Lễ Xử Ca đêm 30 Tết của người Mông

Vào ngày Tết cổ truyền “Nào pê chầu”, bên cạnh thờ cúng tổ tiên, hệ thống ma nhà, trong năm mới người Mông còn có một lễ cúng quan trọng đó là lễ Xử Ca.

Trong hệ thống ma thờ của người Mông, ma Xử Ca chủ trì việc giữ gìn tiền bạc, của cái trong nhà, tăng bồi sự vinh hoa, phú quý. Bàn thờ Xử Ca đặt ở gian giữa nhà. Chỗ thờ được dán một miếng giấy màu trắng và cắm 3 hoặc 5 túm lông gà, được bôi ít máu gà. Mỗi năm, người Mông cúng Xử Ca một lần vào đêm 30 Tết.

Người dân tộc Mông chuẩn bị đồ cúng lễ. Ảnh: internet

Với người Mông, "Xử, Ca, Lò, De" được coi là bốn vị thần quan trọng nhất mà bất kỳ gia đình nào cũng phải thờ, dù họ sinh sống ờ đâu hay thuộc nhóm Mông gì nếu không thờ "Xử, Ca, Lò, De" thì không phải là người Mông. Vì vậy, mỗi dịp tết đến các gia đình đều quét dọn nhà cửa, dán lại giấy tại bàn thờ “Xử Ca”. Việc dán lại giấy tại bàn thờ “Xử, Ca, Lò, De” với ý nghĩa làm cho bàn thờ mới hơn, gọn gàng hơn và cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ.

Thầy cúng thay miếng giấy dán tại bàn thờ Xử Ca. Ảnh: internet

Khi việc dán giấy tại bàn thờ đã xong, chủ nhà sẽ thắp hương và tay cầm một con gà trống (có lông màu đỏ) rồi khấn: Năm cũ qua đi năm mới đến, hôm nay đầu Xuân năm mới tôi sẽ thay nhà cửa mới, trang phục mới, thắp hương thắp nến, có cơm, có gà mới cho “Xử Ca Lò De” về ăn Tết với gia đình”.

Khấn xong, chủ nhà mang gà đi cắt tiết và nhổ 3 hoặc 5 túm lông gà rồi nhúng vào tiết để dán lên mảnh giấy thờ “Xử Ca"với ý nghĩa đã dâng tặng con gà. Sau đó, mổ gà, luộc chín và bày lên mâm cùng với 2 bánh dày, 2 chén rượu rồi tiếp tục khấn: "Hôm nay đầu Xuân năm mới, gia đình có con gà trống của nhà để dâng tặng “Xử Ca Lò De” về đón nhận thành quả của gia đình, nhận rồi hãy phù hộ cho năm mới cho tròn một năm 12 tháng, phù hộ cho con cháu năm mới luôn khỏe mạnh, trông giữ nhà cửa không để ma tà, những cái xấu vào được nhà, canh nhà cửa tốt cho gia đình nhé”.

Nơi thờ Xử Ca ở gian giữa nhà, chỗ thờ được dán một miếng giấy màu trắng và cắm 3 hoặc 5 túm lông gà, được bôi ít máu gà. Ảnh: internet

Khi khấn xong bàn thờ “Xử Ca”, gia đình sẽ kê một cái bàn ở giữa nhà để đặt mâm cúng tổ tiên. Tối ngày 30 Tết, người Mông ở tỉnh Điện Biên làm nhiều nghi lễ để dâng đồ cúng các loại ma, các vị thần, trong đó mâm cúng mời tổ tiên là mâm cúng mang nhiều ý nghĩa với đồng bào Mông, đây là lúc để nhớ về cội nguồn, những người đã khuất. Mâm lễ đặt trên một chiếc bàn, gồm có bánh dày, thịt gà, cơm và canh. 

Sau khi mời tổ tiên xong, chủ nhà mời tất cả các thành viên trong gia đình vào mâm uống chén rượu chúc nhau những lời chúc may mắn trong năm mới. 

Những chiếc bánh dày được dùng trong mâm cúng tổ tiên. Ảnh: internet

Các tập tục tâm linh truyền thống hòa quyện với những hoạt động sinh hoạt thường ngày đã tạo nên nét đẹp, bản sắc riêng trong đời sống văn hóa của người Mông.

H.Y

Có thể bạn quan tâm

Top