Nghề dệt của người Chăm ở Phũm Soài

Phũm Soài (xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang) là ngôi làng cổ nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm của người Chăm nằm bên bờ Châu Giang. Dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng biết.

Xã Châu Phong có gần 500 hộ sống dọc theo hai bờ kênh Vĩnh An, riêng ấp Phũm Soài với trên 300 hộ thì có hơn phân nửa sinh sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan. Các sản phẩm gồm: khăn choàng tắm, sà rông, vải thổ cẩm, các hàng lưu niệm như túi xách, móc khóa…

Cho đến nay chưa ai có thể khẳng định được nghề dệt của người Chăm ở Phũm Soài ra đời từ lúc nào và do ai khai sáng, chỉ biết nghề dệt ở đây phát triển ổn định từ khoảng đầu thế kỷ XIX đến khoảng năm 1960. Xưa kia hầu như gia đình nào cũng có khung dệt để sử dụng trong gia đình và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi mới 10 - 12 tuổi, thiếu nữ Chăm đã được hướng dẫn những thao tác đơn giản nhất của nghề  tác dệt.

Nghề dệt của người Chăm ở Phũm Soài - An Giang.

Các sản phẩm dệt của người Chăm thường có hoa văn, họa tiết: ô vuông, hình học, kẻ sọc, sóng nước, vân mây, bông dâu, lồng đèn. Phụ nữ Chăm thường dùng khăn đội đầu hình chữ nhật dài bằng vải mịn, mỏng, màu trắng thêu viền quanh bằng chỉ màu với nhiều họa tiết. Váy của phụ nữ Chăm thường có màu nền là màu tím đỏ, kết hợp hài hòa với các màu khác như: xanh biếc, vàng mơ và trắng. Xà rông nam thường có các màu nâu, đỏ, tím, xanh lá cây, xanh dương. Đặc biệt trên mảnh vải xà rông của nam giới thường được dệt theo chiều dọc một dãy hoa văn có màu sắc khác biệt so với màu nền của chiếc xà rông, khi quấn vào thì dãy hoa văn này sẽ nằm ở phần giữa thân phía sau của người mặc.

Để làm nên những sản phẩm độc đáo đó, người Chăm không dùng trực tiếp ống chỉ mua về mà san ra nhiều ống nhỏ trước khi kéo canh. Sản phẩm dệt của người Chăm sử dụng chủ yếu 3 loại chỉ để dệt là: tơ, chỉ cotton và polyester. Tơ dành cho các mặt hàng dệt cao cấp, thường là trang phục cưới của cô dâu hay những trang phục lễ hội dành cho phụ nữ. Trang phục của nam giới Chăm thường sử dụng kết hợp khoảng 60% tơ với 40% chỉ cotton trong trang phục cưới hay lễ hội. Chỉ cotton dùng cho trang phục cho cả nam và nữ. Polyester đã được nhuộm màu và quấn vào ống sẵn, dùng để làm túi xách, khăn choàng, ít khi may trang phục vì chỉ dày.

Để chế tạo thành phẩm nhuộm, người Chăm dùng các loại lá, rễ, trái cây, những chất do côn trùng bài tiết ra và một vài loại đất đá, vôi. Để hồ sợi, người thợ dệt dùng nồi lớn hay thùng để nấu sôi nước có pha một ít bột gạo thành hồ loãng. Trước khi hồ, sợi được nhúng nước cho ướt đều, vắt ráo. Sau đó, người thợ nhúng vào nước hồ rồi vắt ráo và đem phơi.

Công cụ chính trong giai đoạn này bao gồm 3 bộ phận: sa quay chỉ, khung kéo canh và khung dệt. Sợi cotton sau khi mua về được đưa vào sa đảo để quay thành con chỉ. Sau khi chỉ được quay thành con, người ta đem con chỉ ngâm trong nước 1 đêm, đến sáng mang đi tẩy trắng. Sau đó, dùng bột gạo để hồ chỉ khoảng 30 phút cho sợi chỉ săn lại và đem chỉ phơi nắng cho khô. Với tơ, trước tiên phải dùng nước tro để tẩy chất nhờn của con tằm còn bám trên sợi tơ, rồi ngâm tơ với nước vo gạo 1 đêm mới mang đi hồ tơ. Tơ được hồ bằng bột gạo tẻ, nấu sệt như cháo loãng.

