Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc lập

Dinh Độc Lập trước kia còn có tên gọi là Dinh NORODOM, từ tháng 11-1976 được mang tên Dinh Thống Nhất. Dinh Độc Lập ở số 106 Nguyễn Du, quận I thành phố Hồ Chí Minh. Khuôn viên của Dinh hiện nay có diện tích 18 ha. Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 77A- VHQĐ ngày 25-6-1976. Ngày 12-8-2009 Dinh được tôn vinh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Dinh Độc Lập có quá trình hình thành lâu dài với nhiều sự kiện có liên quan tới cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam kể từ khi người Pháp xây dựng Dinh năm 1868 cho đến ngày nay. Sau hơn 3 năm xây dựng, năm 1871 Dinh được khánh thành và chính quyền thực dân Pháp gọi là Dinh NORODOM. Từ đó đến năm 1945 Dinh là nơi ở của nhiều đời toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Tháng 3-1945 phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, Dinh là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng từ tháng 9-1945 Nhật thất bại, Dinh lại trở thành trụ sở làm việc của bộ máy xâm lược Pháp trong suốt 9 năm đến 1954.

Từ tháng 9 - 1954 chính quyền Pháp trao trả Dinh NORODOM cho chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ và Dinh được đổi tên là Dinh Độc Lập. Dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh Độc Lập đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ chính quyền Sài Gòn theo ý đồ của Mỹ. Tháng 2-1962 quân đảo chính đã ném bom Dinh Độc Lập, không thể sửa chữa và khôi phục lại được cho nên Ngô Đình Diệm quyết định san bằng toàn bộ Dinh cũ và xây dựng lại Dinh mới trên nền đất cũ và vẫn lấy tên là Dinh Độc Lập. Dinh mới được khánh thành ngày 31-10-1966 và tồn tại đến ngày nay.

Tác giả thiết kế Dinh là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, ông vừa là người thiết kế, đồng thời là kiến trúc sư trưởng theo dõi xây dựng công trình.

Được xây dựng dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Dinh có kiến trúc đặc thù riêng. Ngô Đình Diệm có ý định xây dựng một phủ Tổng thống lớn, tráng lệ vào bậc nhất Đông Nam Á, vừa là một dinh thự, đồng thời là nơi ở và làm việc, tiếp khách và là một công trình phòng thủ kiên cố  bảo vệ cho chế độ của mình. Về mặt kiến trúc, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thể hiện tài năng của mình muốn thiết kế một dinh thự cho một Nguyên thủ quốc gia kết hợp kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Đông.

Nằm trong khuôn viên rộng, Dinh Độc Lập có chiều cao 26 mét, có thể chịu được bom 4 tấn (ngày 28-4-1975 Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung ném hai quả bom vào đúng vị trí 2 cầu thang cho nên chỉ làm sập hai cầu thang này). Diện tích mặt bằng của Dinh rộng 4.500m2 với 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và một tầng hầm. Toàn bộ diện tích các tầng của Dinh thự khoảng 20.000m2 với gần 100 phòng. Mỗi tầng và mỗi phòng của dinh thự đều có kiến trúc, cũng như cách trang trí riêng phù hợp với mục đích sử dụng, đồng thời phù hợp với tổng thể kiến trúc của toàn dinh thự.

Năm 1954, khi tiếp nhận dinh thự này, chính Ngô Đình Diệm đã nói: Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng giữ một vai trò trong buổi lễ tiếp nhận này, tôi sẽ sống trong ngôi nhà cổ kính này, tôi cũng tự coi mình như một người được sự ủy nhiệm của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên Ngô Đình Diệm đã sử dụng dinh thự này như là một pháo đài bảo vệ cho chế độ độc tài phát xít chống lại nhân dân Việt Nam. Dưới sự bảo trợ của đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành nhiều chính sách cực kỳ phản động: Luật 10/59 với việc lập tòa án quân sự đặc biệt có quyền xử án tại chỗ và công khai những người bị nghi là “cộng sản”. Hàng nghìn người yêu nước bị giết hại; Chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược, chính sách bình định nông thôn…làm cho cả miền Nam trở thành một trại tập trung khổng lồ.

