Làng nghề mộc Chàng Sơn
Người ta biết đến Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nơi đây có nghề truyền thống và nổi tiếng nhất là nghề mộc. Bên cạnh đó nghề in, nghề quạt và nghề song mây tre đan cũng khá phát triển. Mảnh đất này tự hào là cái lò cho ra đời những bộ tràng kỷ, tràng niên; là nơi làm ra chiếc quạt rộng 9m được trưng bày tại Hội chợ hoa Hà Nội năm 2008 và đã được đưa vào Sách kỷ lục Guinness… Nhưng hiện nay ngay cả các cụ cao niên, nghệ nhân cao tuổi cũng không thể nắm rõ nghề mộc của làng khởi nguồn từ bao giờ, do ai tạo lập vì làng hiện có nhiều ngôi Đình nhưng không Đình nào thờ thần hoàng làng làm nghề thợ mộc. Những bậc cao niên trong làng kể rằng, nghề mộc Chàng Sơn đã tồn tại và có tiếng từ thời Hùng Vương dựng nước. Đến đời sau, mỗi khi có công trình xây dựng hay tu sửa cung đình, lăng tẩm, đền chùa, các vua chúa đều triệu những người thợ mộc xóm Chàng đến. Chỉ có những người thợ tài hoa, khéo léo và cẩn trọng Chàng Sơn mới có thể tạc nên những hoa văn cầu kì, tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của những bậc quân vương sành sỏi và khó tính nhất. Ấy là từ thế kỷ 16, tiếng làng nghề Chàng Sơn đã bay xa, một số nghệ nhân đã được mời sang Trung Quốc tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm thuộc đời Minh, Thanh. Điều đó càng khẳng định nghề mộc ở đây đã có từ rất lâu, chí ít cũng từ thế kỷ 15 - 16.
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa có thể làm nên những công trình đi vào giai thoại như thế. Sản phẩm của họ làm ra, không còn dành cho những bậc vưa chúa nữa mà để bán cho khách thập phương, từ những người bình dân nhất đến những khách hang sành sỏi nhất. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những sản phẩm mộc xóm Chàng mất đi giá trị của mình. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ có chính đôi tay người thợ mới có thể làm ra được. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng với những sản phẩm của làng nghề này.
Thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. (Ảnh:TL)
Trải qua nhiều thế kỷ, nghề mộc ở Chàng Sơn không hề bị mai một như nhiều số phận làng nghề trong vùng. Trái lại, trong cơ chế thị trường, nghề mộc của làng ngày càng mở rộng, các sản phẩm mộc vươn xa, chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của hàng chục làng nghề khác ở miền Bắc. Theo thống kê sơ bộ của xã, hiện nay, ngoài các sản phẩm được sản xuất từ gỗ thì trong làng cũng có tới hơn 10 cơ sở sản xuất các mặt hàng bàn ghế, đồ gia dụng từ song, mây, tạo việc làm cho hơn 200 lao động. Đến đất làng nghề, khách có thể thoải mái chọn lựa những sản phẩm gia dụng với mọi chất liệu khác nhau. Tiện lợi hơn cả là khách có thể đem mẫu hàng đến và yêu cầu người làng nghề sản xuất bằng những chất liệu mà mình yêu thích với giá thành hợp lý. Hiện nay, hầu như người dân nào ở Chàng Sơn cũng biết làm mộc. Đặc biệt, gần đây nhiều hộ dân nhạy bén đã đầu tư máy móc, tìm kiếm nguồn hàng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng mặt bằng xưởng để chuyên sản xuất các mặt hàng mộc nội thất nhà ở, văn phòng cao cấp... vừa có lãi cao, thị trường tiêu thụ mạnh.
Ngày trước nghề mộc chỉ được coi là nghề phụ nhằm giải quyết nhu cầu việc làm và kiếm thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn. Nhưng nay, với diện tích ruộng bình quân đầu người của xã quá thấp thì nghề mộc lại trở thành nghề chính nuôi sống các gia đình. Không tính đến những người vốn lớn, tự đứng ra mở xưởng sản xuất hoặc thành lập các công ty môi giới, buôn bán các sản phẩm mộc thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì với giá tiền công hiện nay cho một người thợ làm thuê là 100 ngàn đồng/ngày thì trung bình mỗi tháng một người thợ lành nghề cũng có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ so với mức thu nhập ở nông thôn.
(Ảnh: TL)
Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề Chàng Sơn cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mặc dù sản phẩm của làng đã nổi tiếng từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu. Những sản phẩm tinh xảo do chính đôi tay những người thợ xóm Chàng làm ra nhưng ngay sau khi ra khỏi cổng làng, rất có thể nó sẽ mang tên người khác. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của làng nghề là tình trạng sản xuất trong làng vẫn còn phân tán, thiếu tập trung, không có sự quy hoạch. Phần lớn người dân quen với việc “mạnh ai nấy làm”. Họ tự làm ra sản phẩm và tự tìm mối buôn bán.
Các hộ làm nghề truyền thống trong xã đang thực sự gặp khó khăn. Cái đáng lo nhất là đầu ra, vì nếu không có đầu ra thì có vay được vốn kích cầu cũng chẳng biết để làm gì. Cách đây vài năm, thị trường ổn định, nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc đặt hàng, cả làng tham gia chế tác đồ mỹ nghệ để phục vụ xuất khẩu. Chàng Sơn luôn là nơi sản xuất ra những bộ bàn ghế chế tác từ gỗ cực kỳ tinh xảo, được thiết kế theo những công thức ước lệ như ngư, tiều, canh, mục; tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai); tứ linh (long, lân, quy, phụng)… Do không có đầu ra, để cầm cự với cuộc sinh nhai, từ một làng nghề chuyên chế tác đồ cao cấp, tinh xảo nay những người thợ phải chuyển sang làm những mặt hàng như vỏ điện thoại gỗ, quạt nan, quạt giấy…
(Ảnh: TL)
Hơn nữa, do không có phương án kinh doanh cụ thể cho nên các hộ không thể vay ngân hàng số tiền lớn. Mà vay nhỏ thì chẳng thể làm được gì vì một lô gỗ cũng đã có giá vài chục triệu đồng. Chính quyền xã chỉ có thể tạo điều kiện cơ sở pháp lý, mặt bằng sản xuất cho các hộ chứ còn thực sự để tháo gỡ khó khăn, xã chưa đủ tầm.
Hoài Nam (Tổng hợp)