh ở những giới khác nhau nhập vào họ, khi họ sống và sinh hoạt trong gia đình và ngoài xã hội. Trong trưng bày đạo Mẫu đã cố gắng phản ánh một bức tranh tương đối đầy đủ về giới, ở đó không chỉ có bà đồng mà có cả ông đồng, không thiên về một giới nào cả, có cả người già và thanh niên, những người làm các nghề nghiệp khác nhau. Thậm chí đôi khi các curator còn lo ngại về việc xuất hiện nhiều quá hình ảnh các ông đồng, nhất là hình ảnh trên video. Cách trình bày cân bằng về giới này làm cho cuộc sống sinh động hơn, sâu sắc hơn, đưa lại một phong cách khác hẳn với trưng bày thường xuyên, nơi chỉ thấy các gương mặt phụ nữ, câu chuyện của phụ nữ.
Những cách tiếp cận nhân học này mà nay đã được nhóm nghiên cứu ở BTPNVN dần dần ngộ ra và thực hành một cách khá nhuần nhuyễn.
Tuy nhiên qua việc làm trưng bày về đạo Mẫu vấn đề nổi lên với BTPNVN là vấn đề đội ngũ cán bộ còn non yếu. Cần phải có một kế hoạch cụ thể và sít sao để mau chóng đào tạo được một đội ngũ nghiên cứu viên/curator có tính chuyên nghiệp. Vì Bảo tàng trong tương lai sẽ phải tiếp cận với nhiều vấn đề khác nhau trong việc lựa chọn các chủ đề trưng bày mà người thì có hạn nên khó có thể đào tạo chuyên sâu về từng lĩnh vực. Cho nên vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu của mỗi người để sau này dù đi vào bất cứ lĩnh vực nào, chuyên đề nào họ cũng có thể triển khai được.
Làm việc theo nhóm, theo đội nghiên cứu-trưng bày là một cách làm việc mới đối với BTPNVN
Cách làm trước đây của Bảo tàng là thường phân tách rạch ròi công việc sưu tầm và trưng bày. Việc ai người ấy làm. Những người sưu tầm chỉ biết sưu tầm hiện vật, lấy thông tin về hiện vật còn người làm trưng bày thì không đi sưu tầm nhưng lại suy nghĩ về chủ đề trưng bày, lên đề cương trưng bày, áp hiện vật vào đề cương rồi giao cho thiết kế tổ chức trưng bày. Đây là một quy trình cũ, phổ biến trong nhiều bảo tàng ở Việt Nam.
Khu trưng bày theo chuyên đề tín ngưỡng thờ mẫu đặc sắc tại bảo tàng PNVN (Theo songmoi.vn)
Cách làm của trưng bày đạo Mẫu là tổ chức một đội nghiên cứu-trưng bày ngay từ đầu, bao gồm cả nghiên cứu viên (curaror), người thiết kế trưng bày, người làm đồ họa, người làm công tác bảo quản, giáo dục, marketing… Ý tưởng trưng bày xuất phát từ nghiên cứu viên (những người trực tiếp nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và đề xuất chủ đề trưng bày) được thảo luận trong cả nhóm. Ý tưởng liên tục được phát triển, thay đổi, bổ sung, hoàn thiện. Từ ý tưởng về nội dung, kết cấu các chủ đề trưng bày, thông điệp cho đến ý tưởng về bài viết, chọn lựa hiện vật, phim ảnh, từ ý tưởng xây dựng lộ trình, đồ họa (màu sắc, vị trí pano, kích cỡ chữ, hình ảnh, âm thanh trong trưng bày…) đến ý tưởng về các hoạt động giáo dục trong bảo tàng, marketing… tất cả đều được thảo luận nhóm với những nhà chuyên môn khác nhau. Người thiết kế hiểu được yêu cầu nội dung của curator và ngược lại. Không ai làm thay việc của ai nhưng tất cả đều phải hiểu nhau, bổ sung cho nhau, làm việc nhịp nhàng đồng bộ theo một định hướng chung, mục đích chung dưới sự dẫn dắt của curator. Cách làm theo đội nghiên cứu-trưng bày được hình thành từ trưng bày Gánh hàng rong, qua trưng bày thường xuyên nay tiếp tục rèn luyện trong trưng bày đạo Mẫu một cách bài bản, hoàn chỉnh hơn đã thúc đẩy năng lực làm việc của BTPNVN.
