Người Hà Nhì

Dân tộc Hà Nhì còn có tên gọi khác là U Ní và Xá U Ní, với ba nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen. Ngôn ngữ Hà Nhì thuộc ngôn ngữ Tạng - Miến, cư trú ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Hà Nhì ở Việt Nam có dân số 21.725 người, cư trú tại 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Hà Nhì cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (13.752 người, chiếm 63,3% tổng số người Hà Nhì tại Việt Nam), Lào Cai (4.026 người), Điện Biên (3.786 người).

Người Hà Nhì giỏi trồng trọt và chăn nuôi. Họ có kinh nghiệm khai khẩn đất đai, đào mương đắp đập, sử dụng sức kéo của trâu bò và có nghề thủ công phát triển, nổi bật là đan lát, dệt vải và nhuộm màu. Mặc dù giao lưu kinh tế ngày càng thuận lợi, nhưng phần lớn đồng bào tự túc vải mặc, bởi phụ nữ Hà Nhì chăm chỉ và giỏi việc canh cửi tằm tơ, họ tự đảm nhận mọi công đoạn cho đến lúc làm ra sản phẩm.

Người Hà Nhì hiện nay đã định cư theo từng bản, có nhiều dòng họ, mỗi họ có nhiều chi. Dịp tết hàng năm có tục cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kể tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được về xưa tới 40 đời. Tên của người Hà Nhì thường đặt theo tập tục là lấy tên người cha, hoặc tên con vật ứng với ngày sinh của người ấy làm tên đệm.

Nhà ở của người Hà Nhì. Ảnh: TL

Nhà ở cổ truyền của người Hà Nhì là nhà đất. Bộ khung nhà khá đơn giản. Vì kèo cơ bản là kiểu vì kèo ba cột. Nhà có hiên rộng, người ta còn làm thêm một cột hiên nên trở thành vì bốn cột. Tường trình rất dày. Nhà không có cửa sổ, cửa ra vào cũng ít, phổ biến là chỉ có một cửa ra vào mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên. Mặt bằng sinh hoạt: nhà thường ba gian, ít nhà bốn gian. Có hiên rộng ở mặt trước nhà. Trong nhà chia theo chiều dọc: nửa nhà phía sau là các phòng nhỏ. Nửa nhà phía trước để trồng, một góc nhà có giường dành cho khách, ở đây còn có bếp phụ. Cũng có trường hợp hiên được che kín như là một hành lang hẹp thì cửa mở ở chính giữa. Những trường hợp như thế này thuộc về gian chính giữa hoặc thêm một gian bên cạnh có sàn cao khoảng 40cm để dành cho khách, ở đây cũng có bếp phụ.

Về trang phục, trang phục của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ chưa chồng thì mũ, khăn được trang trí bởi nhiều cúc bạc, nhiều hạt cườm với những tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ. Áo với hai loại: áo ngắn và áo dài. Áo dài 5 thân, cài cúc bên nách phải, cổ áo nẹp ngực được trang trí bởi những miếng vải khác màu, điểm một hàng đường thêu, ống tay áo hẹp, cấu tạo bằng cách chắp nối những khoang vải khác nhau, xẻ từ sườn xuống chân, không chiết co như áo tân thời của phụ nữ người Kinh. Váy áo thường được may bằng vải bông nhuộm màu chàm hay màu đen. Vào dịp lễ tết, hội hè, phụ nữ mặc thêm áo ngắn kiểu gi-lê ở bên ngoài. Trên ngực áo, phía phải gắn những đồng xu, khuy bạc hình bán cầu với nhiều dải hạt cườm. Khăn, ngực áo và hai ống tay áo, là nơi để chị em phô diễn kỹ nghệ thêu, móc và trình độ thẩm mỹ của mình thông qua cách bố trí các khoanh vải có màu sắc tương phản nhau cùng với những đường nét hoa văn bổ trợ cho nhau.

Về hôn nhân, nam nữ Hà Nhì được quyền tự do lựa chọn bạn đời và tự quyết định hôn nhân của mình. Theo luật tục thì người cùng họ, khác chi vẫn có thể lấy nhau nhưng phải trải qua nhiều đời. Mỗi cặp vợ chồng, phải trải qua hai lần cưới. Tục ở rể vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng không phổ biến. Trước đây, thời gian ở rể dài hay ngắn tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai họ, trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi của nhà gái, nhưng thường là 3 - 4 năm, nhiều nhất là 10 - 12 năm với quy định ở rể không mất tiền cưới, không ở rể thì trả khoản tiền cưới nhất định.

Về tín ngưỡng, người Hà Nhì tin vào sự tồn tại linh hồn của con người. Mỗi người có 12 hồn. Thờ cúng tổ tiên được coi trọng, bàn thờ tổ tiên thường ở cạnh cột cái trong buồng, nhưng quan niệm và cách thức không giống nhau giữa các địa phương. Ngoài ra, người Hà Nhì cũng chú ý thờ cúng bố mẹ vợ. Nơi thờ bố mẹ thường được đặt ở nơi chiếc cột chống nóc đối diện với cột thờ cúng tổ tiên trong nhà. Khi trong nhà có giỗ, lễ vật giống nhau nhưng cúng bố mẹ chồng trước, bố mẹ vợ cúng sau. Ma bản được thờ cúng hàng năm vào dịp tháng 2 Âm lịch, các ngày hổ, cừu hay dê của tháng, thời lượng là hai ngày cầu mong người và gia súc khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi. Ngày đầu cúng gà ma (thần trông coi bản), thu tỉ (thần đất) ở một hòn đá, tượng trưng cho các vị thần canh một hốc cây cao phía trên bản. Ngày thứ hai làm cá tu tu, dựng cổng ở các ngả đường vào bản để ngăn ma rừng. Cổng gồm hai cột con cắm hai bên đường nối với nhau bằng một sợi dây bện rơm hay cỏ gianh, trên đó buộc các loại dao nhọn bằng gỗ. Ở thành cột buộc thêm súng gỗ, giáo tre hướng chĩa ra ngoài làng, dưới chân cột để sọt đất (tượng trưng cho thóc) và đá (tượng trưng cho ngô) để dâng cho ma rừng. Lễ hiến chó làm ngay tại đây trên con đường chính đi vào bản. Ở các ngả đường khác vào bản cũng làm cổng như trên và treo đuôi, chân chó hoặc cả bộ lông gà được lột da một cách cẩn thận. Sau lễ cúng cấm ba ngày không cho người lạ vào bản.

