Làng chiếu An Thạnh

Nằm cách thành phố Phan Rang chừng 4 km về hướng Đông Nam, An Thạnh (xã An Hải, Ninh Phước) là một trong những ngôi làng thuần Việt và cổ nhất của tỉnh Ninh Thuận. Làng xưa đến 300 năm, được hình thành bởi di dân các tỉnh “Đàng Ngoài”, nhất là từ Thừa Thiên đến Bình Định, dưới thời Gia Long Triều Nguyễn. Hầu hết là những người nghèo hưởng ứng chính sách dinh điền, vào vùng đất Phan Rang đầy nắng gió lập nghiệp. An Thạnh nổi tiếng ở Ninh Thuận vì làng chỉ có hơn 900 gia đình với khoảng 5.200 dân vậy mà có tới 3 nghề truyền thống nổi tiếng: nghề xây dựng, nghề tráng bánh tráng và nghề dệt chiếu.

Nghề dệt chiếu hình thành khi lập làng, được xem là một trong những làng nghề lâu đời nhất của vùng đất Nam Trung Bộ. Cũng như phần lớn các nghề khác, chiếu An Thạnh được người dân Bình Định, Thừa Thiên - Huế, mang theo trong hành trang đi khai khẩn vùng đất nắng gió này.

An Thạnh là vùng đất trũng nhất của xã An Hải, cũng bởi vậy, cói, nguyên liệu chính để dệt chiếu, là loại cây hợp nhất ở đất này. Điều đặc biệt là cói An Thạnh thiếu nước, nông dân phải chắt chiu từng giọt nước ngọt tưới cói, nên khi phơi khô, cói có độ dẻo, chứ không khô, dòn như cói ở các vùng khác thường chỉ trồng trên vùng nước lợ. Cũng vì vậy chiếu được sản xuất ở đây có thời gian sử dụng dài gấp đôi các loại chiếu khác ở Khánh Hòa, Bình Định hay Thanh Hóa. Điều đặc biệt nữa là dây trân (những sợi dây làm khung cho chiếc chiếu), được thợ dệt An Thạnh se từ sợi của cây thơm tàu, một loại cây mọc nhiều ở Ninh Thuận, dùng để đan võng, nằm rất êm. Dây trân làm khung chiếu được thợ dệt An Thạnh đan theo kiểu sóng đôi, tạo cho chiếc chiếu dày dặn, vững chắc nhưng rất mềm mại. Khác với chiếu của các địa phương khác, dây trân thường được se từ võ cây tra, không thể có độ mềm mại như chiếu An Thạnh.

(Ảnh: TL)

Chiếu có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã phong phú, như: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc... và đa dạng về kích cỡ. Với hoa văn tinh xảo, độ mềm mại cao, chiếu cói An Thạnh có thời gian sử dụng dài gấp đôi so với các loại chiếu được làm ở các tỉnh khác, được nhiều người ưa chuộng. Và cũng nhờ nghề truyền thống này mà nhiều hộ ở An Thạnh có điều kiện cải thiện đời sống và nuôi con ăn học nên người.

Xã An Hải có bảy thôn, nhưng chỉ có hai thôn An Thạnh 1, An Thạnh 2 làm nghề dệt chiếu cói. Nhiều năm tưởng chừng nghề này sẽ bị thất truyền vì các sản phẩm công nghiệp, như: nệm mút, chiếu trúc...  đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng với lòng yêu nghề, nhiều hộ ở đây vẫn bám lấy nghề do cha ông để lại.

Ðể dệt một tấm chiếu cói đơn thuần cho đến cao cấp, chi phí cho nguyên liệu từ năm đến bảy kg cọng lát cói (khoảng 15 nghìn đồng/kg), hằng tháng mỗi gia đình dệt được 20 đôi (40 chiếc), với giá bán từ 150 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/tấm chiếu, mỗi gia đình có thu nhập thêm lúc nông nhàn khoảng 2,5 triệu đồng. Nghề dệt chiếu ở đây hiện vẫn giữ theo lối truyền thống nên người già vẫn làm được. Tuy giá bán chiếu dệt không cao nhưng thu nhập tương đối ổn định.

(Ảnh: TL)

Vào những ngày cuối năm, không khí lao động ở làng nghề tấp nập hơn bao giờ hết. Để có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, hàng trăm lao động ở làng nghề chiếu An Thạnh đã tất bật làm việc ngày đêm. Với người dân làng chiếu, Tết chính là mùa làm ăn. Ngày thường, mỗi nhà chỉ có 1-2 lao động tham gia dệt chiếu, Tết đến, người ta phải... “tổng động viên” cả nhà cùng tham gia.

Giữa cuộc sống tiện nghi, khi mà các loại nệm, rồi chiếu tre, trúc hiện đại ngày càng chiếm ưu thế, chiếu cói nhiều nơi được đầu tư dệt bằng máy, giá cạnh tranh, khiến chiếu thủ công An Thạnh, dù là mặt hàng đã vang danh, vẫn đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, phần lớn người dân An Thạnh còn gắn với nghề dệt chiếu là những gia đình có người già là thợ dệt trụ cột, gắn bó lâu năm với nghề. Những hộ này thường bao hết tất cả công đoạn, từ trồng cói đến phơi, nhuộm cói, rồi dệt chiếu, và cả bán sản phẩm, chủ yếu lấy công làm lãi.

Ở những nhà làm nghề, không khí vẫn rất khẩn trương, người thợ luôn tất bật với các công đoạn để ra một chiếc chiếu thành phẩm. Tuy nhiên, làng chiếu đã không thể giấu được nốt trầm, khi không níu được con cháu nối nghiệp, giữ nghề. Chỉ những người con Ninh Thuận xa quê, mỗi lần có dịp về  đều ghé An Thạnh, thăm làng nghề. Đôi chiếu làng là vật mà nhiều người luôn phải mang theo nằm cho đỡ nhớ quê.

(Ảnh: TL)

Tuy thăng trầm nhưng một số người dân An Thạnh vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Những cụ bà ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ngày ngày vẫn dệt chiếu, phơi cối, cặm cụi bên khung dệt, cố giữ nghề truyền thống của tổ tiên. Hằng năm, các hộ ở đây sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm, để tiêu thụ nội tỉnh và một ít bán ra tỉnh ngoài.

Hoài Nam

Top