Nghệ thuật Múa rối Wayang

Rối bóng Wayang là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Indonesia. Nghệ thuật múa rối Wayang là sự kết hợp của các yếu tố: âm nhạc, múa, sự ứng khẩu nhanh trí, những tấn hài vui nhộn… Điểm độc đáo của loại hình nghệ thuật này là thay vì trực tiếp nhìn thấy những con rối, khán giả chỉ nhìn thấy cái bóng của chúng. Năm 2003, nghệ thuật múa rối Wayang được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Wayang đã tồn tại rất lâu - trước khi người Hindu xuất hiện. Từ thời vua Srimaha Panggung thế kỷ thứ IV, trong cung điện Jawadwipa (miền Tây Java) đã biểu diễn Wayang. Sau đó, Wayang tiếp tục phát triển dưới triều đại Airlangga thế kỉ XI. Wayang thường được trình diễn vào các dịp quốc lễ, lễ hội tín ngưỡng, ma chay, đám cưới, sinh nở, hay bất kỳ sự kiện lớn nào trong đời sống cộng đồng.

Rối bóng Wayang là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Indonesia.

Wayang ra đời bắt nguồn từ niềm tin vào thuyết duy linh, cho rằng linh hồn của tổ tiên có thể tác động đến đời sống của các sinh linh, hoặc là bảo vệ hoặc là gây họa, và thường trở về vào ban đêm dưới hình hài của những cái bóng. Họ đã tiến hành các nghi lễ dưới dạng các vở rối bóng để cầu xin tổ tiên phù hộ, cứu giúp. Với lối biểu diễn độc đáo, mang âm hưởng truyền thống và sống động, nghệ thuật múa rối Wayang đã thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến với đất nước  vạn đảo này.

Các con rối trong các vở rối bóng có chiều cao từ 25cm đến 75cm. Bộ rối làng quê gồm hơn 100 con, bộ cung điện có tới 500 con. Chất liệu để làm các con rối thường là da nghé, da bê hoặc da trâu, được cán nhẵn, mỏng, phẳng  để không bị cong vênh khi phơi khô. Những con rối tốt nhất được làm từ da của nghé nước cái và phải mất đến 10 năm xử lý để có thể bảo quản được lâu. Những người thợ làm rối phác họa đường nét và vẽ chi tiết trên da, sau đó cắt rời thân rối và các mảnh cánh tay riêng rẽ. Các chi tiết được dùi lỗ bằng vồ gỗ và đục, sau đó được khớp nối với vai và khuỷu tay bằng các đinh tán kim loại, xương hoặc tre và gắn với sừng trâu dài hoặc những cán tre để Dalang (nghệ nhân điều khiển rối) cầm điều khiển. Những con rối quý thậm chí còn được gắn các đinh tán bằng vàng và trang trí bằng kim cương.

Sau khi làm xong thân và tạo khớp cử động, các con rối sẽ được sơn bằng màu truyền thống: màu trắng của bột xương nung, màu đen của muội đèn, bột chàm, đất son vàng và chất màu trộn với bột vỏ trứng để tạo ra các màu khác nhau. Phải mất nhiều tuần để hoàn thiện một con rối đẹp. Các nhân vật rối bóng được nhận biết bằng những trang sức trên đầu, trang phục và đặc thù của nét mặt. Một số nhân vật được nhận diện qua màu sắc:  Vishnu màu đen, Siva mặt vàng… Màu đỏ thể hiện tính khí dữ tợn, màu trắng thể hiện sự ngây thơ và tuổi trẻ. Có hai loại rối chính: Alus tinh tế, kiềm chế và Kasar thô lỗ, tức giận.

Các con rối trong các vở rối bóng có chiều cao từ 25cm đến 75cm.

Những nhân vật tốt thường có thân hình bé nhỏ, mắt hình oval với đồng tử nhỏ như hạt gạo, mũi nhọn và mắt nhìn xuống dưới chân một cách khiêm nhường. Những nhân vật mạnh mẽ, sôi nổi thường nhìn lên. Những nhân vật hung hãn thường có hình dáng lớn hơn, mũi và mắt to, tròn. Nhân vật yêu tinh chỉ có một cánh tay... Bên cạnh các nhân vật rối người, các vị thần, còn có các loài chim, muông thú, gia cầm... Những người thổi hồn vào các con rối là những nghệ nhân điêu khắc gỗ, họa sĩ, vũ công, nhạc sĩ và các linh mục - tầng lớp đáng tôn kính trong xã hội Indonesia.

