Làng nghề thêu ren Thắng Lợi

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô, huyện Thường Tín là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc, vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện. Người thợ thêu trong làng luôn tự hào rằng vùng Thắng Lợi, Quất Động là cái nôi của nghề thêu.

Theo các nghệ nhân cao niên ở đây, nghề thêu ren đã xuất hiện ở Thắng Lợi từ giữa thế kỷ XV (đời Vua Lê Thánh Tông). Cũng như làng thêu Quất Động, ông Tổ của làng nghề thêu Thắng Lợi cũng là Lê Công Hành (1606 - 1661) tên thật là Trần Quốc Khái, một viên quan thượng thư Triều Lê (thế kỷ XVII) vì có công với Vua nên được ban Quốc tính họ Lê. Năm 1646, sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, ông được Vua Lê Thái Tổ cử làm người dẫn đầu sứ đoàn sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống rất đặc sắc của Trung Hoa. Khi về nước, ông đã đem những kiến thức mình học được dạy cho nhân dân Thắng Lợi, Quất Động và một số làng khác như Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương, Đào Xá,… về cách làm lọng, thêu thùa, pha từng đường kim mũi chỉ theo cách của người Bắc Kinh. Bắt đầu từ đây, nghề thêu trở nên phổ biến hơn, phát triển hơn và trở thành nghề của cả một làng, một vùng rộng lớn. 

Sản phẩm thêu của làng nghề thêu ren Thắng Lợi

Ban đầu, làng Thắng Lợi thêu chủ yếu phục vụ cung đình và các nhà quyền quý, đền chùa và phường tuồng. Khi đó, kỹ thuật thêu cũng đơn giản, dùng năm màu chỉ: vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ, chủ yếu là câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu càng tinh tế, khéo léo hơn với thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa như thêu long phụng, uyên ương hồ điệp... đã được đông đảo các tầng lớp quí tộc vua quan ưa chuộng. Không những thế, những bức tranh thêu còn theo chân các lái buôn sang biên giới các nước láng giềng như Lào, Thái Lan…

Kế thừa những tinh hoa của làng nghề truyền thống, hiện nay, các nghệ nhân của làng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, tàn lọng, cờ, biển, trướng, các loại trang phục sân khấu cổ truyền, đến những tác phẩm nghệ thuật, các bức thêu truyền thần và sáng tạo như: Chân dung Lênin trên diễn đàn, Nhà Bác Hồ ở Kim Liên, Chùa Một Cột, chân dung Bác Hồ…

Tranh thêu của làng nghề Thắng Lợi luôn mang một nét đặc trưng riêng. Để tạo nên một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: Vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hành thêu. Kỹ thuật thêu tay truyền thống bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn – sa hạt kép, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép và chăng chặn. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu. Bên cạnh các phẩm chất: cần cù, nhẫn nại, khéo léo, họ cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ cao. Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, họ phải tiến hành rất nhiều công đoạn: xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa. Công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng...  sao cho các sợi chỉ quyện vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc đài hoa, chiếc lá luôn đều đặn…

 

Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải cũng rất khó, vì vậy thợ thêu gần như phải đồng thời là thợ vẽ. Từ những mẫu vẽ của hoạ sỹ đã được chuyển giao đến một tâm hồn đồng cảm một nghệ nhân thêu. Cũng vì vậy, tranh thêu là một thứ ngôn ngữ, là nhịp cầu nối với người xem, bày tỏ những cảm xúc của nghệ nhân. Bằng những đường kim, mũi chỉ, nghệ nhân đã đưa vào bức tranh thêu đời sống nội tâm, những trăn trở đời thường đầy tính nhân văn, khiến bức tranh trở nên sinh động, có hồn như một thực thể biết nói.

Hiện nay, nghề thêu tranh đã có những bước đột phá mới với kỹ thuật tranh thêu hai mặt, được thể hiện trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm. Với kỹ thuật thêu mới này, để giữ được các chân chỉ, nghệ nhân phải hết sức tỷ mỷ, công phu, nên thời gian để hoàn tất bức tranh thêu hai mặt phải lâu gấp ba lần bức tranh thêu thông thường.

