Hoàng Trù - Nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hoàng Trù, yên ả, bình dị như bao làng quê thân thuộc của Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đằng sau cách cổng tre rộng mở, lối đi giữa hai bờ mạn hảo, qua luống rau xanh là thấp thoáng 3 ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, được tọa lạc trong khu vườn rộng 7 sào Trung Bộ, đó chính là cụm Di tích Hoàng Trù (nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) một địa danh đã đi vào ký ức của hàng triệu triệu trái tim nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

Nói tới di tích Hoàng Trù, đầu tiên phải kể đến đó là  di tích ngôi nhà tranh 5 gian của cụ Hoàng Xuân Đường và bà Nguyễn Thị Kép, đó là chủ nhân đầu tiên để khởi dựng các di tích còn lại.

Cụ Hoàng Xuân Đường được sinh ra trong một gia đình nho học có cha là Hoàng Xuân Cẩn đậu 3 khoa tú tài, do vậy cụ được tôi luyện trong cái nôi Hán học. Sinh thời Hoàng  Đường là một nho sinh điềm đạm, thông minh. Theo tập tục chàng được kết duyên cùng Nguyễn Thị Kép con gái cụ Tú Nguyễn Văn Giáp, người làng Kẻ Sía (nay là Hưng Đạo, Hưng Nguyên) Nguyễn Thị Kép là một thôn nữ được sinh ra trong một gia đình nho phong trọng đại. Mối tình đẹp đẽ này đã sinh ra được 2 người con gái. Con gái đầu lòng là Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh năm 1868, đến năm 1877 thì sinh được người con gái thứ hai là Hoàng Thị An.

Trong lần chúc Tết đầu xuân 1878 ở làng Sen cụ đã bắt gặp cậu bé mồ côi Nguyễn Sinh Sắc và đưa về nuôi cho ăn học. Lại nói sinh thời Nguyễn Sinh Sắc là con cụ Nguyễn Sinh Nhậm và bà Hà Thị Hy . Lên 4 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Thuyết rất vất vả nên hạn chế về con đường ăn học.

Được gặp cụ Hoàng Đường là cuộc gặp định mệnh, tạo ra bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời của Nguyễn Sinh Sắc sau này, bởi vì từ đây Nguyễn Sinh Sắc được cụ Hoàng Đường tạo điều kiện học hành ngay trong lớp dạy của mình tại gia đình. Với sự thông minh sẵn có Nguyễn Sinh Sắc học tập ngày càng tiến bộ, qua vài năm học tập vốn hiểu biết của cậu ngày càng phong phú, có thể xướng họa, bình văn với các học trò giỏi lớp trước, với sự nhạy cảm của mình, cụ Hoàng Đường đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của cậu con nuôi. Sau đó lượng thấy sức mình có hạn, cụ đã gửi Nguyễn Sinh Sắc theo học với thầy Nguyễn Thức Tự một thầy giáo nổi tiếng ở Thịnh Trường, Nghi Lộc. Tại đây, tài năng của Nguyễn Sinh Sắc đã được thăng hoa có thể đi thi thố với các nho sinh đương thời và được gia đình cụ Hoàng Xuân Đường hết sức tin tưởng.

Trở về cuộc sống trong gia đình Nguyễn Sinh Sắc hết sức lễ phép kính trọng mọi người trong gia đình và bà con lối xóm. Như vậy cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép đã vượt qua rất nhiều ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến lúc bấy giờ gả con gái yêu của mình là Hoàng Thị Loan và cắt đất trong vườn dựng lên ngôi nhà gỗ 3 gian để tạo lập cuộc sống cho Nguyễn Sinh Sắc (1883).

Trong ngôi nhà nhỏ này, được sự âu yếm, giúp đỡ của Hoàng Thị Loan, sự kèm cặp chỉ bảo của cụ Hoàng Xuân Đường, Nguyễn Sinh Sắc miệt mài học tập để đặng báo đáp công ơn của cụ Hoàng Đường và cụ bà Nguyễn Thị Kép.

Năm 1885, được sự động viên của gia đình Nguyễn Sinh Sắc dự kỳ thi Hội khoa Ất Mùi, nhưng không đậu và từ đây bước vào một chặng đường gian khổ học tập ở Huế.

Trong ngôi nhà 3 gian này Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan sống cuộc sống đầm ấm hạnh phúc và họ đã sinh được 3 người con yêu nước đó là:

Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1884);

Nguyễn Sinh Khiêm (sinh năm 1888;)

Và sáng ngày 19-5-1890 Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cất tiếng khóc chào đời tại đây.

Thuở nhỏ Nguyễn Sinh Cung và các anh chị của Người đã được sống trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ, được đắm mình trong những câu ca dao, trong những điệu hò Ví Giặm của mẹ, của dì.

Trong khu vườn này còn có ngôi nhà thờ chi họ Hoàng Xuân do chính cụ Hoàng Đường lập ra để thờ các bậc tiền bối đó là cố nội Hoàng Xuân Mượu, ông nội Hoàng Xuân Lý và thân phụ Hoàng Xuân Cẩn. Nhà thờ được hoàn thành vào năm “Tự Đức tam thập tứ niên chi tuế tạo hoàn” (Hoàn thành vào năm Tự Đức thứ 34-1882).

Trên đôi quyết của Nhà thờ có đôi câu đối nói đến nguồn gốc và uy danh của dòng họ:

“Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ

Chung cự hùng thanh chấn ức niên”

Nghĩa là:

Hoàng Vân khí tốt truyền từ ngàn xưa lại.

Chung Cự tiếng hùng vọng đến vạn năm  sau

Thuở ấu thơ sống ở làng Chùa (1895-1995) và thời niên thiếu sống ở làng Sen (1901-1906) cậu Nguyễn Sinh Cung thường theo cha đến đây tưởng niệm các bậc tiên tổ.

Cụm Di tích Hoàng Trù còn được chứng kiến sự kiện quan trọng là sáng ngày 9-12-1961, sau hơn 50 năm trời xa cách quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm lại nơi sinh của mình.

Người đã vào nhà thờ thắp hương tưởng niệm các bậc tiên tổ bên ngoại, thăm ngôi nhà của ông bà ngoại, ngôi nhà nơi mình sinh ra, thăm lại từng kỷ vật xưa, với tình cảm xúc động. Người đã thân mật trò chuyện với bà con Hoàng Trù, với tình cảm của một người con lâu ngày về thăm quê hương.

Như vậy chúng ta đã có thể khẳng định rằng: Cuộc đời của cụ Hoàng Đường đã đi vào lịch sử với niềm vinh quang là người đã có công phát hiện, ươm trồng tài năng cho Nguyễn Sinh Sắc, xe duyên cho mối tình cao đẹp  đã sinh ra một vĩ nhân bậc nhất - Hồ Chí Minh. Nếu không có cụ Hoàng Đường và cụ  bà Nguyễn Thị Kép thì sẽ không có Nguyễn Sinh Sắc Phó bảng và không có Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất yêu quý của chúng ta.

ThS Mai Xuân Tỵ

 

 

Top