Nghề chẻ tăm nhang ở Dĩ An

Làm tăm nhang là nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở Dĩ An (Bình Dương). Cùng với dòng chảy thời gian và sự phát triển của kinh tế - xã hội, hiện nghề vẫn còn tồn tại song không còn sôi động như trước. Người làm nghề này nhiều hơn là khu phố Bình Minh II (thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An) - người ta thường quen gọi cái tên xóm nhang.

Nghề chẻ tăm nhang tới vùng đất này định cư cũng đã khá lâu đời. Nghề sản xuất thủ công có chút... gắn với tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo, dân gian này không chỉ tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa trên mảnh đất Dĩ An mà còn nuôi sống được những người trót đã theo nghề nghiệp của gia đình. Ngoài ra, cũng chính họ góp phần gìn giữ, phát triển được ngành nghề của địa phương.

Nghề chẻ tăm nhang phát triển mạnh nhất là những năm 70 - 85 của thế kỷ trước. Khi đó đã thành lập được hợp tác xã chẻ tăm nhang. Mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân góp vốn để thành lập hợp tác xã. Tre nhận về hợp tác xã rồi chia ra cho mỗi người. Mỗi người nhận 3 niền, chẻ xong lại gom lại cho hợp tác xã. Năm 1985, hợp tác xã tăm nhang giải thể, từng hộ gia đình tự sắm vật tư, ra làm ăn riêng rẽ, đường tre được chuyển giao cho hợp tác xã đũa mùng 3-2 ở Lái Thiêu, Thuận An.

Nguyên liệu để chẻ tăm nhang là tre lồ ô hoặc nứa nhưng nứa ít được dùng do khi đốt tàn sẽ bị rơi xuống, và chỉ thích hợp làm nhang sào (loại nhang cao hơn 50cm) do thân nứa dài và mỏng. Tre lồ ô được lái tre lấy từ rừng Bù Đốp, Phước Long ở tỉnh Bình Phước hoặc ở Nam Cát Tiên, Lâm Đồng đem về đây bán lại cho người chẻ nhang.

Tre lồ ô này là loại tre rừng thường được lái tre khai thác vào tháng 3, 4 là những tháng cuối mùa khô. Tre khai thác xong được dọn sạch để chờ mùa mưa, khi mưa xuống măng tre mọc lên và chờ người tới khai thác vào tháng 3, 4 năm sau. Người chẻ nhang ưa loại tre lồ ô già hơn loại non bởi tre già thì để được bao lâu cũng được, còn loại tre non chỉ để được vài tháng, nhất là khi gặp mùa mưa thì sẽ bị mọt. “Tề” là từ chuyên dụng trong ngành chẻ nhang để chỉ công đoạn cưa tre sao cho bằng. Tre lồ ô sau khi được hạ sẽ được cắt bỏ mắt, chỉ lấy phần ống suôn, chẻ ra làm tư, bó lại thành từng niền. Mỗi niền có đường kính từ 45 - 46cm rồi để cả ống dài mà giao cho người chẻ nhang. Niền tre lấy về sẽ được cưa ra thành từng loại theo từng kích cỡ nhang muốn làm.

Nhận tre về, người thợ phải xem đó là tre tươi hay tre khô. Tre tươi thì có thể chẻ ngay được, còn nếu là tre khô phải đổ nước vào phuy, thả tre vào trong đó ngâm tới khi nào tươi lại, cho dẻo tre thì mới có thể chẻ được. Tăm nhang được chẻ bằng loại dao có sống dao dày như rựa bình thường nhưng lưỡi dao rất mỏng và sắc. Chuôi dao được gắn cán gỗ dài, chắc tay để cân bằng trọng lượng với thân dao để khi chẻ lên, xuống cho đều tay.

Trước khi chẻ chân nhang, người ta phải chẻ thẻ nhang. Với loại nhang nhuyễn, thường một thanh tre được chẻ ra thành bốn, mỗi một thanh nhỏ như vậy được chẻ ra làm 4 hoặc 5 tùy theo độ dày cơm hay mỏng cơm của thanh tre. Mỗi một thanh như vậy gọi là một thẻ. Khi được khoảng 20 thẻ người ta sẽ bó lại thành một bó.

