Làng thuốc cổ Ninh Giang
Làng thuốc cổ Ninh Giang được bén rễ hình thành từ thời nhà Lý. Theo truyền thuyết kể lại rằng, khoảng năm 968, làng Ninh Hiệp lúc đó gọi là Phù Ninh, bà Lý Nương trong một lần ghé qua đây, thấy người dân hiền lành hiếu khách, nên bà cảm mến lắm. Nhìn cảnh dân đau ốm, bệnh tật quanh năm, bà thương tình mới dùng lá cây để giúp người dân chữa bệnh. Cảm kích trước tấm lòng thiết tha xin được học nghề của người dân nơi đây, bà đã đồng ý ở lại để dạy cách trồng và chế biến các loại cây thành những thang thuốc chữa bệnh cứu người. Tương truyền, vào thời Lý, một bà tổ nghề gốc Thanh Hóa có tài chữa bệnh cứu người, khi qua làng Ninh Giang thấy đất đai phì nhiêu, dân làng cần cù, bèn ở lại dạy dân làm nghề thuốc nam dược và dệt vải. Nguồn dược liệu vô cùng quý giá đối với dân làng Ninh Giang thời bấy giờ là rừng báng thuộc đất Đông Ngàn (nay là Tiên Du, Bắc Ninh), vừa là nơi khai thác vừa là nơi gieo trồng cây thuốc. Nghề làm thuốc phát triển, và lan sang cả các thôn lân cận. Sau nhờ có công lao truyền nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người, bà được phong là Lý Nhũ Thái Mẫu Dược sư thần linh. Khi bà mất được thờ tại đình làng cùng với thành hoàng làng. Tại đình làng còn khắc đôi câu đối: “Y pháp tinh thông cứu bệnh cứu nhân danh bất hủ/ Dược phương năng đạt thọ dân thọ thế nãi phi thường”. Hàng năm, vào ngày 18-1 âm lịch, dân làng lại tổ chức cúng lễ, tưởng nhớ bà tổ nghề.
Làng thuốc cổ Ninh Giang bắt đầu từ thời nhà Lý. (Ảnh: TL)
Nghề thuốc ở Ninh Giang khi ấy phát triển cả y và dược, đặc biệt là ngành dược. Hầu hết những nhà khoa bảng, nhà nho trong làng thuở xưa đều biết cắt thuốc chữa bệnh. Người dân Ninh Giang hôm nay vẫn rất tự hào, hãnh diện bởi thời xưa, làng có hai danh y nổi tiếng giỏi nghề thuốc được vào cung làm ngự y chữa bệnh cho vua là Chánh ngự y Nguyễn Tán và Phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt, cùng rất nhiều thái y khác. Người làng Ninh Giang cũng như các thôn khác của xã Ninh Hiệp thường gánh thuốc bằng bồ đi bán rong khắp nơi và phố Lãn Ông của đất Thăng Long xưa trở thành đầu mối buôn bán chính của người Ninh Giang lúc bấy giờ.
Nghề thuốc cha truyền con nối cứ thế phát triển từ đời này sang đời khác. Tiếng là làng cổ, nằm ở ngoại thành Hà Nội nhưng Ninh Giang hôm nay trông khang trang, hiện đại hơn rất nhiều. Đường xá quanh co chật hẹp, những căn hộ cao tầng mọc lên san sát. Chỉ có điều thuốc bắc tràn ngập các sân nhà, lối đi. Mỗi gia đình như một xưởng dược liệu nhỏ ngổn ngang những kho thuốc. Toàn thôn có 254 hộ chế biến thuốc, chiếm 60% tổng số hộ; tạo doanh thu hàng năm khoảng 200 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu toàn thôn. Xưa kia, người làng cũng như các thôn khác của Ninh Hiệp thường gánh thuốc bằng bồ rong bán khắp nơi và phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm có tới gần nửa dân gốc ở Ninh Hiệp. Hiện tại, phố Lãn Ông là nơi tiêu thụ phần lớn thuốc ở Ninh Hiệp, là nơi trung chuyển thuốc tới tận tay người bệnh.
(Ảnh: TL)
Trước đây, người Ninh Giang chú trọng trồng và nhân giống cây thuốc ngay ở làng. Vào các buổi sáng, chợ xóm trong làng trở thành nơi các loại cây thuốc đã qua sơ chế tập trung về đây buôn bán, trao đổi. Do điều kiện đất chật người đông, quá trình đô thị hóa lại diễn ra mạnh mẽ nên người Ninh Giang hôm nay không có điều kiện trồng cây thuốc nhiều nữa mà chủ yếu thu mua từ khắp các tỉnh phía bắc, hoặc nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ninh Giang vẫn tự hào là nơi trung chuyển thuốc đông y lớn vào hàng nhất nhì miền Bắc. Bất kể là cây thuốc gì, từng qua tay ai thì đều phải qua tay người làng Ninh Giang thì mới có thể tự tin xuất đi nơi khác được. Việc thái lát thuốc thì người Ninh Giang thái đẹp không nơi nào bằng. Quế, hồi, sa nhân... từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên... tập trung về, người Ninh Giang gia công lại lần cuối, không bao giờ sợ mốc cả.
Đã có một thời, nghề thuốc cổ ở Ninh Giang bị rơi vào quên lãng, mai một do người dân quá mải mê, buôn bán trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, từ năm 1990, khi Thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Chi hội Đông y xã Ninh Hiệp thì nghề làm thuốc của Ninh Giang cũng như các thôn trong Ninh Hiệp càng có điều kiện phát triển. Một niềm vui lớn đến với làng thuốc cổ Ninh Giang là thành phố vừa mới công nhận đây là một làng nghề truyền thống.
Hồng Quân (Tổng hợp)