Nhà trình tường của người Hà Nhì
Nghi lễ khởi công nhà rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa. Sau khi chọn được ngày, trước giờ đào móng, gia chủ nhà thả 3 hạt thóc xuống nền nhà tượng trưng cho con người (con đàn cháu đống), chăn nuôi (đầy đàn), hạt thóc (được mùa). Sau 3 giờ làm lễ, đồng bào bắt đầu đào móng độ sâu khoảng 1m, xếp đá để tránh ẩm ướt và có độ bền. Trong ngày dựng và lợp mái, gia chủ sẽ đến từng nhà để thông báo và nhờ giúp đỡ. Lúc này dù bận việc đến đâu thì mỗi hộ trong thôn cũng cố gắng bố trí ít nhất một người đến giúp.
Nhà trình tường của người Hà Nhì (Ảnh: TL)
Cách làm nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì rất đặc biệt. Những ngôi nhà thường làm trong thời gian rất lâu. Đồng bào Hà Nhì thường dùng sải tay để đo đạc trong khi làm nhà. Bà con chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Trước đó là chọn loại đá núi bằng phẳng đem về đặt móng nhà. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống đất, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như đổ bê-tông. Đưa đất đã chọn đổ vào khuôn gỗ ván, rồi cầm chày gỗ giã đến khi nào đất kết dính chắc lại với nhau.
Con trai Hà Nhì hầu hết đều biết trình tường và làm mộc. Tường của người Hà Nhì đều trình bằng đất nên chỉ làm trong mùa khô (từ tháng 8 đến tháng 12 Âm lịch trong năm). Tường được trình rất công phu, quan trọng nhất là làm khuôn thẳng, chuẩn. Thông thường, khuôn rộng 60 cm, dài 2 - 2,5 m. Đất được đổ vào khuôn và đầm bằng chày gỗ cho chặt và chắc làm sao khi rút khuôn ra đất thành hình vuông thành, sắc cạnh.
Cách làm nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì rất đặc biệt. (Ảnh: TL)
Hết lượt tầng thứ nhất, bà con tháo khuôn đặt tiếp lượt tầng thứ 2, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm, rồi đổ đất giã tiếp cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Thường mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ, cá biệt có gia đình làm cao 7-8 tầng khuôn. Công đoạn tiếp theo, người Hà Nhì dùng táp làm cho mặt tường phẳng và bóng. Trình xong tường chung quanh, đồng bào lấy gỗ kháo, pơ-mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường.
Làm khung nhà xong, bà con bắt đầu lợp mái. Trước đây, đồng bào thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ. Nay thì nhà trình tường của bà con đã được “hiện đại hóa” lợp bằng phi-brô-xi-măng, có nhà lợp tôn. Lợp như thế nhà có vẻ chắc chắn nhưng lại làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nhà trình tường. Ở những vùng du lịch mà lợp mái như thế chắc chắn sẽ làm giảm sự thu hút du khách, bởi du khách ở xa đến mong tìm sự thanh thản, thả hồn bay bổng trong vẻ đẹp của cảnh vật, kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ.
Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì có một cửa ra vào ở chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra phía sau. (Ảnh: TL)
Nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì có một cửa ra vào ở chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra phía sau. Ngoài ra, đồng bào còn làm thêm một, hoặc hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào. Bên trong nhà còn có thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính ở cách cửa ra vào khoảng 1,5 m. Sau bức tường phụ này là bếp và giường ngủ của chủ nhà. Nhà của người Hà Nhì đa số là hình vuông. Về mùa đông, cho dù trời rét xuống độ âm, trong nhà đồng bào vẫn ấm. Còn về mùa hè, ngồi trong nhà vẫn mát mẻ.
Nếu là người ưa khám phá, Ý Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là điểm du lịch đáng để bạn ghé thăm. Từ Sa Pa đã nổi tiếng qua những địa danh Tả Giàng Phìn, Pa Cheo, Bản Xèo, Mường Hum, Sáng Ma Sáo, Dền Sáng, Ngải Chồ... cung đường với hơn 120km nép mình trong mây ngàn, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa lưng trời, chơi vơi quanh những dãy núi hùng vĩ đệ nhất địa đầu Tây Bắc.
Thôn Lao Chải có 76 hộ dân, là thôn có số người Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở xã vùng cao biên giới Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (ảnh: TL)
Thôn Lao Chải có 76 hộ dân, là thôn có số người Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở xã vùng cao biên giới Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Các ngôi nhà ở đây đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Tường nhà thường đắp dày 40-45cm, cao khoảng 4,5-5m trong lõi có xếp đá cục, bằng nắm tay. Mỗi ngôi nhà rộng 65-80m2, có mái dốc ngắn, bốn mái lợp cỏ tranh, không có hiên. Ở giữa ngôi nhà có một cửa ra vào và một hoặc hai cửa thông gió ở bên trái hoặc bên phải của lối đi. Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của chủ gia đình.
Trải qua bao đời, sinh sống bên những sườn núi, những ngôi nhà của người Hà Nhì nơi đây, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, luôn hấp dẫn du khách đến và tìm hiểu phong tục tập quán của một dân tộc vùng cao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, đồng bào Hà Nhì ít làm nhà trình tường, thay vào đó là những ngôi nhà gạch, lợp fibro - xi măng vừa nhanh vừa tiện lợi. Những ngôi nhà trình tường cổ đang dần mất đi. Được biết, tỉnh Lào Cai đã có khảo sát để đầu tư phát triển du lịch cho xã Ý Tý. Với nét đẹp của ngôi nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì, chính quyền địa phương cũng vận động bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để thu hút khách du lịch. Nhà trình tường mang đậm văn hóa của đồng bào Hà Nhì và rất cần được bảo tồn lưu giữ.
Hà Phượng