Chẻ thủ công thì chỉ làm được với loại nhang thường có tăm/chân nhang vuông và nhỏ. Còn với những loại tăm nhang tròn, có kích cỡ lớn hơn thì phải dùng đến máy chẻ. Chẻ bằng máy phải lựa những thẻ tre đẹp, không có chỗ sâu, tre phải dẻo, phải dóc nếu không sẽ rất hao tre bởi không như người thợ chẻ họ biết lượn, biết lách những chỗ sâu, chỗ mọt hay lựa cỡ cho phù hợp, máy chỉ có một cỡ cho một lần chỉnh nên khi thẻ tre nào nhỏ hơn sẽ được ít tăm nhang hơn những thẻ khác.

Phơi là không chỉ phơi tăm nhang mà còn phơi cả thanh tre hoặc thẻ tre. Nếu chẻ nhang bằng máy thì phải phơi khi còn là thanh tre, còn nếu chẻ thủ công thì phơi khi đã thành tăm nhang. Chân nhang phải phơi hoặc sấy cho ráo, cho khô để không bị mọt. Vào ngày nắng ráo thì chỉ cần phơi từ sáng sớm tới 12 giờ trưa là được. có thể phơi trực tiếp trên nền đất, nền xi măng, nền đường nhựa. Vào mùa mưa, trời mưa nhiều ngày không thể phơi nắng được hoặc để thuận tiện cho công đoạn chà sau này, người ta dùng phương pháp sấy bằng lửa.

Tiếp đến là công đoạn chà, trước đây khi chưa có máy thì người ta phải chà thủ công. Tăm nhang chẻ, phơi hoặc sấy xong sẽ được bó lại thành từng bó, người ta cứ để nguyên bó như thế rồi dùng hai chân đạp lên để chà. Chà chừng nửa tiếng là hết những sần sùi.

Hầu hết mọi người đều làm thủ công, số ít làm ra thành phẩm cây nhang đến tay người tiêu dùng. Ở xóm nhang, nhà nào làm thì chỉ thấy toàn tre là tre. Mùa này làm không hết thì để mùa sau. Hiện nay, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An có hơn 60 hộ còn lưu giữ nghề truyền thống là làm nhang, tập trung chủ yếu tại khu phố Nhị Đồng và Bình Minh II (phường Dĩ An). Để đáp ứng đủ lượng hàng nội địa và xuất khẩu dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, những cơ sở làm nhang tại đây đang hoạt động hết công suất. Không chỉ phục vụ nhu cầu tại Bình Dương, nhang Dĩ An còn tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác, như: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An... và cả các tỉnh phía Bắc. Ngoài thị trường rộng khắp trong nước, nhang Dĩ An cũng xuất khẩu đi nước ngoài: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore... Để có thể xuất khẩu, các cơ sở nhang đưa máy móc vào sản xuất. Có những cơ sở có hai loại nhang: xuất khẩu và nội địa. Với nhang xuất khẩu, đòi hỏi tương đối cao, tất cả phải làm bằng máy để nhang phải tròn, đều, bóng và độ dài từ 50cm - 1m. Với nhang nội địa có thể sử dụng các tăm nhang được chẻ thủ công , tăm nhang không nhất thiết phải tròn.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ nhang chủ yếu vẫn là khách hàng nội địa, vì khách hàng không quá khắt khe về chất lượng. Trong các khâu làm nhang, trộn hương liệu và tẩm màu là khâu khó nhất, nếu hương liệu trộn không đúng tiêu chuẩn, nhang không có mùi thơm. Do đó, nhiều cơ sở làm nhang tại Dĩ An chưa làm tốt công đoạn trộn hương liệu nên chỉ xuất khẩu nhang thô, giá thành không cao.

Nghề làm nhang Dĩ An đã có từ lâu. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống này đang có dấu hiệu mai một bởi nguồn nguyên liệu ngày càng ít đi, công việc không ổn định nên nhiều người chuyển sang nghề khác, không duy trì được. Bên cạnh đó, nguồn hàng trên thị trường ngày càng nhiều, vừa đẹp, vừa rẻ nên mặt hàng ở đây cạnh tranh không lại. Để nhang Dĩ An phát triển thành sản phẩm hàng hóa thiết nghĩ cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương.

                                          

Hoài Nam

(Tổng hợp)

Top