Học và vận dụng phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục ở Bảo tàng Hồ Chí Minh

Phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh hình thành và phát triển song song với quá trình vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam, trên cơ sở kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa yêu nước, truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lê nin.

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục. Người coi đây là công cụ đắc lực tạo nên lực lượng hùng hậu cho cách mạng và góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người luôn là tấm gương tuyên truyền mẫu mực trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Mỗi phương pháp tuyên truyền Người sử dụng luôn phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng nhằm đạt được những yêu cầu cụ thể của cách mạng. Những bài học lý luận và thực tiễn về công tác tuyên truyền do Người đúc rút, nghiên cứu, xây dựng không những có giá trị to lớn trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn soi đường cho công tác tuyên truyền, giáo dục trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh hình thành và phát triển song song với quá trình vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam, trên cơ sở kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa yêu nước, truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lê nin. Đồng thời, phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ thực tiễn và thường xuyên được bổ sung từ chính hoạt động thực tiễn của Người. Ngược lại, từ hoạt động thực tiễn, Người đã đúc rút thành nhận thức, lý luận để tổ chức tuyên truyền phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng khác nhau. Phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh bao gồm một số nội dung cơ bản sau:

Du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Ảnh: Joerg Reichel.

Tuyên truyền phải phù hợp đối tượng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền phù hợp với đối tượng là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Để đạt được mục đích tuyên truyền, phải nắm chắc được đặc điểm và phân loại đối tượng tuyên truyền, có như vậy mới lựa chọn được chính xác phương pháp, tổ chức sử dụng đúng hình thức và phương tiện tuyên truyền. Đồng thời, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng. Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi “Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?…”1.  Không những thế, tuyên truyền phải phù hợp với đặc điểm tâm lý xã hội của đối tượng. Cán bộ tuyên truyền luôn phải đặt câu hỏi: “Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền bằng cách nào? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”2. Người tuyên truyền cũng đồng thời phải chỉ ra được nhiệm vụ cho đối tượng: Phải làm gì? Làm như thế nào?... để thực hiện mục tiêu tuyên truyền. Nếu trả lời được các câu hỏi đó là nội dung tuyên truyền phù hợp đối tượng.

Sử dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng có nhiều hình thức tuyên truyền “Có tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền bằng văn tự và tuyên truyền bằng hành động”3. Và Người đã sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, đa dạng các hình thức tuyên truyền này, ví dụ như: Trực tiếp lên lớp, diễn giảng bằng lời nói chuyện, kể chuyện, thảo luận... Tuyên truyền, giáo dục bằng ngôn ngữ như: viết truyện, viết tiểu phẩm, viết kịch, làm thơ... Hoặc bằng hình thức trực quan như: tranh cổ động, tranh biếm họa… Phong cách độc đáo này được thể hiện trong các tác phẩm kinh điển của Người. Trong phần đầu cuốn sách “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả…”

Nội dung tuyên truyền ngắn gọn nhưng sâu sắc, diễn đạt truyền cảm, dễ hiểu

Tính ngắn gọn nhưng sâu sắc là đặc điểm nổi bật trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh. Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền dù nói hay viết, đều phải đảm bảo ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc, rõ ràng, không có lời thừa, ý thừa, nội dung phải thiết thực và cô đọng, hàm súc. Mỗi từ, mỗi câu, mỗi ý đều nhằm một mục đích rõ ràng. Người lưu ý: “Nói nôm na để cho người ta dễ hiểu, hiểu để người ta làm được... Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ…”5. Để đạt được yêu cầu nội dung ngắn gọn nhưng súc tích, sâu sắc thì phải nắm chắc mục đích tuyên truyền, chuẩn bị nội dung chu đáo, chú ý sửa chữa bài viết để loại bỏ từ thừa, ý thừa...

