Nhận diện đô thị từ di sản văn hóa

Tại các đô thị Việt Nam hiện nay, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho các nhà quản lý đô thị, đặc biệt rõ nhất trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc.

1. Tại các đô thị Việt Nam hiện nay, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho các nhà quản lý đô thị, đặc biệt rõ nhất trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc. 

Toàn cảnh Sài Gòn năm 1955

Quá trình đô thị hoá ồ ạt làm mất đi những giá trị văn hóa và bản sắc vốn có của đô thị. Áp lực sinh lợi kinh tế tức thời và thiều tầm nhìn xa trong hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị tất dẫn tới việc khai thác triệt để đất đai khu vực trung tâm của đô thị cũ. Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị và quản lý văn hóa đô thị. Khi dân cư chưa có đầy đủ ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng. Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ di sản văn hóa, cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục ý thức của người dân.

Những năm gần đây cần phải ghi nhận những cố gắng rất lớn của ngành bảo tồn di sản kể cả từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học và chính quyền địa phương. Nhưng bên cạnh đó cũng có những “thất bại” lớn, như trường hợp khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh nay hầu như không còn dấu vết cảnh quan đô thị Sài Gòn xưa, chen vào đó là những công trình mới không hài hòa về cảnh quan. Hay việc “biến mất” của Di tích lịch sử Ba Son khiến nhiều người tiếc nuối vô cùng: nơi đây là di tích về công nghiệp đóng tàu duy nhất từ thời Chúa Nguyễn Ánh, Ba Son còn là di tích lịch sử cách mạng. Lẽ ra, khu vực di tích và cảnh quan sông nước là không gian công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng cư dân đô thị nhưng hiện nay nó hoàn toàn nằm trong một dự án dành cho thiểu số người giàu.

Chợ Bến Thành xưa và nay

Hiện nay, quan niệm về vùng lõi đô thị nơi tập trung nhiều công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa vẫn chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí “đất kim cương”, mà không được chính quyền các thành phố đánh giá là “vùng di sản”. Quan điểm về bảo tồn phải rõ ràng: Di sản phải quý hơn vàng, hơn kim cương! Vì nó kết tinh bao nhiêu giá trị, được truyền từ nhiều đời và là tài sản chung của tất cả cư dân. Không thể đánh đổi một cách vội vã để lấy sự tăng trưởng kinh tế nhất thời.

2. Các thành phần liên quan việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị là nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản cần có sự đồng thuận vì mục đích chung. Nhưng trên thực tế ngoài ba thành phần trên giờ đây có thêm một đối tượng nữa chính là những nhà đầu tư vào đô thị. Trong quá trình hiện đại hóa đô thị hóa hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ở đô thị hoặc từ nơi khác đầu tư vào đô thị. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại kết quả tốt nhất thì nhà đầu tư cũng phải có sự liên kết với ba đối tượng kia. Mối liên kết ở đây là gì?

Chính quyền là người thay mặt dân cư quản lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản: phá hay giữ? Nếu như chính quyền kiên quyết giữ, thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” cũng phải giữ nhưng là di sản có giá trị đặc biệt thì bắt buộc phải bảo tồn; còn những di tích khác có thể “bảo tồn” bằng cách khai quật khảo cổ, quay phim, chụp ảnh hay đưa hiện vật vào bảo tàng, lấy đất đai đáp ứng sự hiện đại hóa về giao thông, hạ tầng… của đô thị.

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Sau khi lắng nghe tư vấn là việc lựa chọn nhà đầu tư có cùng quan điểm và tôn trọng quyết định của chính quyền, tức là nhà đầu tư có tầm văn hóa và có tâm vì “lợi ích muôn đời”. Cái tầm văn hóa ở đây thể hiện nhà đầu tư hiểu biết về giá trị di sản. Nhà đầu tư có thể không lấy lợi được ngay nhưng sẽ được cộng đồng tôn trọng bởi nhà đầu tư đã có những cách thức để di sản ấy phát huy giá trị nhiều hơn, tăng giá trị văn hóa và cả giá trị kinh tế của nó chứ không phá di sản đi chỉ để kiếm tiền từ đất.Vì vậy, bên cạnh nhà quản lý, nhà đầu tư không có tầm văn hóa, không có tâm với di sản của một địa phương, mở rộng hơn là của đất nước thì tất yếu dẫn đến thực trạng di sản văn hóa bị phá hủy. 

Cuối cùng là cộng đồng có trách nhiệm lên tiếng, mà muốn có tiếng nói thì cộng đồng cần có sự hiểu biết. Ở thời điểm hiện nay, tiếng nói của cộng đồng rất quan trọng nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là nhà quản lý. Khi nhà quản lý không có thái độ, quan điểm rõ ràng đối với di sản, việc bảo tồn di sản sẽ rất khó khăn. Trong tình hình qui hoạch khu trung tâm Sài Gòn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân như hiện nay, việc chính quyền cần lưu ý là không nên để cho người dân có cảm xúc tiêu cực. Đó là điều không quá khó đối với người làm công tác quản lý. Vấn đề là quan điểm: nếu đặt bảo tồn ngang với phát triển thì phải có một phương thức khác. Không nên cho rằng, bảo tồn sẽ làm hạn chế phát triển hoặc đã phát triển thì dứt khoát phải phá di sản.

3. Cần xác định những giá trị di sản văn hóa không thể đánh đổi. Với một đô thị, người ta nhìn nhận lịch sử của nó đầu tiên qua lịch sử kiến trúc đô thị. Có thể lấy Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh làm trường hợp điển hình.