Nói về làng thêu Thắng Lợi, phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn không nguội tắt  tình yêu “vẽ tranh bằng chỉ”. Nghề làm tranh thêu đã chọn ông và ông vui với nghề, say với nghề. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thêu ren ở xã Thắng Lợi. Ông học nghề thêu từ lúc 10 tuổi để phụ giúp gia đình. Vài năm sau, ông được nhận vào làm cán bộ kỹ thuật HTX thêu Hợp Tiến. Ông luôn trăn trở về hướng đi cho nghề thêu quê nhà, đồng thời tích cực tìm tòi và đổi mới kĩ thuật thêu. Năm 1972, trong chuyến về thăm xã Thắng Lợi, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn rất thích những bức tranh thêu và động viên các nghệ nhân hãy thêu chân dung Bác. Ông được cử đi học thêm lớp hội họa để nâng cao kiến thức. Học xong, ông thêu bức tranh đầu tay về Bác Hồ. Để thêu được bức chân dung này, ông đã mất gần một năm trời ròng rã, đêm nằm ngủ cũng bị ám ảnh về từng nét trên khuôn mặt Bác. Có lúc thêu rồi lại tháo ra. Thêu đã khó, tháo càng khó hơn, bởi gỡ từng sợi chỉ là điều cực kì phức tạp. Ngày nay, có nhiều người thêu chân dung Bác Hồ nhưng không có nhiều người thành công. Những bức tranh thêu của ông Sự, đặc biệt là thêu chân dung luôn sống động, mềm mại tự nhiên và có sức hấp dẫn làm lay động lòng người.

Theo ông, thêu chân dung là khó nhất. Thêu chân dung là phải giữ được cái hồn, cái thần, hình khối. Riêng bức thêu “Nàng Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci, được đánh giá là đẹp đến kỳ diệu. Ông Sự đã dùng cả trăm màu chỉ và thêu trong gần 3 năm trời mới xong. Có người trả gần 300 triệu, nhưng ông Sự chưa bán. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm, cũng phải khâm phục trước kĩ thuật và khả năng bài trí tranh thuần thục, cân đối đến sắc nét của ông.

Ngoài làm nghề, ông Sự còn tham gia giảng dạy. Ngay từ năm 1975, ông được điều về Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế để dạy thêu. Giờ không còn đi xa giảng dạy, nhưng ông vẫn thường xuyên hướng dẫn cho những ai muốn đến học nghề. Nhiều học trò đã thành thợ nổi tiếng, hoặc chủ doanh nghiệp thêu có vị trí nhất định trong làng tranh thêu nước nhà. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng ông Nguyễn Quốc Sự vẫn cặm cụi bên khung thêu, cẩn thận kỹ lưỡng với từng đường kim mũi chỉ để cống hiến, sáng tạo ra những tác phẩm tranh thêu làm đẹp cho đời.

Để giữ lấy nghề truyền đời này, xã Thắng Lợi đã thành lập một câu lạc bộ thêu. Mỗi tháng câu lạc bộ mở hai lớp dạy nghề miễn phí do các nghệ nhân trong xã giảng dạy cho mọi đối tượng ở địa phương; mỗi lớp khoảng 50 người, phần đông là lớp trẻ. Việc làm này đã giúp những người có tình yêu với nghề thêu tiếp cận được với nghề một cách ngắn nhất để làm ra những sản phẩm có tiếng trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Trên nền vải, chỉ với vài nét phác thảo bằng phấn mờ, bằng đường kim mũi chỉ, kỹ thuật phối màu điêu luyện, người dân xã Thắng Lợi đã tạo ra những bức tranh đặc sắc, màu sắc hài hòa, đường nét tinh tế, sinh động như có hồn. Mỗi bức tranh thêu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và mang cả những thông điệp, những “câu chuyện” rất chân thật về cuộc sống và tình người nơi miền quê dân dã này.

Thu Hiền

Top