Nghề may ở Vân Từ

Vân Từ là một vùng quê cổ, nằm giữa cái rốn nước của vùng chiêm trũng thuộc huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Từ biết bao đời xưa, người dân nơi đây chỉ biết độc nghiệp thuần nông, nào mấy ai nghĩ tới có một ngày được như hôm nay. Cả làng, từ xóm dưới, đến thôn trên lại trở thành một làng nghề truyền thống may mặc nổi tiếng được người tiêu dùng cả nước và quốc tế biết đến.

Theo báo cáo tổng kết của hội làng nghề địa phương, đến năm 2011, Vân Từ đã có 115 hộ làm nghề may, tạo việc làm cho gần 300 lao động có thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng mỗi tháng, với thợ chính (thợ đầu cánh) có thể gấp hai hoặc ba lần thợ phụ. Nhà nào nhà nấy đều tự đầu tư thiết bị nghề may đủ điều kiện sản xuất các mặt hàng cao cấp, đáp ứng nhu cầu trang  phục  của xã hội đang ngày càng phát triển, cả về mẫu mã, chất liệu và kỹ thuật đường  kim mũi chỉ. Sản phẩm của làng may Vân Từ đang có mặt ở khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Quần áo complet của nhiều nhà may nổi tiếng hầu hết được may gia công, hoặc nếu không thì cũng là đại lý tiêu thụ cho các nghệ nhân lão luyện từ làng Vân Từ mà ra, như vợ chồng chủ hiệu Thuận Thành Trung Tuyến, gia đình ông Phong Hương, Hùng Hòa, Vi Hiệp...  Để quảng bá cho sản phẩm của Vân Từ cũng như việc mở rộng thị trường và tạo việc làm cho các địa phương trong cả nước, nghệ nhân Vân Từ đã đem nghề, mở hiệu may ở các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Sài Gòn và không bao lâu nữa sẽ có cả ở nước bạn Lào. Khách đến các hiệu may lớn đang được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các siêu thị lớn của Hà Nội, Sài Gòn thì cũng là đã đến với Vân Từ rồi. Bởi chính những nơi đó đang là nơi tiêu thụ, hoặc đặt hàng gia công quần áo Complet, các loại trang phục khác của nghệ nhân làng nghề may truyền thống Vân Từ.

Nói đến nghề truyền thống để được công nhận danh hiệu là “làng nghề truyền thống”, người ta đặt ra một tiêu chí về thời gian lịch sử của làng nghề làm cơ sở chủ yếu mà quên đi hẳn giá trị cốt lõi của làng nghề đó là tính nhân văn, giá trị thẩm mỹ (ponklo) trong sản phẩm. Ngay cả khái niệm về tên gọi cũng đang có những chuyện phải bàn. “Làng nghề truyền thống” không chỉ giản đơn về thời gian lịch sử mà phải được xem xét cả tới giá trị mỹ nghệ nữa. Nói cho đúng thì phải đặt tên cho đầy đủ: Làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống (tức là phải thêm vào đó cụm từ thủ công mỹ nghệ).

Làng nghề may Vân Từ (Ảnh: TL)

Trở lại Vân Từ, lịch sử làng nghề ở đây chưa phải là dài, tổ tiên của các nghệ nhân từ bao đời xưa vẫn chỉ làm nghề nông là chính. Mãi đến đầu thế kỷ 19, khi văn hóa Âu phục xâm nhập vào Việt Nam thì những người nông dân quen mặc áo cánh, áo lá sen cổ đứng... mới  có dịp được nhìn thấy các bộ quần áo khâu bằng máy (gọi là máy may) với kiểu dáng đẹp và cầu kỳ hơn hẳn các trang phục hiện thời truyền thống. Dần dà, rồi cũng chính những người nông dân ấy được mặc, được dùng những trang phục tân thời, trong đó có cả các lão nông Vân Từ.

