Lễ hội cầu Ngư miền biển

Quảng Nam có hơn 120 km bờ biển và một trong những hoạt động văn hoá tinh thần độc đáo của cư dân sống bằng nghề sông nước là Lễ hội cầu Ngư, lễ hội miền biển lớn nhất của ngư dân.

Lễ hội cầu Ngư có nhiều tên gọi khác nhau như lễ hội nghinh Ông, lễ rước cốt Ông, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Lễ hội cầu Ngư ở Quảng Nam là một hình thức diễn xướng dân gian hết sức độc đáo và đặc sắc, thể hiện ước vọng an lành, may mắn trong những chuyến giong buồm ra khơi đánh bắt nguồn hải sản. Lễ hội còn thể hiện cố kết cộng đồng cư dân ngư nghiệp, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động và sản xuất của những ngư dân sông nước đêm ngày đương đầu với mênh mông sóng gió giữa đại dương bao la.

Lễ hội cầu Ngư ở Quảng Nam thường được tổ chức ở hầu hết các làng xã ven biển với ý nghĩa gần giống nhau nhưng quy mô tổ chức và thời gian tổ chức lại tùy thuộc vào từng địa phương. Ở xã Cẩm An, thành phố Hội An, thì Lễ hội cầu Ngư được tổ chức hai lần trong năm vào các ngày 16-2 và 16-8, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, vào các ngày 20-2 và 20-7, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, vào các ngày 15-3 và 20-12, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, vào ngày 1-6, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, vào ngày 24-4 và xã Tam Thanh , thành phố Tam Kỳ, thì vào ngày 1- 4.

Theo truyền thống, lễ hội cầu Ngư được diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm.(Ảnh: TL)

Theo truyền thống, lễ hội được diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành theo Lễ nghinh Ông; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, diễn ra trong ngày thứ ba và có sự đan xen trong thời gian hành lễ của ngày đầu tiên và thứ hai. Nghi thức Lễ nghinh Ông còn gọi là nghinh thần, có nơi thực hiện lễ nghinh ông cả dưới biển lẫn trên bờ còn gọi là nghinh thủy lục. Thông thường lễ hội nghinh Ông có lễ rước và lễ tế truyền thống.  Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con nghênh đón. Cùng với thuyền  rước Thuỷ tướng, có nhiều ghe lớn nhỏ tháp tùng ra biển. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước Ông về lăng.

Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông. Lễ chánh tế được tiến hành vào lúc nửa đêm ngày thứ hai bước sang sáng ngày thứ ba. Bắt đầu buổi Lễ cầu Ngư, vị chủ xướng tuyên bố khởi lễ. Sau phần giới thiệu là bài văn tế kể về quá trình hình thành vùng đất quê hương và ý nghĩa thiêng liêng của tục lệ cầu Ngư. Tất cả mọi người dự lễ đều thành kính dâng trọn niềm tin sâu sắc và lòng biết ơn đối với biển. Phần tế đủ nghi thức lễ lục cúng, đọc văn tế ca ngợi công đức của thần, cầu xin cho thần ban cho vạn chài mùa bội thu, thuyền ra khơi xuôi chèo mát mái, khi trở về tôm cá đầy ghe. Phần tiếp theo là Lễ cúng, dâng lên bàn thờ mâm lễ vật gồm hoa quả, heo quay và một số món khác nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ loại hải sản nào. Khi vị chủ lễ lên chủ trì phần cúng thì có một vị cao niên, tinh thần minh mẫn, trí tuệ đọc bài văn cúng gồm có ba phần: mở đầu là cúng cá Ông, tiếp theo là Lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, những bậc tiền nhân có công lập nên làng xã và cuối cùng là cúng âm linh cô bác còn gọi là cô hồn, âm hồn. Nội dung văn tế cô hồn biểu hiện sự thương yêu cho những kẻ bất hạnh và lòng nhân ái của con người đối với những vong hồn người khốn khổ đã khuất. Lễ cúng kéo dài gần một giờ, sau đó là phần Hội cầu Ngư.

Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. (Ảnh: TL)

Trong Lễ hội cầu Ngư, nếu phần Lễ diễn ra long trọng, trang nghiêm, thành kính thì phần Hội lại diễn ra vui vẻ, náo nhiệt và lôi cuốn rất nhiều người tham gia. Trong phần Hội cuốn hút nhất là màn diễn xướng dân gian hết sức độc đáo là hát múa bả trạo. Hát bả trạo ở Quảng Nam là một hình thức diễn xướng tập thể trên cạn.

Nội dung và ý nghĩa của những cuộc diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam đều xoay quanh việc ca ngợi và bày tỏ niềm tiếc thương đối với cá Ông. Lòng thành kính đối với cá Ông được thể hiện rõ nét trên khuôn mặt của những người tham gia diễn xướng. Tất cả họ đều nghiêm trang, nhịp nhàng chèo chiếc thuyền linh thiêng, đưa cá Ông về miền cực lạc. Ngoài nghi thức dân gian đối với cá Ông ra, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, đối với đại dương bao la mênh mông sóng nước, cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hòa, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp.

Trong Lễ hội cầu Ngư, hoạt động được nhiều người chờ đợi là giải đua thuyền truyền thống được tổ chức hằng năm dành cho ngư dân các xã miền biển Quảng Nam. Ngày 1-4, ngay từ sáng tinh mơ, khi biển cả còn như một chảo sữa khổng lồ đầy ắp sương mù thì từng đoàn người, ghe ở địa phương và cả các xã lân cận như Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng của thành phố Tam Kỳ, Bình Nam, Bình Hải ở Thăng Bình đổ về cảng cá Tam Giang, huyện Núi Thành để cùng hòa chung niềm vui của không khí lễ hội truyền thống miền biển.

(Ảnh: TL)

Sau tiếng pháo hiệu, từ điểm xuất phát, những chiếc thuyền đua vun vút lao về phía trước. Từng nhịp dầm đều đặn trong tiếng hô nhịp nhàng và không thiếu sự mạnh mẽ. Trước đó, từ ngày 29 đến 31-3, người dân của 4 xã vùng biển huyện Thăng Bình cũng hòa mình vào không khí tưng bừng trong lễ hội. 

Lễ hội cầu Ngư là nghi lễ không thể thiếu của cư dân dọc vùng ven biển trước những vụ ra khơi. Lễ hội truyền thống hằng năm luôn được duy trì từ đời này sang đời khác, để người dân được dịp sống trong bầu không khí của giá trị văn hóa miền biển có từ lâu đời. Rào rạt sóng vỗ từ sông Hoài, Trường Giang hướng ra biển cả, những lão Ngư cùng những ngư dân trẻ mang theo câu hò bả trạo ra khơi. Biển trong giấc mơ của sóng có những lời nguyện cầu bình yên, được mùa tôm cá. Biển với những làng nghề cá không chỉ là nơi trú ngụ, chở che cho những cư dân quen ăn sóng nói gió mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá độc đáo của cư dân miền biển Quảng Nam.

Huỳnh Phước Tiên

Top