Bảo vật quốc gia Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946

Trong số những bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận, tôi vô cùng ấn tượng với Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946, bởi số lượng đồ sộ (117 sắc lệnh, 207 tờ), bởi sự mong manh, nhạy cảm của chất liệu giấy, dẫu trải qua năm tháng với khí hậu nóng ẩm, chiến tranh sơ tán liên miên mà vẫn giữ được tính vẹn nguyên của tài liệu. Và, trên hết thảy, đó là giá trị lịch sử, văn hóa tư tưởng của nhóm bảo vật này đem lại, sau 72 năm, mới được đưa ra phục vụ công chúng. Sự kiện đã tạo nên mối quan tâm của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, khi có dịp đến phòng trưng bày quan sát, lắng nghe và trải nghiệm qua những tâm sự hồi cố, phẩm bình và ngợi ca của khách tham quan mọi lứa tuổi.

Tập Sắc lệnh là bản gốc duy nhất và được đánh máy, trong có bút tích của một số thành viên Chính phủ Lâm thời sửa chữa, bổ sung nội dung và đều có giá trị pháp lý.

Bảo vật Quốc gia Tập 118 sắc lệnh. Ảnh: Vietnamnet

Trên đầu, phía trái mỗi Sắc lệnh có ghi dòng chữ thể hiện Quốc hiệu của Việt Nam, cơ quan ban hành và số của Sắc lệnh. Phía cuối mỗi Sắc lệnh có chữ ký, là bút tích của người có thẩm quyền ban hành văn bản là thành viên Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngoài ra, ở một số văn bản, phía cuối mỗi Sắc lệnh có nhiều chữ ký của một số Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời (tiếp ký), thể hiện chế độ văn thư của nước ta trong giai đoạn này.

Trong số 117 Sắc lệnh, được ra đời từ 30-8-1945 đến 28-2-1946, có 88 Sắc lệnh ban hành năm 1945 và 29 Sắc lệnh ban hành năm 1946. Các Sắc lệnh ra đời ngay sau khi Chính phủ Lâm thời được thành lập đến khi có Chính phủ chính thức của nhân dân Việt Nam do Quốc hội khóa I cử ra và được Quốc hội công nhận tháng 3-1946.

Đây là tài liệu được ra đời trong quá trình hoạt động của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 và đầu năm 1946, nhằm kịp thời quản lý đất nước sau khi Chính phủ được thành lập, giải quyết những vấn đề đối nội, đối ngoại của đất nước, củng cố, xây dựng chính quyền nhà nước non trẻ.

Mỗi Sắc lệnh có chữ ký tươi của cá nhân người có thẩm quyền ban hành văn bản, một số sắc lệnh có bút tích sửa chữa nội dung, câu từ… của thành viên Chính phủ Lâm thời. Đặc biệt, có 86 Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, 25 Sắc lệnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký và 6 Sắc lệnh còn lại là bút tích sửa chữa và đánh máy, tên người ký là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, nhưng không có chữ ký, 43 Sắc lệnh được đóng dấu đỏ.

Nội dung Tập Sắc lệnh có giá trị đặc biệt, liên quan đến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, gắn liền với thành quả Cách mạng tháng 8 và sự thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Vietnamnet

Tập Sắc lệnh được đánh máy, trên nhiều văn bản, ở nhiều vị trí có viết tay để bổ sung, sửa chữa nội dung văn bản, sau khi đã đối chiếu với Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố năm 1945 và đầu năm 1946, thì ở trong các nội dung viết tay thêm vào đều được sử dụng và có giá trị pháp lý.

Một số văn bản có nhiều chữ ký, ngoài chữ ký của người có thẩm quyền ban hành văn bản còn có chữ ký của những người đứng đầu, chịu trách nhiệm của các lĩnh vực liên quan (tiếp ký), chứng tỏ chế độ văn thư, hành chính lúc bấy giờ của Chính phủ ta rất độc đáo.

Tập Sắc lệnh trên đây có nhiều kích cỡ khác nhau 21 x 21,5 cm; 21 x 16 cm; 21 x 18 cm; chủ yếu là cỡ 21 x 27 cm. Đây là tập Sắc lệnh gắn liền với thành quả của Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập, hoạt động của Chính phủ Lâm thời năm 1945 – 1946, đối với quá trình xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước, chuẩn bị, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội Việt Nam năm 1946 và sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên của nhân dân Việt Nam, giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại.

Việc ban hành những Sắc lệnh trên đây là công cụ lãnh đạo nhân dân, thực hiện các biện pháp, quyết sách để từng bước vừa xây dựng, vừa củng cố chính quyền nhà nước. Sắc lệnh ấn định thời hạn và thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, về việc ấn định ngày bầu cử và thể lệ bầu cử Quốc hội, Sắc lệnh về việc thành lập một Ủy ban Dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà… là những mệnh lệnh hết sức kịp thời, khẩn trương góp phần quan trọng vào việc củng cố, xây dựng chính quyền nhà nước, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám.

Để từng bước xác lập và ổn định kinh tế của chế độ mới, giải quyết nạn đói, Chính phủ Lâm thời đã ban hành Sắc lệnh về việc lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, về việc ấn định trưng dụng bất động sản, trưng dụng và trưng thu động sản, trưng tập người, đặt một số cơ quan kinh tế dưới quyền điều khiển trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, về chế độ thuế khóa.

Các sắc lệnh nhằm củng cố chính quyền cách mạng, thể hiện chủ trương, chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, xã hội... Ảnh: Vietnamnet

Về văn hóa giáo dục, để diệt giặc dốt, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, Chính phủ Lâm thời đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, mở các lớp bình dân học vụ vào buổi tối cho nông dân, thợ thuyền, về việc bắt buộc học chữ quốc ngữ…

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn, xã hội, Chính phủ Lâm thời ban hành nhiều Sắc lệnh quan trọng như Sắc lệnh thiết quân luật ở Hà Nội, Sắc lệnh về việc giải tán Việt Nam Hưng quốc thanh niên Hội và Việt Nam thanh niên ái quốc Hội v.v.

Có thể khẳng định rằng, Chính phủ Lâm thời đã ban hành nhiều Sắc lệnh nhằm lãnh đạo nhân dân thực hiện các chính sách liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước ổn định và xác lập quan hệ xã hội của chế độ mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặt nền tảng, cơ sở xã hội của chúng ta ngày nay.

Sắc lệnh là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của các tập thể thành viên Chính phủ, đặc biệt là sự thể hiện vai trò lãnh đạo vô cùng tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách, khó khăn trong giai đoạn đầu của đất nước Việt Nam mới.

72 năm đã qua, tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị, là bài học vô cùng có ý nghĩa cho những quyết sách mang tầm tư tưởng, nhưng cũng hết sức thực tiễn trước những thử thách lớn lao của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà trong bối cảnh hôm nay, nền hành chính chúng ta vẫn rất cần học tập.

TS Phạm Quốc Quân

Top