Tuy nhiên, đội ngũ ở BTPNVN chưa đồng bộ nên không phải tất cả các công việc những người tham gia vào làm trưng bày đều được tham gia ngay từ đầu. Điều đó ảnh hưởng ngay đến chất lượng công việc. Chẳng hạn, Bảo tàng hiện nay không có người dựng phim. Việc dựng phim phải mời người bên ngoài, họ lại chỉ tham gia vào những tuần cuối cùng một cách biệt lập khi công việc trưng bày cơ bản đã hoàn thành, nên khi dựng phim họ không hiểu được ý tưởng của những người làm trưng bày, của người quay phim, chỉ thể hiện được sự nhảy múa bề mặt trên sân khấu mà không phản ánh được cái chính là sự sâu sắc trong nghệ thuật trình diễn, phần sâu lắng về tâm linh của ông bà đồng trong các giá đồng đó.
Làm việc theo đội/nhóm công tác nghiên cứu-trưng bày đòi hỏi một sự kế hoạch hóa nghiêm túc. Nhóm công tác đã thiết lập được một kế hoạch tiến độ chi tiết từng phần việc theo từng tháng, từng quý, từng năm và đã nghiêm chỉnh thực hiện tiến độ đó. Nhờ thế mà công việc tuy gấp gáp, bề bộn với nhiều đầu mối khác nhau tưởng như không thể hoàn thành nổi trong một thời gian không quá nhiều đã được hoàn thành đúng thời hạn. Sự chỉ đạo chặt chẽ của giám đốc như một curaror chính trên cơ sở kế hoạch hóa tiến độ là bài học quan trọng rút ra từ thành công của trưng bày này.
Gắn kết với cộng đồng đưa lại sức sống mới cho Bảo tàng
BTPNVN có truyền thống/ sở trường làm công tác dân vận. Truyền thống đó được nâng cao hơn trong mối quan hệ bảo tàng và cộng đồng khi thực hiện cuộc trưng bày đạo Mẫu. Ở đây không chỉ đơn thuần là vận động cộng đồng hiến tặng hiện vật như thường làm (như bà đồng Đức ủng hộ hoàn toàn ban thờ Mẫu, hoặc một số người ủng hộ vật chất để làm quà “lộc thánh” tặng trong ngày khai mạc trưng bày) mà còn hướng cộng đồng tham gia vào quá trình trưng bày. Bảo tàng đã nhận thức và tiếp thu được quan niệm mới này và đã triển khai một cách khá hoàn hảo.
Nhiều cuộc tọa đàm theo nhóm nhỏ với các ông bà đồng hoặc tư vấn riêng với từng người để lấy ý kiến họ về đề cương trưng bày hay những vấn đề còn đang băn khoăn sẽ giới thiệu trong trưng bày đã được tổ chức. Các ông bà đồng đã đóng góp cho Bảo tàng nhiều vấn đề quý báu. Chẳng hạn như bà đồng Đức đã trình bày quan niệm về ban thờ ở Phủ Giày và Bảo tàng đã chấp nhận trưng bày theo quan niệm của địa phương này... Đặc biệt Bảo tàng đã mời cậu đồng Trung, một thanh niên mới 21 tuổi và người giúp việc tham gia trực tiếp chuẩn bị hiện vật và quá trình sắp đặt trên trưng bày. Nhóm của cậu đồng Trung đã giúp Bảo tàng đặt làm toàn bộ đồ mã, các y phục và trang sức trong các giá đồng theo phong cách của mình. Chính nhóm cậu Trung cũng là người đã chăm chút việc mặc và chỉnh sửa từng chi tiết y phục, trang sức để làm đẹp các giá đồng trên ma - nơ - canh. Cậu đồng Trung cũng là người đã có sáng kiến sử dụng ánh sáng mầu phù hợp với các mầu y phục của từng bức tượng trên tam tòa. Sự tham gia của cộng đồng vào trưng bày không những làm cho việc trưng bày chính xác hơn, đúng hơn, đẹp hơn mà còn quan trọng hơn nữa là làm cho cộng đồng gắn kết với trưng bày, họ coi trưng bày là cách trình bày văn hóa, tín ngưỡng của mình. Hàng trăm con nhang đệ tử của cậu đồng Trung đã đến thăm trưng bày và chia sẻ những cảm nhận với nhau về trưng bày là thể hiện ý nghĩa sâu sa như vậy.