Một quầy thổ cẩm ở Phũm Soài.

Sau công đoạn tẩy trắng và xử lý sợi là quay sợi vào các ống chỉ suốt để thực hiện việc mắc canh tạo hoa văn cho vải. Hoa văn trang trí trên vải của người Chăm thường lấy từ hình ảnh, biểu tượng của thiên nhiên như: bông dâu, bông bứa, mặt võng, mặt đệm, mạt cưa, kẻ sọc, ô vuông, hoa văn nhà cổ, ziczăc, vân mây, hoa mây. Với sản phẩm xà rông, người ta tạo hoa văn bằng một kỹ thuật đặc biệt, đó là kỹ thuật Ikat (tức tạo hoa văn trên sợi dọc của vải). Thắt Ikat không chỉ đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm mà còn phải khéo tay và kiên nhẫn. Nếu thắt lỏng, thuốc nhuộm sẽ ngấm vào sợi, hoa văn sẽ bị nhòe nhưng nếu thắt quá chặt thì hoa văn sẽ bị lệch và xấu. Tiếp đến, chỉ được ngâm cho thấm nước khoảng 2 giờ, sau đó mang đi nhuộm. Sợi nhuộm xong được vớt ra, treo lên cho ráo, sau đó sợi được mang ra sông xả cho sạch và phơi khô. Tiếp theo người ta căng sợi cho thẳng, rồi tháo các nút buộc dây nilon trên sợi. Các điểm buộc này khi tháo ra sẽ có màu trắng; khi dệt, sẽ tạo hoa văn theo những mẫu khác nhau.

Điểm đặc sắc trong kỹ thuật dệt của người Chăm là làm cho hoa văn nổi lên giữa nền vải và đường chỉ ngang mà không bị che khuất giữa các màu. Sản phẩm nơi đây thường sử dụng những kiểu hoa văn truyền thống như con thoi, hoa dâu, mắc võng, cánh quạt, răng cưa đôi khi họ cũng tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp từ nơi khác và kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho sản phẩm sinh động và mới mẻ hơn. Kỹ thuật dệt của người Chăm được chia làm hai dạng: dệt xà rông và dệt thổ cẩm. Dệt xà rông (hoa văn) là kỹ thuật dệt Ikat, hoa văn đã được tạo trên sợi dọc và dệt sợi ngang bằng màu trơn để tạo tấm vải. Còn dệt thổ cẩm là dạng sợi dọc có nền trơn và dệt tạo hoa văn trên sợi ngang. Vì thế khung go trong khung dệt được thay đổi tùy theo từng cách dệt, mỗi khung go có nhiều sợi go. Với dạng dệt xà rông, người ta thường dùng hai khung go kép cho 1 khung dệt và go được làm bằng dây kẽm. Khi dệt thổ cẩm, số lượng khung go thay đổi khác.

Ngày nay, dù không còn nhiều gia đình theo nghề truyền thống, song các sản phẩm như: xà rông, áo, túi đeo, khăn choàng… được dệt thủ công với đường nét hoa văn tinh tế, thẩm mỹ vẫn được nhiều du khách tìm mua. Nguyên liệu dệt được dùng là sợi tơ tự nhiên nhuộm bằng các loại mủ cây, vỏ cây làm cho màu sắc trên sản phẩm luôn tươi tắn, bền màu và mang đặc trưng riêng không lẫn với những loại sản phẩm tơ sợi ở nhiều địa phương khác.

Sở dĩ nghề dệt thổ cẩm Chăm ở đây còn lưu giữ đến hôm nay là do tục “cấm cung”, tức con gái lớn lên không được ra ngoài, chỉ ở trong nhà dệt vải hay thêu thùa. Mặc dù tục “cấm cung” hiện nay không còn nữa nhưng sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ Chăm vẫn không mất đi. Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo ấy nên làng Châu Phong được ngành Du lịch An Giang chọn làm làng du lịch cộng đồng. Ở đây đã thành lập Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong có nhiệm vụ quảng bá làng du lịch cộng đồng, làng dệt Châu Phong, giới thiệu cho du khách nét văn hóa và sản phẩm của người Chăm.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Top