Trong một vở rối bóng, Dalang đóng vai trò rất quan trọng. Thông thường, Dalang được chọn trước, sau đó Dalang tư vấn chọn chủ đề của buổi diễn. Dalang là bậc thầy về kể chuyện có kiến thức nghệ thuật đa dạng, sâu rộng, nắm vững những câu chuyện Ramayana, Mahabharata, hiểu được những tính cách các nhân vật rối. Đồng thời, Dalang cũng phải có kiến thức về triết học Java, các nguyên tắc luân thường đạo lý, thông tin chính xác, đa diện về cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, Dalang phải có giọng nói rõ ràng, hấp dẫn để mô phỏng giọng nói của khoảng 50 nhân vật rối với âm điệu khác nhau, thành thạo ngôn ngữ đối thoại, hát và kể chuyện, có khả năng chuẩn bị kịch bản, hiểu biết về nhạc cụ Java, chỉ đạo âm nhạc, chỉ huy hợp xướng… Dalang phải rất khéo léo để có thể chuyển động các con rối, biết gây cười và đồng thời khuyên răn khán giả một cách nhẹ nhàng. Dalang phải có sức khỏe dẻo dai để có thể ngồi vắt chéo chân liên tục từ 7 đến 9 tiếng trên thảm trong suốt quá trình biểu diễn, không được nhắm mắt dù một giây, không được đứng dậy đến tận sáng ngày hôm sau.

Wayang được trình diễn suốt đêm, bắt đầu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng. Tại Indonesia, không có nhà hát nào chính thức dành riêng cho rối bóng. Dalang mang tất cả dụng cụ theo mình: một màn hình xách tay, một chiếc đèn bằng đồng và chiếc rương lớn bằng gỗ đựng các con rối. Sân khấu của Wayang là một màn hình vải bông trắng với viền màu xung quanh dài khoảng 3m. Màn hình được chiếu sáng bằng đèn dầu nay thay thế bằng đèn điện. Phía dưới màn hình là 2 - 3 thân chuối được gắn chặt theo độ cao thấp khác nhau. Phía bên trái và bên phải Dalang, các con rối được cắm chắc chắn vào thân chuối. Phía tay trái Dalang là những nhân vật rối với tính cách phản diện và bên phải là chính diện. Phía sau Dalang là các dụng cụ âm nhạc cùng các nhạc công. Dàn nhạc gamelon phụ trách phần âm nhạc với khoảng 30 nhạc cụ, đa phần là nhạc cụ gõ gồm: chiêng đồng nhiều kích cỡ, mộc cầm, trống, 1 hoặc 2 sáo, rebab (một loại đàn 2 dây).

Wayang được trình diễn suốt đêm, bắt đầu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng.

Dàn hợp xướng của nam nữ ca sĩ có vị trí bên cạnh dàn nhạc. Phía bên trái, ngay sát Dalang là một hộp bằng gỗ dùng để đánh nhịp. Keprak (bộ thanh la nhỏ) được đặt phía dưới Dalang để tiện cho việc gõ bằng chân phải. Thỉnh thoảng, trong khi kể chuyện, Dalang lại dùng cempolo (vồ) gõ vào thùng gỗ để đánh dấu từng phần của vở diễn. Tại vị trí trung tâm, Dalang đặt con rối cây đời. Con rối cây đời được coi là cầu nối giữa Dalang và các vị thần, giữa tiên giới và hạ giới và là biểu tượng cho vũ trụ bao la. Con rối này sẽ bắt đầu buổi biểu diễn, nó làm sống dậy các con rối khác và sau đó được đặt vào giữa để đánh dấu việc thay cảnh hoặc đung đưa để thể hiện sức mạnh thiên nhiên. Cuối vở diễn, nó sẽ đánh dấu sự kết thúc đêm diễn.

Nghệ thuật múa rối Wayang mang tính hướng thiện, hội tụ những tinh hoa trong cuộc sống và nền văn hóa Indonesia. Cùng với những lời răn dạy từ các câu chuyện sử thi, con người sẽ có cơ hội nhìn nhận lại bản thân qua tấm gương lịch sử huyền bí này. Hầu hết, những màn biểu diễn Wayang được lấy cảm hứng từ các câu chuyện sử thi Ấn Độ, Mahabharata, Ramayana, triết lý Đông Phương (đạo giáo Hindu, Phật giáo, Hồi giáo…). Nghệ thuật múa rối bóng ở Indonesia còn khắc họa cuộc sống nơi xứ đảo.

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, rối bóng Wayang đang dần bị mai một, các Dalang huyền thoại cũng không còn nhiều nhưng giá trị nghệ thuật, nhân sinh sâu sắc của loại hình sân khấu truyền thống này vẫn còn mãi với thời gian.

Thu Hà

Có thể bạn quan tâm

Top