Hội thảo khoa học “Thiền phái Trúc Lâm đương đại”

(TGDS). Ngày 28-9-2018, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Trúc Lâm đương đại” với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, các vị giáo phẩm, tăng ni và những người quan tâm đến di sản văn hóa tôn giáo.

Với 8 tham luận được trình bày và một số ý kiến trao đổi, Hội thảo đã tập trung làm rõ vai trò của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử và hiện nay; những  đặc trưng của Thiền phái trong Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng; Thiền phái Trúc Lâm trong giai đoạn đương đại.

Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thiền Trúc Lâm Yên Tử là thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong việc tiếp nhận đạo Phật, một tôn giáo đến từ Ấn Độ, cũng như tiếp biến các thiền phái có nguồn gốc từ Trung Hoa, dung hợp về một mối thống nhất, kiện toàn về triết lý, tư tưởng, pháp hành cũng như nếp sống thiền môn, đúng chánh đạo đồng thời mang bản sắc Việt Nam rõ ràng và sâu sắc.

PGS.TS Đặng Văn Bài phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết, từ khi được hình thành, phát triển ở thời Trần và cả trong hiện tại, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử luôn là một trong những điểm tựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ chiến lược quan trọng là: Xây dựng và phát triển “không gian sinh tồn” - Lãnh thổ quốc gia từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái với những thành tựu nổi bật; tạo lập sức mạnh quật cường để một nước nhỏ, kinh tế chưa phát triển như Việt Nam có thể tiến hành liên tục nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bằng việc sáng tạo nghệ thuật quân sự có tên là “chiến tranh nhân dân” được cả thế giới thừa nhận và khâm phục; khả năng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại trên nền tảng cơ tầng văn hóa Đông Nam Á (Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây) để sáng tạo ra một nền văn hóa đa dạng trong sự thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, muốn bảo tồn lâu dài và phát huy các mặt giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, trước hết cần phải quan tâm bảo tồn không gian văn hóa - nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt Phật giáo, là ngôi chùa thờ Phật ở các làng quê Việt Nam. Bảo tồn giá trị văn hóa của ngôi chùa thờ Phật là vấn đề cấp bách đặt ra.

Kết luận Hội thảo, ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo đánh giá, Trần Nhân Tông đã lấy tinh hoa của 3 thiền phái, lập nên dòng tu mới, sau này gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Những triết lý của Thiền phái Trúc Lâm lan tỏa rộng khắp nhân gian; Ảnh hưởng của tư tưởng nhập thế đạo đời Thiền phái Trúc Lâm truyền lại là rất lớn.

                                                                                                          P.V

Top