Khi tuyên truyền dù bằng phương pháp, hình thức nào cũng cần diễn đạt giản dị, dễ hiểu, truyền cảm. Phải “Làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”6. Xuất phát từ quan điểm “Dân là gốc của tuyên truyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cách tuyên truyền phù hợp nhất, có hiệu quả nhất đối với quần chúng là nói theo cách nói của quần chúng, diễn đạt theo cách diễn đạt của quần chúng để cho ai cũng hiểu, ai cũng nhớ, ai cũng dễ làm theo. Người viết: “…Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng…”7 . Người tuyên truyền khi nói ra, viết ra mà “người xem không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích”8. Mặt khác, Người phê phán những căn bệnh của cán bộ làm công tác tuyên truyền khi nói và viết: Đó là “thói ba hoa” mà biểu hiện của bệnh đó là: dài dòng, rỗng tuếch; có thói “cầu kỳ”; khô khan...Những căn bệnh đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích sâu sắc: “…Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng...”9.

2. Bảo tàng Hồ Chí Minh có chức năng bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiên cứu và giáo dục khoa học thông qua hiện vật, di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn quán triệt học tập và vận dụng sáng tạo phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục, công chúng. Lời dạy của Người đối với ngành Bảo tàng “Trưng bày khéo, giải thích rõ”10 luôn được các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng thấm nhuần.

Tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh bằng đồng bên trong Bảo tàng - Ảnh: Keegan Govender .

Với phương châm lấy công chúng làm trung tâm, Bảo tàng Hồ Chí Minh thường xuyên tiến hành tổ chức hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau như hướng dẫn tham quan tổng quát, hướng dẫn tham quan chuyên sâu, chuyên đề hoặc hướng dẫn cho khách tham quan tự do tự khám phá, tự trải nghiệm v.v… Đồng thời, để theo kịp xu thế của các bảo tàng thế giới, Bảo tàng đã và đang triển khai các hình thức giáo dục ứng dụng công nghệ hiện đại như thuyết minh tự động Audioguide; phần mềm ứng dụng thuyết minh chạy trên nền ứng dụng điện thoại thông minh... để đại bộ phận công chúng đều có thể tự tiếp cận tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. Ngoài ra, Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và cử cán bộ khoa học tham gia hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức ở các ngành, các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Đặc biệt, Bảo tàng còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp cơ sở… Sản phẩm của các đề tài được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn, góp phần bổ sung, đính chính những tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm làm tốt hơn công tác tuyên truyền giáo dục về Người.

Để hướng tới nhiều đối tượng công chúng khác nhau, Bảo tàng đã tiến hành điều tra xã hội học, nghiên cứu nhu cầu của công chúng đến với bảo tàng để từ đó xây dựng các bài thuyết minh phù hợp theo từng đối tượng khách tham quan khác nhau như trong nước và quốc tế, thành phần xã hội, trình độ học vấn, lứa tuổi, nghề nghiệp... Đặc biệt đối với học sinh, sinh viên, công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục đã có sự sáng tạo, thay đổi hình thức giáo dục tuyên truyền như tổ chức không gian Khám phá, các chương trình giáo dục trải nghiệm “Không gian văn hóa Huế với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Không gian văn hóa xứ Nghệ”, “Trình diễn làm dép cao su Bác Hồ”… Đối với khách nước ngoài, cán bộ hướng dẫn tham quan trực tiếp giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những câu chuyện kể về Người, với lời giới thiệu giản dị, dễ hiểu phù hợp với đối tượng người nước ngoài bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung.

Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên, nhằm thỏa mãn được nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng công chúng khác nhau, đồng thời góp phần làm mới nội dung trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn thường xuyên tổ chức những cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động trong và ngoài bảo tàng; tổ chức xây dựng không gian văn hóa, dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài…; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tổ chức giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, hoạt động của Bảo tàng, về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của Bảo tàng; tổ chức biên soạn, xuất bản ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh…để lôi cuốn và thu hút công chúng tiềm năng, giúp cho công chúng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, để góp phần thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng các đề cương hướng dẫn tham quan học tập tư tưởng Hồ Chí Minh theo chuyên đề như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; Hồ Chí Minh và vấn đề xây dựng mặt trận đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân; Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng… Có thể nói, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã và đang góp phần rất quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam, phục vụ thiết thực vào chiến lược phát triển con người và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

TS Vũ Mạnh Hà

Top