Nhìn tổng thể đô thị Sài Gòn thời Bến Nghé - thành Gia Định hầu như không còn dấu tích gì cả, may chăng có còn là còn trong lòng đất, lĩnh vực này thuộc về công tác khảo cổ mà từ lâu ít người quan tâm. Về quy hoạch đô thị Sài Gòn đặc trưng thường được biết đến là từ thời Pháp cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Từ sau năm 1954 mở rộng và có thêm các công trình của thời Việt Nam cộng hòa. Nói đến đô thị Sài Gòn thì chắc chắn phải nói đến khu trung tâm quận Một. Đó là trung tâm hành chính của thành phố, cũng là trung tâm chính trị khác với Chợ Lớn là trung tâm thương mại buôn bán. Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ, có thể nhận thấy trong phạm vi các tuyến điểm sau đây cần phải hết sức cẩn trọng khi tác động vào: đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ mở rộng ra đến dọc Bến Bạch Đằng, hẹp hơn là đường Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Ngọc Thạch - Đồng Khởi xuống đến đường Tôn Đức Thắng, rồi khu vực chợ Bến Thành, đường Hàm Nghi... Đấy chính là vùng lõi của đô thị Sài Gòn từ thời Nguyễn cho đến thời Pháp, được người Pháp qui hoạch trở thành trung tâm với những công trình điển hình duy trì hơn một thế kỷ đến ngày nay

.

Hiện tại, khu vực trung tâm TP HCM mọc lên những tòa cao ốc chọc trời

Đối với Sài Gòn, khu vực này cũng có ý nghĩa và giá trị biểu tượng như khu vực Hồ Gươm ở Hà Nội. Lịch sử của Sài Gòn và Hà Nội có thể không so sánh được về thời gian nhưng giá trị lịch sử văn hóa thì không chỉ phụ thuộc vào độ dài thời gian mà phụ thuộc vào việc nó chứng tích của quá trình xây dựng, phản ánh đặc trưng của đô thị này. Đó là khu vực di sản, nơi mà những công trình kiến trúc ở đây xuống cấp thì phải được trùng tu, bảo tồn, không thể xây dựng công trình có hình thức quá khác biệt (mà chưa chắc là hiện đại) vì sẽ giảm giá trị văn hóa toàn bộ cảnh quan ở đó.

Di sản văn hóa của các đô thị cũng là một lợi thế để các nhà đầu tư vào đây, họ thấy thiện cảm với thành phố, khi ở đây có nhiều di sản tốt đẹp, đặc sắc. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng coi di sản văn hóa là một lợi thế, thậm chí họ coi đó là vật chướng để phá đi chứ không phải là mối lợi để họ giữ lại. Bởi vì di sản đô thị đa số là “khu đất vàng và đất kim cương”. Chọn nhà đầu tư nào để có thể bảo tồn di sản, đó chính là câu hỏi mà chính quyền phải trả lời và lựa chọn.

4. Các thành phố hiện nay luôn có nhu cầu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Nhưng từ góc độ công tác bảo tồn, sự “thỏa hiệp” ở mức độ nhất định có thể áp dụng trong một số trường hợp vì nhu cầu cấp thiết cho phát triển thành phố. Nhưng “thỏa hiệp” trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc “Di sản văn hóa là bản sắc riêng có của từng đô thị”.

Thực trạng đang diễn ra trong vài năm gần đây tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mang lại sự bi quan cho việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc đô thị. Các thành phố với những khối nhà cao tầng, siêu thị, kính màu, bê-tông, vòng xoay công viên đến cả cây xanh đô thị cũng giống hệt nhau, như những bản sao vô hồn! Cảnh quan chung sẽ khiến người ta hoàn toàn không còn nhận biết về nét riêng của thành phố hay vùng miền nữa: Lạng Sơn hay Cà Mau, Hà Nội hay Sài Gòn sẽ còn gì là nét riêng?

Dinh Thượng Thơ

Con người không thể tách rời môi trường sống bao gồm cả cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn. Những thế hệ cư dân luôn nhớ và yêu quý thành phố của mình bởi họ sống trong khung cảnh được gìn giữ gần cả trăm năm, nếu có thay đổi cũng chỉ diễn ra ở ngoại vi và không phải những “điểm nhấn” tạo thành ký ức. Ký ức, tình cảm đối với thành phố được di truyền qua từng thế hệ, ký ức dựa vào di sản để tồn tại, nếu không còn gì để nhắc nhớ thì không còn ký ức. Khi cư dân không có tình yêu, không được củng cố tình cảm đối với nơi họ sống thì làm sao có thể hết mình xây dựng và bảo vệ nó?

 Cuộc sống luôn phải thay đổi tốt hơn về vật chất và tinh thần nhưng cách phá hủy di sản như hiện nay phản ánh một điều, chúng ta chỉ quan tâm đến sự thay đổi về vật chất mà ít quan tâm gìn giữ những giá trị tinh thần… Nói cho cùng, bảo tồn di sản văn hóa chính là để cho cuộc sống của con người hiện nay ngày càng phong phú, đa dạng và có chiều sâu lịch sử, tri thức. Một cộng đồng, một quốc gia không còn ký ức chung, không có sự tiếp nối về truyền thống thì sẽ nhanh chóng biến mất trên bản đồ văn hóa thế giới.

Sài Gòn 22.12.2018

TS Nguyễn Thị Hậu

Top