Nghề đan mành tre làng Đỗ Xá
Trải qua hàng trăm năm, tuy có nhiều biến động, thăng trầm song tới nay nghề truyền thống này vẫn được duy trì tại nhiều xóm, thôn của xã, không chỉ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn mà còn đem lại thu nhập khá và ổn định cho người dân nơi đây.
Nghề đan mành tre của làng Đỗ Xá do cụ tổ Đỗ Đình Kênh người Bắc Ninh về truyền dạy cho dân làng từ khoảng đầu thế kỷ 17. Qua thời gian, người dân nơi đây đã phát triển đa dạng hóa sản phẩm, riêng mành tre đã có tới hơn chục loại như mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn...
Sản phẩm của làng Đỗ Xá rất đa dạng nhưng hai mặt hàng tiêu thụ chủ yếu là mành mành và giát giường.
Chỉ tính riêng mành tre cũng có nhiều loại: Mành dùng để treo cửa ra vào che mưa nắng, côn trùng…; mành che chạn bát, giát giường, một số dụng cụ đánh bắt cá như đơm, đó, lờ… Đặc biệt, ở Đỗ Xá có sản xuất loại mành nan nhỏ sơn vẽ họa tiết theo tích cổ buông rủ nơi cửa đình, cửa chùa và bàn thờ gia tiên, được khách hàng khắp các tỉnh thành ưa chuộng. Sơn để vẽ loại mành này được làm từ keo da trâu hòa với thuốc màu từ những nguyên liệu tự nhiên nên có độ bền rất cao, qua hàng chục năm vẫn lưu đậm nét vẽ.
Đặc điểm của mành tre làng Đỗ Xá là vừa nhẹ, vừa thoáng, nan nứa sóng đều, bóng lọng được chuốt kỹ, ken dầy, dẻo mà vẫn cứng cáp; chỗ tiếp xúc giữa đường móc và nan mành thẳng hàng với nhau, chắc chắn, khó xê dịch... Những yếu tố đó làm nên chiếc mành tốt, dùng đến mươi lăm năm vẫn không hỏng. Vậy nên, mành tre Đỗ Xá được ưa chuộng, có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Để làm được mành tốt thì khâu chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Trước đây thanh niên trong làng phải lên tận miền ngược như Lào Cai, Yên Bái… để chọn mua tre nứa, song nhiều năm trở lại đây thị trường mở rộng, biết tiếng làng mành mành Đỗ Xá nên nhiều thương lái buôn tre nứa ở Thanh Hóa, Hòa Bình tìm về tận nơi chào bán, khâu vận chuyển cũng được họ đảm bảo nên người dân không còn phải vất vả đi tìm mối cung cấp vật liệu. Tùy theo kích thước làm mành, làm giát giường mà người thợ sẽ chọn mua những thân tre, nứa già, có chiều dài phù hợp; sau đó đem về pha nhỏ, lột bụng chỉ lấy phần cật gốc. Nếu muốn tăng độ bền cho sản phẩm thì đem ngâm tre nứa một thời gian xuống nước ao bùn, sau đó phơi khô mới đem làm tiếp các công đoạn khác. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, kích thước của sản phẩm mà người đan sẽ dùng trái gắp (còn gọi là xâu móc) đôi hoặc đơn. Đối với mành nan nhỏ dùng xâu móc đơn, còn mành nan to hay giát giường phải dùng xâu móc đôi mới giúp tấm mành, giát làm ra có độ khít, bền đẹp. Khi đan người thợ cũng cần chú ý lật mặt từng sợi nan, sao cho mặt cật và mặt lõi đan xen nhau thì lúc đem sử dụng tấm mành mới tránh khỏi bị cong vênh. Vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên trung bình một lao động bình thường chỉ làm được tối đa khoảng 5m2 mành/ngày. Ngoài việc tự bán lẻ ngay tại hộ gia đình, ở Đỗ Xá có chợ chuyên thu mua sản phẩm mành mành, giát giường ở thôn Trung. Chợ thường họp vào lúc sáng sớm để thương lái các nơi tới thu mua đem đi các tỉnh xa.