Để thỏa mãn nhu cầu tự thân và cũng  là kiếm cớ mưu sinh, người Vân Từ bắt đầu vượt ra khỏi vùng rốn nước để học nghề may quần áo Âu phục, thay đường kim mũi chỉ luồn tay bằng máy đạp chân. Một trong những người đầu tiên ra đi ấy là cụ Nguyễn Trung Lai. Cụ Lai sinh năm 1933, mười sáu tuổi cụ lên Hà Nội học nghề , thành thợ giỏi rồi vào làm việc cho các hiệu may Toàn Thuận, Tiến Thành... Đây là những hiệu may Âu phục nổi tiếng của Hà thành thời kỳ Pháp thuộc. Hòa bình lập lại, cụ Lai được mời vào làm giáo viên dạy nghề tại trường đào tạo công nhân kỹ thuật đầu tiên của Hà Nội. Cũng từ ngôi trường này, Cụ đã có công cùng với nhà trường đào tạo, cung cấp nguồn thợ tài hoa cho các cơ sở may mặc lớn sau này như Xí nghiệp X20, Xí nghiệp May 10 và thành các chủ hiệu may mặc nổi tiếng từ Bắc vào Nam, ra cả nước ngoài... Năm 1988, cụ Lai về làng tập hợp và tổ chức dạy nghề cho con cháu, thế là từ đó làng Vân Từ có nghề may. Được cái tốt, người dân Vân Từ có truyền thống cần cù, thông minh nên chẳng bao lâu đã xuất hiện nhiều thợ giỏi, cùng với thầy Lai nhanh chóng làm nên thương hiệu cho làng. Tiếng lành đồn xa, khách thập phương về làng may đo quần áo các loại ngày một đông, danh hiệu làng nghề truyền thống cũng được nhà nước trao tặng cho làng.

Sản phẩm trưng bày tại hội trợ làng nghề Phú Xuyên của những người thợ tài hoa Vân Từ (Ảnh: TL)

Nối tiếp cụ Lai, các thế hệ nghệ nhân không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, mở rộng sản xuất làm cho nghề may mặc ngày càng phát triển. Danh hiệu Làng nghề truyền thống do UBND tỉnh Hà Tây phong tặng vào năm 2002 cho làng Vân Từ là điều tất yếu và thật xứng đáng. Cụ Lai nay đã mất, nhưng con cháu cụ và các thế hệ nghệ nhân có nhiều người thành đạt, ngay trong gia đình cụ, con trai, con gái đều nối nghiệp cha, mở hiệu làm nghề may mặc như hiệu Trung Tuyến, hiệu Thuận Hà. Đặc biệt người con trai, anh Nguyễn Văn Chung, chủ hiệu may thời trang cao cấp Thuận Thành, đang thực hiện một ý tưởng hết sức độc đáo, đó là việc làm một chiếc áo cánh cổ truyền, trang phục của người phụ nữ nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Chiếc áo có chiều dài của vạt là 6m, số vải phải dùng lên tới 20m, tất cả các đường khâu đều được làm bằng tay, tuyệt đối không dùng máy may. Anh Chung dự kiến chiếc áo này sẽ phải sử dụng 4 thợ giỏi và phải làm liên tục trong thời gian 6 tháng mới hoàn thành. Chiếc áo này sẽ trở thành chiếc áo lớn nhất Việt Nam, hồ sơ đăng ký để xét cấp kỷ lục Guinet Việt Nam, anh Chung đã hoàn tất. Tác phẩm chiếc áo cánh độc đáo này sẽ được ra mắt trong ngày lễ tôn vinh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ 2 vào ngày 26- 10-2013, đồng thời bổ xung vào bộ sưu tập kỷ lục Guinnes của huyện Phú Xuyên là kỷ lục thứ 5.

Một trong số các cửa hàng may đo Veston tại Vân Từ. (Ảnh: TL)

Đến với Vân Từ hôm nay, những ngày của mùa làm ăn hàng thời trang khi Tết đến, nườm nượp khách vào ra may đo, đặt hàng... làm cho không khí làng nghề sôi động đến khác thường. Thì ra, từ trong những kết quả của nghề may đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội của một làng quê vùng chiêm trũng khởi sắc thành một làng nghề truyền thống, giàu chất nhân văn, một điểm đến du lịch cho khách tham quan ở ngay cửa ngõ ra vào phía Nam Thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Nguyên Hoài

Top