Lễ hội Tiên La được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng nay 15-4, UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 1437/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Lễ hội Tiên La thuộc địa phận 2 xã Tân Tiến, Đoan Hùng nơi thờ Nữ Tướng Đông Nhung Vũ Thị Thục.Theo sử sách bà Vũ Thị Thục sinh ra ở Trang Phượng  Lâu, huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú. Ngay từ nhỏ bà Vũ Thị Thục là người thông minh, văn võ song toàn, nhân dân trong vùng hết lòng ngợi khen. Năm 43 sau công nguyên nhà Hán cho Tô Định dẫn đầu mang quân sang xâm lược nước ta, chúng đi đến đâu cũng cướp bóc của cải, giết hại nhân dân ta. Trước sự hung hãn của kẻ thù Tô Định, bà Vũ Thị Thục đã tụ tập nghĩa quân cùng với 12 nữ tướng của Hai Bà Trưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa, bà Vũ Thị Thục đã vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, sức người, tập trung chiến đấu lại kẻ thù phương bắc. Được nhân dân  đùm bọc, nghĩa quân của bà Vũ Thị Thục đánh đâu thắng đó. Trước sức mạnh của Tô Định, bà Vũ Thị Thục đã xuôi dòng sông Hồng, sông Luộc về xuôi để củng cố lực lượng. Trong một trận chiến đấu ác liệt, bà Vũ Thị Thục đã anh dũng hy sinh tại gò Kim Quy thuộc địa phận xã Tân Tiến và xã Đoan Hùng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng tài ba văn võ song toàn, nhân dân trong vùng lập đền thờ bà Vũ Thị Thục. Do đền thờ xây dựng gần 2000 năm, ảnh hưởng của thời tiết, đền xuống cấp, nhân dân trong huyện và quý khách thập phương đã góp công, góp của tu sửa ngôi đền ngày một khang trang.

Hằng năm, lễ hội được tổ chức từ ngày 10-3 đến ngày 20-3 Âm lịch, hội chính vào ngày 15 đến ngày 17-3. Nét đặc sắc trong Lễ hội Tiên La là lễ rước nước gồm hai đoàn rước thủy và rước bộ từ cửa đền Tiên La, xã Đoan Hùng đến ngã ba sông Luộc. Đoàn rước gồm đội múa rồng, đội rước cờ, đoàn rước kiệu Mẫu, kiệu bát cống, kiệu long đình. Hai đoàn rước thủy, bộ gặp nhau ở ngã ba sông Luộc để lấy nước đổ vào chóe sứ, sau đó chóe nước được đặt trên kiệu mẫu rước về đền để trong cung cấm. Sau lễ rước nước đến các phần tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đến các đội tế của các làng trên địa bàn. Trong lễ hội còn bảo tồn hai loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng là hát ca trù và hát văn (kèm hầu bóng).

Huyện Hưng Hà sẽ tổ chức đón bằng chứng nhận Lễ hội Tiên La là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tối 16-4, cũng là ngày khai hội đền thờ Mẫu Tiên La và dâng hương tưởng niệm 1973 năm ngày mất của Bà.

                                                                   P.V (tổng hợp)

 

Top