Nghề chạm khắc đá Ninh Vân

Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là nơi có nghề chạm khắc cổ truyền nổi tiếng khắp cả nước đang vươn lên mạnh mẽ và từng bước khẳng định thương hiệu “làng đá mĩ nghệ”. Nơi đây hầu như hộ gia đình nào cũng có người theo nghề đục, gọt, mài...đá. Nghề không chỉ góp phần làm cho lao động địa phương có công ăn việc làm tại chỗ ổn định và thu nhập cao mà còn khẳng định vị thế bức tranh quê ngày càng thay da đổi thịt.

Khác với những làng đá nổi tiếng khác, nét độc đáo của làng đá Ninh Vân chính là ở các sản phẩm đá mỹ nghệ được chế tác hoành tráng trên các công trình lớn như: đình, chùa, lăng mộ, tượng đài, phù điêu... Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, nơi đây đã nổi tiếng với nghề làm tượng đá cho Kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư, từ thời các vua Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009). Những người dân làng nghề cũng đã từng tới Thăng Long, theo Vua Lý Thái Tổ sinh cơ lập nghiệp, tạo nên những bức tượng đá, thành quách và chùa chiền từ thời Lý (1010 - 1225) qua thời Trần (1225 - 1400).

Nghệ nhân bậc thầy Hoàng Sùng, người gốc Thanh Hóa được coi là ông Tổ nghề chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân. Cái tên làng đá Ninh Vân vốn là tên gọi chung của hai làng Xuân Vũ và làng Hệ. Trong đó, làng Hệ là nơi khởi đầu nghề điêu khắc đá, nơi còn lưu giữ văn bia ghi công ông Tổ nghề, ngày giỗ Tổ vào tháng 8 (Âm lịch) hàng năm.

Ở xã Ninh Vân nghề chế tác đá mỹ nghệ đã gắn bó và tồn tại với người dân hàng trăm năm. Người Ninh Vân với khối óc sáng tạo, bàn tay tài hoa, cần mẫn, từ lâu đã “biến” những tảng đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, làm lay động lòng người. Theo thời gian, nghề chế tác đá mỹ nghệ cũng có lúc thăng trầm, song với tâm huyết, với tình yêu nghề, người Ninh Vân đã, đang nỗ lực để làng nghề ngày càng phát triển.

(Ảnh: TL)

Một số công trình nổi tiếng có sự tham gia của nhiều nghệ nhân Ninh Vân như: Tượng đài Bà mẹ chiến sỹ ở Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Tượng đài Thanh niên xung phong (ở Quảng Trị), tượng Mẹ Suốt (Quảng Bình), tượng Bác Hồ (Nghệ An, Vĩnh Phúc), tượng Trần Hưng Đạo (Hải Dương)... cùng nhiều sản phẩm khác ở khắp các khu di tích, danh lam, thắng cảnh của quốc gia như: cổng Tam Quan (đền Đinh Lê), trên 500 bức tượng La Hán (chùa Bái Đính), các bức phù điêu, văn bia, lăng mộ và hàng trăm công trình công sở, đình chùa, đền thờ, miếu mạo... với quy mô to, nhỏ khác nhau, kiến trúc nghệ thuật kim cổ, Đông, Tây vô cùng phong phú. Để làm được những công trình có giá trị và ý nghĩa trên, các nghệ nhân của vùng đất nghệ thuật này phải có lòng yêu nghề và biết thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Một sản phẩm ra đời phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.

Những người thợ thủ công tài hoa Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) không chỉ nổi danh khắp trong Nam, ngoài Bắc về chạm khắc đá mà còn sáng tạo nên những ngôi nhà thủ công bằng đá độc đáo.

Dọc con đường dẫn vào xã Ninh Vân đâu đâu cũng có hình chạm khắc đủ các thể loại, từ những chú sư tử ngộ nghĩnh đến những tượng đài cao ngất nghểu; từ những cây kiệu hoành tráng với những họa tiết hoa văn độc đáo, đến những con rùa nặng cả ngàn ký… Hiện tại, Ninh Vân có 12/13 thôn làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, 35 doanh nghiệp tư nhân và 453 hộ chuyên chế tác đá mỹ nghệ, với 1100 lao động chuyên sâu về sản xuất chế tác đá có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ tháng, góp phần đưa doanh thu của xã hàng năn trên 30 tỷ đồng.

(Ảnh: TL)

Hơn chục năm trở lại đây, làng đá Ninh Vân đã từng bước phát triển cũng như tìm về những giá trị truyền thống. Người Ninh Vân không sử dụng kỹ thuật đánh bóng, thay màu đá sản phẩm, mà sử dụng nguyên nét xù xì, mộc mạc. Sản phẩm càng dùng càng trở nên bóng và mịn. Nguyên liệu đá sau khi đưa về được cắt xẻ thành từng hình khối, kích thước to nhỏ khác nhau theo yêu cầu của từng chủng loại sản phẩm. Người thợ xẻ đá, rồi tính toán sắp đặt từng chi tiết ráp nối công trình. Nghề chạm khắc đá đòi hỏi sự nhẫn nại, trí sáng tạo và bàn tay khéo léo. Tài hoa của nghệ nhân đá biểu hiện qua từng chi tiết thẩm mỹ. Nghệ thuật cách điệu và tả thực trên các chất liệu đá đạt tới đỉnh cao. Khi làm phù điêu, người thợ cắt đá thành những tấm phẳng, vẽ hoa văn sau đó chạm trổ họa tiết. Còn tạc tượng yêu cầu cắt gọt đá khối tùy theo kích cỡ. Người thợ bằng đục và khoan đo đạc, tính toán tỉ mỉ từng bộ phận của tượng khi khối đá thành hình mới gia công chi tiết sao cho thể hiện được nét mặt, dáng hình, tư thế, cảm xúc của tượng. Tạc tượng rất công phu, có những bức lớn tạc mất hàng tháng trời ròng rã.

Để thúc đẩy làng nghề phát triển, Ninh Vân đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ sản xuất đơn lẻ, trong đó coi trọng việc tạo hành lang thông thoáng giúp họ vay vốn. Năm 2004, xã đã xây dựng kế hoạch phát triển các làng nghề thành xã nghề. Năm 2005, UBND tỉnh đã chấp thuận kế hoạch và cho phép đầu tư xây dựng Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích là 23 ha, được đặt ở 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành.

(Ảnh: TL)

Mặc dù làng nghề đã được quy hoạch và xây dựng căn bản nhưng đến nay vẫn chưa thu hút hết các doanh nghiệp, các hộ cá thể chế tác đá ra sản xuất bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do một số hộ và doanh nghiệp chưa đủ khả năng về tài chính để thực hiện san lấp mặt bằng làm xưởng. Thiết nghĩ, để làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân phát triển một cách bền vững rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Song, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, khai thác nguồn hàng, không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, đa dạng loại hình sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, hướng tới xuất khẩu mặt hàng này.

Vũ Toàn

Top