Các kỹ năng trưng bày đã góp phần tạo ra phong cách trưng bày nổi bật
Cả quá trình chuẩn bị cuộc trưng bày đạo Mẫu đã tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ BTPNVN được rèn luyện tất cả các kỹ năng làm trưng bày. Từ kỹ năng xây dựng đề cương, lập danh mục các hiện vật trưng bày, lựa chọn nội dung, hình ảnh đến các kỹ năng hình thành các tiêu đề cho mỗi tiểu chủ đề, viết bài cho trưng bày, viết chú thích, tuyển chọn thông tin, câu trích phỏng vấn. Từ kỹ năng xây dựng kịch bản phim (video clip) cho đến các kỹ năng và thủ pháp trưng bày, đồ họa, ánh sáng. Từ các kỹ năng về viết dự án đến các kỹ năng giáo dục trong bảo tàng, kỹ năng truyền thông, marketing...
Nếu như một đặc điểm đặc điểm của trưng bày thường xuyên là chú ý nhiều hơn đến cái đẹp nhưng ít thông tin thì ở trưng bày nhất thời này các curator và nhà thiết kế lại quan tâm nhiều tới việc cung cấp những trải nghiệm trực tiếp với thông tin phong phú cho khách. Thông tin được cân nhắc ở độ vừa đủ, không quá nhiều mà cũng không quá ít là một kỹ năng quan trọng. Khách đến bảo tàng là mong được xem, được nhìn, được trải nghiệm nhiều hơn là đọc cho nên phải tuân thủ nguyên tắc thỏa mãn nhu cầu và tâm lý này để không tham đưa quá nhiều thông tin vào trưng bày.
Cách dàn dựng trưng bày về đạo Mẫu là theo một kịch bản nhất định, có những lớp lang rõ ràng, có chỗ trầm và có cả cao trào. Ở đây nhà thiết kế đã phát triển kịch bản đó bằng kỹ năng gây sự tò mò hay ấn tượng cho khách tham quan thông qua việc sáng tạo những lớp màn che mỏng có thể nhìn xuyên các phòng trưng bày ở phía sau, được tạo thêm sự phấn kích bởi ánh sáng huyền ảo, âm thanh văng vẳng từ xa, thông qua việc sử dụng các hình ảnh lớn, thật lớn, thông qua việc người xem chỉ có thể đọc khi trực tiếp xoay các con trục để tiếp cận thông tin.
Tính độc đáo của trưng bày đạo Mẫu trong kỹ năng thể hiện là sử dụng hợp lý thủ pháp trưng bày thích hợp với một chủ đề dân dã, không có hiện vật quý hiếm. Đó là việc các curator đã chọn thủ pháp trưng bày không sử dụng tủ kính, để trần những hiện vật lớn, đẹp như chúng được bày trong các lễ hầu đồng. Những đồ mã sặc sỡ được thể hiện càng to càng tốt để người xem tràn ngập vào bối cảnh thực của chúng, chiêm ngưỡng, trải nghiệm về những kỹ xảo trang trí đồ giấy độc đáo của người Việt. Cách thể hiện này đôi khi làm cán bộ BTPNVN băn khoăn, cho đến phút cuối cùng, về độ lớn của các hiện vật, sợ rằng hiện vật lớn quá át người xem. Nhưng thực tế cho thấy độ hấp dẫn của các hiện vật lớn đã có tác dụng sâu sắc như thế nào.