Dinh Độc Lập đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính liên tiếp. Sau khi Dinh bị quân đảo chính ném bom ngày 27-2-1962, gia đình Ngô Đình Diệm phải rời sang Dinh Gia Long để thiết kế và xây dựng lại Dinh, đồng thời cho xây dựng hệ thống hầm để tránh bom. Nhưng trong quá trình tái thiết Dinh Độc Lập, Mỹ đã tiến hành cuộc đảo chính loại gia đình Ngô Đình Diệm. Ngày 2-11-1963 Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết, gia đình Diệm, Nhu không được ở trong dinh thự mới này.

Phòng tiếp khách trong nước của Tổng thống Việt Nam cộng hòa thời đó.

Ảnh: TL

Ngày 31-10-1966 Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ là những người may mắn được chủ tọa buổi lễ khánh thành Dinh Độc Lập mới. Từ cuối năm 1967 Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã đến ở tại dinh thự này.

Thời kỳ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền và chiếm Dinh Độc Lập là thời kỳ đế quốc Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh đặc biệt và tiến hành thực hiện chiến lược chiến tranh mới- “chiến tranh cục bộ”. Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục dựa vào Mỹ, chính quyền Sài Gòn tiếp tục làm công cụ cho các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Hơn nửa triệu quân viễn chinh và quân chư hầu, quân ngụy ồ ạt mở hàng loạt cuộc phản công lớn hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường, hoàn tất chương trình bình định, đồng thời Mỹ đã dùng không quân và hải quân chống nước VNDCCH hòng làm suy yếu miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến lớn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Sau đó, năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, rút quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng với chiến lược phi Mỹ hóa chiến tranh, Mỹ đã sử dụng quân ngụy Sài Gòn như là xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến hành phá hoại Hiệp định Pari, xóa bỏ vùng giải phóng.

Mùa xuân năm 1975, trận đánh quyết chiến chiến lược bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, phát triển mạnh mẽ sang Chiến dịch Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam Đà Nẵng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc tổng công kích của quân giải phóng phối hợp với sự nổi dậy của nhân dân thành phố Sài Gòn đã tấn công Dinh Độc Lập. Giờ phút đánh chiếm Dinh Độc Lập cũng là giờ phút kết thúc thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh và gải phóng hoàn toàn miền Nam. Dinh Độc Lập trở thành nơi hội tụ của chiến thắng. Tại đây, ngày 30-4-1975 Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền ngụy Sài Gòn bị bắt sống và buộc phải đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ do đế quốc Mỹ dựng nên nhằm phục vụ cho chiến lược làm bá chủ toàn cầu của Mỹ.

Chính vì vậy Dinh Độc Lập là một địa điểm không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn có ý nghĩa quốc tế. Nó là một dấu tích về một bộ máy chiến tranh thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, dấu tích về sự thất bại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Dinh Độc Lập vốn là một công trình của nhân dân, từ đó mới thật sự được sử dụng vì lợi ích của nhân dân. Ngày 15-11-1975 tại Dinh thự này đã diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại- đó là Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Nam- Bắc để bàn về vấn đề thực hiện thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước. Và cũng từ đó Dinh được gọi là Dinh Thống Nhất.

Ngoài các công trình kiến trúc, trong khu vực Dinh còn có khu vườn rộng với hơn 60 loài cây, trong đó có các loại gỗ quý như Cẩm lai, Giáng hương, Gõ (đỏ và trắng), Dầu sao… Ngoài các điểm di tích, phía cổng chính vào Dinh còn có đường Thống Nhất (sau đổi thành đường 30/4, nay là đường Lê Duẩn), nơi có trưng bày chiếc xe tăng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Dinh Độc Lập trực thuộc Văn phòng Chính phủ nhiều năm nay vừa phát huy tác dụng một di tích lịch sử- văn hóa, tổ chức đón khách trong nước và quốc tế tham quan; Đồng thời là nơi đón tiếp các đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước ở phía Nam Tổ quốc, nơi tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế và trong nước. Từ khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Dinh Độc Lập vốn đã là nơi thu hút rất đông khách tham quan trong nước và quốc tế, nay càng được quan tâm hơn. Hy vọng rằng, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích với những phương pháp mới hiện đại, nhưng phù hợp với nội dung và ý nghĩa của Dinh sẽ làm cho nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa- lịch sử xứng tầm quốc gia.

TS Nguyễn Thị Tình

 

 

Top