Myanmar - Kinh đô phật giáo

Đến Myanmar vào chiều tối một ngày cuối tháng 5. Trời đã tắt nắng. Lung linh sắc vàng óng ánh của hàng ngàn ngôi chùa ở Thủ đô (cũ) Yangon làm sửng sốt du khách. ấn tượng đầu tiên về đất nước Chùa Vàng cứ theo mãi chúng tôi trong suốt chuyến hành hương về đất Phật.

Myanmar: Đất nước và con người

Myanmar có diện tích 676.577km2 (rộng hơn 2 lần Việt Nam), có 5876km biên giới với Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Băng la đét, có 1930km bờ biển. Dân số 60.280.000 người, mật độ khoảng 73,9 người/km2.

Myanmar đã từng gánh chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Anh nhưng ít bị đô hộ dài lâu như Việt Nam. Các cuộc nội chiến giữa các tộc người Miến, Shan, Rakhiune, Môn, Mrauk cũng góp phần làm giảm bước tiến của Myanmar trong nhiều thế kỷ.

Điển hình là Hốt Tất Liệt - Thống lĩnh quân Nguyên Mông xâm chiếm, cướp phá Myanmar thế kỷ 13. Sau khi cướp phá, quân Nguyên Mông rút ngay khỏi Myanmar nhưng đế chế Pagan cũng không tồn tại và đất nước rơi vào tình trạng chia cắt suốt 300 năm, đất đai hoang hóa, chỉ còn lại các ngôi đền do Tu viện Phật giáo quản lý. Nhưng dầu sao thì đế chế Pagon cũng là kỷ nguyên rực rỡ nhất đối với người Miến Điện. Nhìn những ngôi chùa vàng trải dài rộng trên 40km2 dọc bờ sông Ayeyarwad cũng chứng minh được sự phát triển giàu có về nông nghiệp và sự hiểu biết của người dân về kiến trúc và hình học.

Chùa ShweDagon nổi tiếng của Myanmar (Ảnh: TL)

Sau thời kỳ chia cắt, thì các quốc gia Hanthawaddy của người Môn, Mrauk U của người Rakhiue là lớn mạnh.

Đến thế kỷ 18, Myanmar là quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á.

Từ năm 1824 đến 1942, Myanmar bị Anh đô hộ suốt 118 năm. Từ 1943 đến 1945 bị Nhật xâm chiếm.

Đặc biệt, sau khi giành được độc lập, Liên bang Miến Điện ra đời .

Năm 1962, Miến Điện đổi tên thành Cộng hòa XHCN Miến Điện. Từ 4-1-1948 đến 4-2-2011, trong 63 năm Myanmar đã có 11 đời Thủ tướng và có 2 người tái nhiệm lần 2 và lần 3 như: Ne Win 2 lần trúng cử Thủ tướng, tổng cộng cả 2 lần là 14 năm. Có thể nói, ông Ne Win là người làm Thủ tướng lâu nhất trên chính trường Myanmar.

Cũng phải kể đến U Nu 3 lần làm Thủ tướng, suốt từ 1948 đến 1962, nhưng lần cuối cùng ông chỉ làm Thủ tướng được hơn 1 năm thì phải từ chức.

Tuy nhiên, có Thủ tướng như: Tun Tin chỉ làm Thủ tướng được hơn một tháng (từ 26/7/1988 - 18/9/1988) khi đất nước đổi tên thành Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Trong tất cả các đời Thủ tướng Myanmar, thì Thủ tướng Thein Sein là lãnh đạo duy nhất của Myanmar đã sang thăm Việt Nam vào tháng 10-2007, ông là vị Thủ tướng cuối cùng bị miễn nhiệm vào ngày 4-2-2011. Theo Hiến pháp của Myanmar năm 1988 và đến nay ghế Thủ tướng vẫn còn để trống, lãnh đạo đất nước là Đảng Đoàn kết phát triển Myanmar - cơ quan tối cao của chính quyền quân sự.

Trải qua nhiều thế kỷ ngoại xâm, nội chiến, đất nước bị chia cắt nhưng xuyên suốt quá trình lịch sử hơn 2000 năm, cái còn lại của Myanmar vẫn là một đất nước giàu tiềm năng, nhiều tài nguyên khoáng sản, đá quý, kim cương và dầu mỏ. Những người Myanmar mà chúng tôi được gặp và tiếp xúc trong quá trình thăm Myanmar là những người hiền lành, chịu khó. Phần lớn là những nông dân và một tỷ lệ rất ít là các nhà doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ năm 2000 đến nay, Myanmar có nhiều đổi mới, vị thế chính trị, ngoại giao đã có phần khởi sắc, nhưng nông nghiệp, công nghiệp vẫn chưa phát triển.

Chùa Chauk Htatgyi, nơi có tượng Phật nằm dài 72m, cao 15m

Kinh đô Phật giáo

Tuy vậy nhưng nét nổi bật nhất của Myanmar là hệ thống chùa vàng. Theo Hướng dẫn viên Phan Hồng Hà của Công ty Golden Tour và một hướng dẫn viên bản xứ tên là Tiên (dịch sang tiếng Việt), chúng tôi được đi thăm nhiều ngôi chùa, nhiều di tích lịch sử ở Yangon như: Chùa Chauk Htatgyi, nơi có tượng Phật nằm dài 72m, cao 15m; chùa Laba Moni nơi có tượng Phật bằng cẩm thạch xanh tro nguyên khối cao 20m, nặng hơn 900 tấn.

Cùng ngày, chúng tôi còn được thăm chùa ShweDagon là công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới. Vì ngoài chùa ShweDagon còn có quần thể 1000 ngôi chùa bao quanh bảo tháp vàng lấp lánh cao 99m. Toàn bộ chùa vàng được chạm khắc và dát bằng những lá vàng mỏng và hàng vạn viên kim cương, ngọc quý cùng những chiếc chuông bằng vàng, bạc khác.

Myanmar có 380.000 ngôi chùa vàng lớn nhỏ, trải dài rộng khắp đất nước có nhiều ngôi chùa tồn tại qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước như chùa Shwe Maw Daw - chùa cao nhất tại Myanmar. Tháp chính cao 114 mét, tại thành phố Bago - nơi đang bảo tồn xá lợi, tóc, xương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cũng tại Bago còn có Kanbawa Thardi, phế tích Hoàng cung của Myanmar từ thế kỷ 16 và Shwe Thar Hlyang tượng Phật nằm dài 55m, cao 16m và tượng Phật dài 100m, cao 20m ở ngoài trời. Tượng Phật Thích Ca 4 mặt có tên là Kyaik Pun có từ thời Vua Dhamua Zedi (1476 AD).

Điều đặc biệt là ngôi chùa ở Cố đô Yangon mà chúng tôi được chiêm ngưỡng ngay khi đặt chân đến với vẻ lung linh, tráng lệ đã được dát 60 tấn vàng.

Mật độ chùa nhiều, người dân có nơi để tu tâm, dưỡng tính nên mặc dầu chỗ nào cũng có vàng và đá quý nhưng không hề bị bóc gỡ, mất trộm, xã hội bình yên. Điều đó cho thấy tín ngưỡng có khả năng quy tụ, làm cho con người ta gần nhau hơn và có khả năng thay đổi hành vi, hướng thiện.

Sáng sáng, chúng tôi được thấy các nhà sư trẻ đi khất thực, dáng đi lặng lẽ, tay cầm một cái âu, ai cho gì thì cứ bỏ vào âu đó và tất cả người dân cũng như các nhà tu hành ngày chỉ ăn 2 bữa, 1 bữa sáng và 1 bữa trưa trước 12 giờ.