Lễ cúng rừng của người Hà Nhì. Ảnh: TL

Sinh đẻ của phụ nữ, đặt tên cho trẻ là việc làm quan trọng với nhiều kiêng kỵ với ý thức mong cho sản phụ dễ đẻ và trẻ được sinh ra khỏe mạnh. Trong nhà có người đẻ, đồng bào đóng cọc trước nhà làm dấu hiệu báo cho dân làng biết. Qua cách đóng cọc, dân làng có thể biết đứa trẻ mới được sinh ra con trai hay con gái. Nếu cọc có úp nón lên trên, được cắm bên phải cửa ra vào thì đứa trẻ là con trai, nếu cắm ở bên trái cửa ra vào thì đứa trẻ là con gái.

Dân tộc Hà Nhì có nền văn hóa, văn nghệ lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, bao gồm nhiều loại bài hát, nhiều điệu dân vũ, nhiều kiểu nhạc cụ và nhiều tác phẩm văn học dân gian. Hát có hát ru con, hát đối đáp, hát mời rượu, hát đưa ma, hát chào khách, hát mừng nhà mới, đặc biệt là hát mừng đám cưới có độ dài hơn 400 câu của người Hà Nhì ở vùng cao huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Múa có các điệu múa lên nương, múa dệt vải, múa đợi mưa, múa vào mùa, múa trông trăng, múa giã bạn… Nhạc cụ có trống, thanh la, chập cheng, am ba, khèn lá, đàn môi, tiêu trúc, tiêu biểu là đàn nét đu - loại đàn 4 dây hòa âm, mang tên một loài hoa rừng màu tím. Kho tàng văn học phong phú với các câu chuyện cổ tích, thần thoại, trường ca, truyện thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ…

Một số  lễ hội tiêu biểu của người Hà Nhì đã đạt được ý nghĩa nhân văn cao cả. Trước hết, phải nhắc tới lễ ăn tết tháng 6 - lễ hội cầu mùa (ngày 24 tháng 6 Âm lịch hàng năm) của người Hà Nhì. Trong thời gian ngày lễ, người của các thôn bản vào rừng chặt một cây gỗ chắc mà thẳng và một vài dây leo mang về để làm bàn đu trò vui chơi giải trí cho lễ hội. Lễ hội diễn ra khoảng từ 3 - 5 ngày, từ ngày Dần đầu tiên của tháng 6 bắt đầu, mỗi hộ góp một đến 3 bó cỏ tranh để lợp mái bàn đu, ngày Thìn tế ruộng, ngày Tỵ tổ chức mổ trâu dâng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và cột vào cột đu, khi thầy cúng làm xong nghi lễ cúng thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân trâu, giật nó ngã ngửa ra, thầy cúng lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong bản tiến hành thịt trâu tại lều bàn đu, thịt trâu chia cho mỗi hộ một phần mang về thờ cúng tổ tiên. Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu, mọi người quỳ gối gửi gắm ước mơ của mình. Sau khi làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho bản làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ, sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần. Đến phần hội, thầy cúng chính hoặc người già có uy tín trong bản là người khai mạc. Khi mọi người tham gia các trò chơi, thầy cúng cầm các hạt cơm, hạt đậu tung vào nơi mọi người đang vui chơi với ý nghĩa cầu mong vụ mùa tới bội thu.

Ngoài tết tháng 6, người Hà Nhì còn ăn tết “Có Nhẹ Chà”, diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng trên dưới hai tháng. Việc ăn tết vào những ngày nào không ấn định thành truyền thống như tết của người Kinh, mà do Hội đồng già làng, Trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa vào các yếu tố: thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế của từng gia đình… Sau khi thời điểm đã được xác định, buổi chiều tất niên mỗi gia đình mổ một con gà cúng tiễn biệt năm cũ. Đến Giao thừa, khắp làng bản tiếng giã bột làm bánh dầy, bánh trôi vang động cả núi đồi, khoảng đầu canh ba, mọi nhà thi nhau mổ lợn. Trong mấy ngày tết, những người cao tuổi lập thành nhóm đi chúc tết với những lời chúc tốt đẹp nhất kèm theo những đồng tiền mới mừng tuổi gia chủ. Tết diễn ra trong một tuần, ngày cũng như đêm, khắp các bản tưng bừng, nhộn nhịp. Các bậc trưởng lão ngồi uống rượu, ôn lại những câu chuyện lai lịch dòng tộc từ 9 - 10 đời trước, kinh nghiệm mùa màng, những ước mơ tốt đẹp trong năm mới…

Ngày nay, cùng với các dân tộc anh em, người Hà Nhì đang ra sức thi đua xây dựng quê hương giàu mạnh, bản làng no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui.

Hoài Nam

 

 

Top