Mơ ước về một bảo tàng “Nhạc Việt xưa”
Từ ông chồng chuyên mang rác về nhà...
Câu chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu bằng bản nhạc Đêm bơ vơ của ca sĩ Giao Linh. “Tôi có thói quen nghe nhạc bất cứ lúc nào trong ngày nếu rảnh, đặc biệt là buổi sáng. Gần đây có thêm nhiều bạn cùng sở thích nhờ có mạng xã hội, vì vậy cứ tầm 8 giờ đến 8 giờ 30, tôi livestream (phát trực tiếp) những bài hát xưa để những người cùng sở thích nghe”, anh Hùng cho biết.
Hùng Audio là biệt danh những người yêu nhạc đặt cho anh từ những năm 90 của thế kỷ trước. “Sở dĩ tôi có biệt danh đó vì từ những năm 1990, gần như một mình tôi lần từng con hẻm, góc phố không chỉ ở Nha Trang mà bất cứ đâu có băng đĩa, bướm nhạc hay máy Akai (gọi chung cho các loại máy chạy băng cối như Akai, Teac, Awa, Sony...)”. Dần dà biệt danh Hùng Audio thành tên gọi quen thuộc của giới yêu thích nhạc xưa.
Ngày xưa gia đình anh Hùng có tiệm chè rất lớn ở cạnh rạp Tân Tiến, TP Nha Trang, khi ấy tiệm có 2 dàn máy Teac mở nhạc phục vụ khách nghe từ sáng đến tối. “Khoảng những năm cuối thập niên 90, người ta bắt đầu vứt bỏ những máy nghe băng cối, tôi thấy tiếc nên chú ý sưu tầm đầu máy, băng với mong muốn giữ lại những thanh âm xưa cũ của "một thời”, anh Hùng kể về xuất phát điểm sưu tập của mình. Những năm tháng sau đó là quãng thời gian miệt mài, đôi chân anh rong ruổi khắp mọi miền đất nước. “Ngày đó cứ nghe bạn bè hay ai đó chỉ ở đâu có đầu máy Akai, băng cối là nơi đó có tôi. Có những lúc tôi đi gần cả tháng, khi về phải thuê cả xe tải chở đồ. Vợ tôi không ngăn cản sở thích của chồng mà chỉ thở dài, anh lại mang rác về nhà rồi à”, anh Hùng cười lớn khi nhớ lại.
Nhà sưu tầm Phương Chánh Hùng mong ước sẽ mở một bảo tàng về nhạc Việt xưa
Hơn 30 năm, dấu chân anh in khắp các vùng trong tỉnh Khánh Hòa, ra tận Tuy Hòa, lên Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh và cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ... Thời cao điểm những năm 2003 - 2004, anh có đến khoảng 6.000 băng cối, 200 đầu máy Akai. Sau này, anh bắt đầu bán bớt, chọn lọc giữ lại những băng có giá trị. Hiện, trong nhà anh Hùng còn hơn 100 băng cối được sản xuất trước năm 1975 của các hãng băng đĩa: Việt Nam, Shotguns, Asia - Sóng Nhạc, Trường Sơn, Sơn Ca, với đầy đủ giọng hát của các danh ca trước năm 1975 như: Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Khánh, Chế Linh, Phương Dung... Trong đó, có những băng gốc anh mua rất đắt tiền như băng Hương quê, Tâm sự loài chim biển (cải lương)...
... đến ước mơ mở bảo tàng nhạc Việt xưa
Ngoài ra là hàng nghìn chiếc băng cối và khoảng 1.000 đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975; 1.500 bản nhạc xưa (bướm nhạc) được sưu tập từ hơn 30 năm qua. Nhiều nhà nghiên cứu, các ca sĩ... muốn có bản nhạc gốc đều tìm đến anh để hỏi mượn.
Ông còn sưu tầm hàng trăm chiếc radio cổ
Anh Hùng cho biết, người chơi nhạc xưa có thể chơi băng cối hoặc đĩa than. Ưu điểm của băng cối là không có tiếng nổ, tiếng lép bép như đĩa than. Tuy nhiên, chơi băng cối cũng có cái khó riêng, bởi dùng không khéo băng sẽ rối, đứt hay nhiễm từ làm âm thanh bị méo. Khó nhất là lấy đâu ra băng để nghe, vì thời nay các hãng ghi âm không ra băng cối nữa, còn đĩa than thì gần đây đã có sản xuất trở lại. Tuy nhiên, theo anh Hùng, nhiều người vẫn thích nghe băng cối hơn đĩa than. “Chơi băng cối là hướng về âm thanh analog mộc mạc, giọng hát chính bao trùm lên nhạc đệm. Những âm thanh không có quá nhiều kỹ thuật tân tiến nhưng vẫn có một chất riêng khó tả”, anh Hùng vừa nói vừa cho cuốn băng Tiếng hát Duy Khánh 1 vào chiếc đầu máy Studer A810. Nhìn băng chuyển động với những âm thanh thong thả, trầm trầm nghe rất “đã” tai, và nó khác hẳn âm thanh kỹ thuật số của các đĩa CD thời hiện đại.
Theo nhà sưu tập, những năm gần đây, khi phong trào chơi băng cối bắt đầu phát triển trở lại, lượng đầu máy, băng từ nước ngoài về (băng trắng hoặc băng cũ) khá nhiều, nên người chơi có thể dùng để sang lại các băng nhạc cũ. Hiện tại, cộng đồng chơi máy Akai, băng cối ở Nha Trang không nhiều, bởi việc đầu tư dàn máy với đầy đủ đầu máy, âm ly, loa khá lớn, đó là chưa nói đến việc mua băng và công sang khá đắt. “Khi đã đam mê thứ âm thanh chân thực, đặc trưng của băng cối thì rất khó bỏ được. Đó không chỉ là một ấn phẩm nhạc, mà còn là bằng chứng phản ánh đời sống văn hóa phong phú của cả một thời kỳ. Trời cho sức khỏe về già tôi chỉ mong ước mở một bảo tàng, chí ít cũng là nhà trưng bày để gìn giữ cho thế hệ trẻ mai sau minh chứng về một thời đại văn hóa đặc sắc của người Việt Nam”, anh Hùng chia sẻ.
Bài và ảnh: Lê Xuân