Có thể nói rằng, so với những nơi chúng tôi được chiêm ngưỡng, ngay như Thái Lan cũng có chùa vàng ở Băng Kok và tượng phật bằng vàng nặng 4 tấn, hoặc những nơi khác như Tây Tạng, Ấn Độ, Lào, Campuchia, thì Myanmar hơn hẳn. Đúng là Kinh đô của Phật giáo.

Hòn đá vàng và chùa Kyaiktiyo, điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng ở Myanmar

Đất nước giàu tiềm năng

Đất rộng (gấp hơn 2 lần Việt Nam), dân số chỉ bằng 2/3 Việt Nam, nhiều khoáng sản quý giá. Nhưng tài nguyên chưa được khai thác, sự hội nhập quốc tế còn ít. Về nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu chưa có, vì thế đồng ruộng phần lớn còn khô cằn, sản phẩm nông nghiệp chưa phong phú, đa dạng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng họ chịu đựng và nhẫn nhịn, không chen lấn, xô đẩy. 380.000 ngôi chùa vàng ở khắp nơi trên đất nước và nhiều kim cương, đá quý trên đỉnh tháp, nhưng việc bảo vệ sơ sài, không hề có cảnh sát ở những nơi xa vắng và những nơi công cộng. Tuy vậy, an ninh trật tự vẫn ổn định, tài sản không hề mất mát. Chứng tỏ, tín ngưỡng đã làm cho người Myanmar bớt tham-sân-si.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên dọc những con đường vào các chùa, các trung tâm thương mại còn nhiều hành khất là trẻ em và người già.

Tuy lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 25-5-1975, khi còn là Liên bang Cộng hòa XHCN, nhưng sự bang giao và ảnh hưởng giữa 2 quốc gia chưa được khởi sắc cho lắm. Myanmar chỉ bừng thức dậy từ khi tuyên bố đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar cách đây hơn chục năm.

Hơn mười năm đổi Quốc ca và Quốc hiệu, cũng hơn 10 năm xóa bỏ cấm vận, Myanmar như nàng công chúa ngủ trong rừng, đất nước nhiều tài nguyên đang là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế.

Chia tay chùa vàng

Cuộc vui nào cũng có hồi kết. Chúng tôi, những cán bộ hưu trí của ngành Hàng hải Việt Nam tiếc ngơ ngẩn trước cảnh và người Myanmar bởi sắp phải chia tay Kinh đô Phật giáo Đông Nam Á, chia tay những người dân mà đại đa số đàn ông vẫn còn vận longy (một loại váy như xà rông của đồng bào Tây Nguyên), có vẻ mặt nhẫn nhịn và có đức tin vào Tam bảo (Phật  - Pháp - Tăng). Họ từ bi, hỉ xả với chim muông, con người và cây cỏ, họ khiêm cung trước mọi người.

Họ không có nhiều các công trình lịch sử và văn hóa được UNESCO công nhận, mặc dầu trong con mắt của du khách thì nhiều công trình di tích của họ xứng đáng tầm cỡ quốc tế, là tài sản của nhân loại. Họ quan niệm rằng, tự nhiên, nhi nhiên, hữu xạ, tự nhiên hương. Họ không có tâm lý ưa thích kỷ lục, không muốn UNESCO hóa tất cả những di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhưng nhìn phế đô, nhìn 380.000 chùa vàng và các công trình khác trên đất nước Myanmar, mọi người đều thấy sự bảo tồn của họ, kể cả từ nội dung, hình thức, kiến trúc, màu sắc đạt ở cấp độ tuyệt hảo.

Với một đất nước như vậy, con người như vậy, hy vọng rằng, với đường lối đúng đắn của Cộng hòa Liên bang Myanmar từ khi từ bỏ con đường cũ mà họ đã theo đuổi từ 1962 - 1988, chắc chắn họ sẽ cất cánh trong khoảng 10 - 15 năm không xa.

Hoàng An Giang

Top