Như trên đã nói, sử dụng ảnh lớn là một nét đặc trưng của trưng bày này. Ảnh lớn đòi hỏi chất lượng ảnh cao, hình ảnh đẹp. Tìm những bức ảnh có chất lượng cao trong kho tư liệu ở BTPNVN là rất khó. Chẳng hạn, ảnh phóng lớn thường bị vỡ do độ phân giải thấp. Nhiều khi nhà thiết kế trưng bày đòi hỏi ảnh dọc thì trong kho lại toàn ảnh ngang. Các nghiên cứu viên ít chú ý tới việc chụp những bức ảnh có đủ cả loại ngang lẫn loại dọc. Chính vì thế các cán bộ nghiên cứu phải rèn luyện kỹ năng chụp ảnh có chất lượng cao.
Đồ họa (xác định vị trí các pano, cách bố cục phần lời, phần ảnh, chú thích, cỡ chữ, mầu sắc…) ngày càng chuyên sâu và có vị thế cao trong trưng bày. Nó giúp cho người xem không những dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn bắt mắt, hấp dẫn, lôi cuốn người xem vào trưng bày. Trong trưng bày đạo Mẫu, nhiều họa tiết hoa văn trên trang phục của các giá đồng đã được nhà thiết kế phân tích và rút ra như một biểu tượng (rồng, mây, núi…). Các họa tiết này đã được vẽ lên những mảng tường lớn không phải để minh họa mà như một thành tố của trưng bày. Đây là một nét độc đáo trong trưng bày về đạo Mẫu.
Trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề/trưng bày nhất thời : cái chung và cái riêng
Tính kết nối giữa trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề luôn luôn được quan tâm trong quá trình chuẩn bị trưng bày chuyên đề. Vấn đề là làm sao để người xem không cảm thấy hẫng hụt khi chuyển từ trưng bày này sang trưng bày khác, để khẳng định một phong cách chung của Bảo tàng nhưng mỗi trưng bày lại có sáng tạo riêng, không có sự lặp lại nhàm chán. Sự kết nối ở đây chính là cách sử dụng màu sắc như một bản sắc của BTPNVN, là cách sử dụng những màu sắc khác nhau trong những chủ đề khác nhau. Tất nhiên gam màu được sử dụng rất khác nhau giữa trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề/trưng bày nhất thời, một đằng thì thiên về gam màu lạnh, một đàng thì lại chú trọng gam màu nóng. Điều đó cho phép trong một bảo tàng để tạo nên những bản sắc riêng của mỗi cuộc trưng bày. Đó là phong cách trưng bày về trang phục của các giá đồng trong sự so sánh với chủ đề thời trang: truyền thống và hiện đại, các trang phục được trưng bày mở, không có tủ kính giúp người xem được tiếp cận một cách gần gũi nhất. Sử dụng hệ thống ánh sáng nhân tạo cho trưng bày cũng thể hiện tính đồng nhất, liên thông giữa các phòng trưng bày.
Hơn hai năm chuẩn bị trưng bày về đạo Mẫu, đó thực sự là một trường học bổ ích với BTPNVN bởi vì rất nhiều vấn đề các cán bộ của Bảo tàng đã được trải nghiệm, được học hỏi, được thực hành. Chắc rằng không ai có thể kể hết những bài học đã gặt hái được. Muôn người muôn vẻ. Mỗi người trên cương vị chuyên môn, công tác của mình có cách tiếp nhận riêng, học được những điều sâu sắc với mình. Những bài học trình bày ở trên là những điều nhóm tư vấn nghĩ là chung nhất đối với BTPNVN. Hy vọng chúng ta cùng nhau chia sẻ để những bài học này và nhiều bài học khác nữa tiếp tục theo chúng ta trên con đường hoàn thiện quá trình đổi mới của BTPNVN.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy