Nhọc nhằn nghề ép dầu
Lâu lắm rồi tôi mới nghe tiếng giao bán rong của người hàng dầu. Nó làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu mỗi tối thứ 7, bố đi công tác về, cả gia đình lại quây quần bên ánh đèn. Mẹ thì ngồi đan len và kể chuyện cho tôi nghe. Bố vừa dạy chị học vừa chơi với tôi. Đã xa lắm rồi những câu chuyện mẹ kể về nhọc nhằn của người nông dân “một nắng hai sương” làm nên hạt gạo thơm ngon, hay những vất vả của người thợ thủ công để có được những sản phẩm mang đi bán, trong đó có những người làm nghề ép dầu.
Trong trí nhớ của tôi, cái nghề ép dầu còn xa lạ lắm bởi xung quanh làng không có nơi nào làm nghề. Lớn lên, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và được biết nghề ép dầu không phải ở địa phương nào cũng có mà phải có thày dạy và truyền nghề. Tỉnh Bắc Ninh có hai làng làm nghề ép dầu nổi tiếng là làng Đại Đình (phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn) và thôn Đông (xã Tam Giang, huyện Yên Phong). Ở các địa phương như Nội Doi, Gia Lương, Cao Thượng… cũng phát triển nghề ép dầu. Tuy nhiên chỉ nghề ép dầu ở Đại Đình là xuất hiện sớm nhất và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XI, cung cấp dầu phục vụ việc cúng lễ các vua Lý ở đền Đô. Các vua triều Lý còn ban một xuất đất 9 mẫu 2 sào để dân lấy lợi tức hoa màu hàng năm lo việc dầu đèn. Có thể ngôi miếu hàng Dầu thờ ông tổ nghề cũng được xây dựng trong thời gian này với quy mô rất bề thế, khang trang gồm 5 gian nhà làm toàn bằng gỗ tốt. Trên bức hoành phi treo ở gian giữa miếu có ghi dòng chữ “Thủy du bản nghệ tiên sư”. Năm 1879, miếu hư nát, có một người nhà giàu họ Vũ gọi là Bá Hộ Thi đã xin làng, xin họ đứng ra cung tiến 100 quan tiền cùng 1 mẫu 2 sào ruộng đảm nhiệm việc trùng tu và cúng bản lệ tiên sư hàng năm.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nghề ép dầu Đại Đình rất phát triển, tạo công ăn việc làm cho đông đảo người dân trong thôn. Sau đó, do nhu cầu phát triển của dầu hỏa thì nghề bị đình trệ và dần mất hẳn, chỉ còn lại dư âm trong những thế hệ lão thành cách mạng ở làng.
Theo trí nhớ của các cụ cao niên thì nghề ép dầu là một công việc vô cùng vất vả gian nan như câu ca “1 giọt 3 vồ” bởi nó phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc thu mua nguyên liệu, sơ chế rồi đến công đoạn ép dầu. Mỗi công đoạn lại bao gồm nhiều khâu đòi hỏi nhiều sức lực và trí tuệ của người làm nghề.
Việc lựa chọn và thu mua nguyên liệu: Nguyên liệu làm dầu là lạc, thầu dầu, vừng, trẩu, phổ biến nhất là lạc và thầu dầu. Việc đi mua hạt thầu dầu hết hết sức vất vả vì thời gian này chưa có phương tiện chuyên chở, chủ yếu là gánh gồng, cùng lắm thì có xe kéo tay. Cho nên họ phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng rủ nhau đi từng đoàn cho đến 7 - 8 giờ mới đến các địa điểm thu mua hạt thầu dầu.
Giai đoạn sơ chế: Hạt thầu dầu khi mua về được phơi khô cho ròn vỏ, sau được giã nhỏ, sàng và hấp cho chín.
Sau khi hạt chín, họ đổ chõ hạt vào khuôn. Khuôn được làm bằng tre bánh tẻ (chủ yếu là tre cái) chẻ dọc thành từng nan bằng chiếc đũa ăn cơm, vót nhẵn (một số cụ già có kinh nghiệm chuyên làm việc này), sau đó cuộn lại thành vòng như trôn quang, đường kính 25cm, cao khoảng 3cm. Dưới khuôn tre lót một lớp rơm cho khỏi dính. Dưới đáy khuôn có một thớt trũng làm bằng gỗ nghiến rộng 35cm dài 45cm để làm điểm tựa khi đổ khuôn. Sau khi đổ hạt vào khuôn nhanh tay nắm túm rơm nóng bỏng xoắn lại để giữ hạt cho khỏi rơi ra rồi gói thành từng bánh.
Sau đó mang từng bánh đặt vào lòng cây dầu để ép. Cây dầu là một cây gỗ nghiến rất lớn, đường kính 40 - 60cm, dài 3m trở lên. Giữa cây dầu được khoét thủng lòng cách mỗi đầu khoảng 40cm, độ rộng phải khớp với khuôn của bánh dầu. Chính giữa cây dầu được đục sâu xuống thành rãnh, rộng 5cm, sâu 5cm và ở giữa có một lỗ tròn thủng cho dầu chảy ra. Ở hai bên đầu cây dầu có 2 lỗ vuông để đóng con tiêm cho chắc. Dưới đáy đào một lỗ sâu đặt thùng hứng dầu. Mỗi cây dầu chứa được khoảng 200 - 300 bánh dầu. Khi đã cho bánh dầu vào rồi dùng dụng cụ nén chặt vào cây dầu để ép dầu.
Công đoạn ép dầu: Dùng những mảnh gỗ nghiến dài 20cm, rộng 2 - 5cm để làm miếng đệm chèn (miếng đệm dày 5cm gọi là con thôi, dày 2cm gọi là con dép). Ngoài ra còn có 2 con tiêm dài 50cm, hình trụ, đầu to để tròn, đầu kia vạt đi chỉ rộng 5cm để vừa vặn với miếng đệm.
Công đoạn ép dầu gồm 2 giai đoạn, thường được các chàng trai khỏe mạnh và giàu kinh nghiệm đảm nhiệm. Giai đoạn đầu khi khuôn còn xa nhau thì dùng chày dứt thục xuống. Giai đoạn sau khi đã chèn dầu cho chặt, 2 chân đứng trên thành của cây dầu rồi dùng vồ lớn khoảng 25 - 30kg để chèn (gọi là đánh dầu) cho đến khi dàu chảy ra hết thì thôi.
Sau khi ép, dầu được các cụ già nấu trong những chảo gang có đường kính khoảng 1m đặt trên bếp lò. Để tránh cho dầu tràn ra ngoài gây cháy nổ, người ta cho dầu vào với lượng vừa phải và khi dầu sôi thì rút củi hoặc than để giảm bớt nhiệt. Để đề phòng việc này, người ta thường đắp bếp lò ở nơi xa nhà, có mái che đơn giản. Khi dầu sôi phải hớt bọt. Khi hết bọt là lúc dầu đã đủ độ chín, dùng gáo dừa múc ra thùng để tiếp tục nấu mẻ khác.
Việc bán dầu thì có một số người chuyên đi bán. Họ quẩy đôi thùng đan bằng tre, có trát sơn 2 mặt. Vào những ngày hội hè sóc vọng, việc bán dầu rất chạy vì nhà nào cũng cần dầu để thắp sáng, để cúng tế. Do bán lâu nên quen nhà, quen khách có khi họ ngủ lại qua đêm để hôm sau đi bán tiếp.
Nghề ép dầu ở Đại Đình ra đời và phát triển trong một thời gian dài và gắn bó mật thiết với vương triều Lý, một triều đại đã có công khuyến khích nghề cổ truyền này phát triển. Đây là một công việc vô cùng vất vả gian nan, đòi hỏi công sức của nhiều người. Tuy vậy, người dân làng nghề vẫn vui vì đem lại ánh sáng cho nhiều người và có thêm nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Họ luôn tự hào về nghề cổ truyền của cha ông:
“Miếu hàng dầu tự thuở xưa
Thờ ông tổ nghiệp ép ra dầu nhờn
Dầu này bán lẻ bán buôn
Đem bán các chốn khắp vùng Bắc Ninh
Dầu của ta thật nổi danh
Trong như hổ phách ai sành cũng khen”.
Phan Thị An Ngọc