Lễ hội dâng hoa măng của người La Ha

Vào dịp đầu xuân năm mới, việc trên nương chưa nhiều, để con cháu, bà con bản dưới mường trên gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, người La Ha tổ chức Lễ hội dâng hoa măng. Theo thông lệ, Lễ hội được tổ chức trước ngày rằm hàng tháng trong 3 tháng mùa xuân, khi việc trên nương chưa nhiều, khi cây măng đắng đội đất mọc lên, khi cây mạ rế trong rừng nở hoa vàng đỏ, để con cháu, bà con bản dưới mường trên gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm chữa trị bệnh. Lễ hội nhằm tỏ lòng cảm tạ, tri ân thầy lang có công vì sức khỏe cộng đồng, tổng kết khả năng cứu chữa bệnh tật của thầy lang, rồi truyền lại cách thờ cúng tổ tiên cho con cháu.

Theo phong tục của người La Ha, Lễ hội dâng hoa măng gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Vẫn tồn tại đến ngày nay, phần lễ là để cảm tạ trời đất, tổ tiên, sông núi luôn phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra, phần hội thì sôi nổi, vui vẻ, tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng vẫn thể hiện được những nét phong tục, văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt khác hẳn các dân tộc anh em khác trên địa bàn; Ôn lại truyền thống, trao đổi thông tin kinh nghiệm làm ăn, chữa bệnh để cùng nhau phát triển.

Lễ hội dâng hoa măng nhất thiết phải được tổ chức ở trong nhà, tại nhà của thầy lang (thầy mo). Thầy lang là người chủ trì chuẩn bị ngày hội về thủ tục. Lễ vật cúng thần linh cũng rất phong phú. Đó là các loại con vật sống, các loại hoa rừng trang trí và các dụng cụ cần thiết khác, tổ chức tại nhà thầy lang nhưng nhất thiết không được thiếu cây móc, cây chuối rừng (để dựng cây nêu cúng giữa nhà), gạo và trứng gà sống... Bắt đầu vào cúng mời các thần người phụ lễ thổi pí-sên (sáo cúng) để hòa quyện với lời hát cúng, cho lời hát mau đến với các vị thần che chở cho người La Ha như thần hổ - chúa sơn lâm, thắng mọi dã thú, bảo vệ cuộc sống cho dân bản. Sau khi cúng các vị thần linh sẽ cúng mời con nhím là thần đất, để nó không phá hại mùa màng; cúng con chim cu gáy - thần của các loài chim hay ăn lúa trên nương để bảo vệ lúa nương. Cuối cùng là cúng con ma cang cói để nó không quấy rầy sức khỏe nhân dân.

Cúng các thần xong, thầy lang và người phụ lễ biểu diễn các trò mà ông đã chữa khỏi cho bệnh nhân. Khi thì buộc cái bát ăn cơm vào cổ, giả làm người bị bướu cổ, khi làm người què chân, người ngớ ngẩn, lúc vào vai người đi coi nương vung cây sào, hú đuổi lũ chim, sóc... Cuối cùng là giả làm con khỉ bò quanh cây móc giữa nhà, vừa bò, vừa kêu chí chóe, mắt đảo nhìn rất nhanh, để tìm hoa, ngô, chuối... Khi màn độc diễn của thầy lang kết thúc, trai gái trong bản đứng sắp hàng ngang hai bên cây nêu vào màn múa tăng bu. Đạo cụ chỉ là 1 ống tre trổ xuống tấm ván theo nhịp “chát chát”, tay lúc vung ra sau, khi thì 2 tay cầm ống tre nghiêng sang bên trái, nghiêng sang bên phải, múa say sưa, phụ nữ múa mềm dẻo, khỏe khoắn, linh hoạt.

Sau tăng bu là các điệu múa cày bừa, cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống. Cuối cùng là điệu múa “A sừng lừng”. một điệu múa độc đáo mang nét văn hóa phồn thực.

Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống quá nghèo thuở xưa, nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến, khiến người La Ha nghĩ ra phải thờ dương vật để hy vọng người La Ha con đàn cháu đống, mẹ tròn con vuông.

Lễ hội dâng hoa măng là sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất hàng năm của dân tộc La Ha, bởi số lượng người tham gia lên tới hàng trăm người, quy mô không chỉ trong một xã, một bản mà có thể tới cả các xã, huyện khác. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi về tình hình bệnh tật và kinh nghiệm chữa trị. Đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, là di sản văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu, lưu giữ và giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha thể hiện được những nét phong tục, văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc. Không khí lễ hội lành mạnh, vui vẻ, là dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chữa bệnh... để cùng nhau phát triển.

Bàn Trung

 

Top