Hiện nay vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ giát giường tre nứa tăng lên khá mạnh. Giát giường bằng cật tre, nứa mang “thương hiệu” Đỗ Xá có ưu điểm là rất chặt, khít nên khi trải chiếu nằm không bị đau lưng như các loại giát giường gỗ nan thưa thông thường. Các công đoạn gia công lại kĩ lưỡng nên sản phẩm có độ bền cao, khó bị mối mọt, có thể dùng đến mươi mười lăm năm chưa hỏng. Giát giường cũng thường làm theo yêu cầu đặt riêng của khách, tùy theo đó mà chọn loại nguyên vật liệu đáp ứng chất lượng ở nhiều mức độ khác nhau, giá thành cũng theo đó mà thay đổi.
Phụ phẩm sau khi làm mành mành, giát giường là phần bụng tre, bụng nứa được người dân tận dụng để nhận thêm hàng mã về gia công hoặc đem bán cho những người có nhu cầu tới lấy cất, góp thêm phần nào thu nhập cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Trước đây, cả làng Đỗ Xá có gần 1.000 hộ dân ở 13 xóm, đều làm nghề, mỗi nhà có đến vài ba khung dệt. Thanh niên trong làng ngoài thời gian lên các vùng rừng thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái... chọn nứa làm mành, lại rong ruổi mang mành đi tiêu thụ ở khắp nơi. Người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà vừa vót nứa, chẻ nan đan mành, vừa lo ruộng vườn nhà cửa và chăm lo việc học hành. Thu nhập từ nghề đan mành tre không cao nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống, xây nếp nhà, trái bếp, dựng vợ, gả chồng cho con cái và chăm lo việc làng, việc xã. Trên đất làng Đỗ Xá còn có phiên chợ mành chỉ họp trao đổi hàng hóa bán buôn vào lúc canh năm đến khi trời vừa tỏ là tan chợ để lái buôn kịp mang hàng đi các nơi khác tiêu thụ. Tuy nhiên, khi sản xuất công nghiệp phát triển, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mành rèm làm từ nhựa và vải bố; dụng cụ đánh bắt cá thủ công cũng ít người dùng nên sản phẩm làng nghề bị sa sút. Nhưng việc duy trì nghề truyền thống vẫn là mong ước chung của tất cả người dân trong làng. Vậy nên, lớp người cao niên đứng ra làm trụ cột lo giữ nghề, truyền nghề cho lớp trẻ và tìm hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề bằng cách đa dạng hóa sản phẩm. Vào thời điểm khó khăn nhất, người làng Đỗ Xá còn làm nan hương, thúng cạp dùng vận chuyển vật liệu xây dựng và loại mành nan to, khổ lớn dùng để che nắng ban công nhà cao tầng… Cũng từ đó, sản phẩm mành che nắng ban công của làng nghề Đỗ Xá lại chiếm được ưu thế trên thị trường và thu hút khách hàng ở các tỉnh lân cận đến đặt mua.
Những năm gần đây, xu hướng bài trí nhà cửa theo nếp xưa đang dần được khôi phục. Nhiều khách hàng là thủ từ, thủ đền, các doanh nghiệp và nhiều nhà dân ở một số tỉnh phía Bắc đã tìm đến làng nghề Đỗ Xá đặt mua sản phẩm mành tre truyền thống. Các máng dệt mành được dựng lên ngày một nhiều, đến nay, đã có gần 100 hộ dân trong làng làm nghề, nhiều nhà có tới hai, ba máng dệt. Nghề đan mành tre đang từng bước được khôi phục trở lại, đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động và một lượng lao động khác làm các dịch vụ phụ trợ như cung cấp nguyên liệu tre nứa, dây móc, dây dù, cước sợi, đồng thời thu mua mành tre đem đi tiêu thụ.
Đa dạng hoá sản phẩm và xu thế người tiêu dùng quay trở lại sử dụng những sản phẩm thủ công truyền thống là cơ hội để nghề đan mành tre làng Đỗ Xá có bước phát triển mới.
Thanh Huyền