Hổ Quyền và bi kịch của Cọp trong đấu trường độc đáo thời Nguyễn
Ông Hổ - Ông Thiêng miền rừng núi: Chúa Sơn lâm
Từ ảnh hưởng chi phối của thuyết Vạn vật hữu linh, con người thường thiêng hóa những niềm yêu thương trân quí hay ngược lại, cả nỗi sợ hãi kiêng dè, để thăng hoa giá trị và giảm thiểu những điều không hay. Gắn liền với từng không gian sinh tồn, người Việt đã định hình nên nhiều đức Ông đầy tôn kính như Ông Thiêng/Tý ở vùng đồng bằng, Ông Thiêng/Ba Mươi (Cọp) ở vùng sơn lâm, Cá Ông (Cá Voi) ở vùng biển và Ông Quan Công - biểu trưng cho lòng trượng nghĩa, xả thân vì nước, được tịch nhập, tích hợp từ văn hóa phương Bắc.
Hổ Quyền ở Huế đầu thế kỷ XX (Delcampe.net).
Trên dải đất phía Nam Hoành Sơn, uy lực Bà Mẹ Xứ Sở bao trùm từ núi đến biển, quản hạt cả lãnh thổ lẫn lãnh hải, khác hẳn Ông Thành hoàng ở Bắc Bộ. Miền rừng núi nổi danh chúa sơn lâm với Ông Thiêng - Hổ, nên cạnh miếu Bà thường có am Ông Hổ, và Ông Hổ cũng thường xuất hiện trên bình phong của miếu Bà. Từ đây, cũng xuất hiện dạng thức Hổ phù mang nhiều giá trị đặc trưng trong điêu khắc trang trí Huế, nhất là trong giá trị mỹ thuật, khía cạnh thể hiện quyền uy, trấn trị cũng như giải trừ những điều tai ách. Từ uy lực bao trùm đó, thậm chí trong đời sống dân gian vùng trung du và miền núi, phổ biến phương thức người lớn thường mang Ông Hổ ra dọa trẻ con những lúc khóc quấy.
Ông Hổ trong đời sống dân gian Việt Nam
Ông Hổ được đứng vào hàng 12 con giáp với bản lâm. Trong đời sống dân gian Việt Nam, tiền nhân đã rất tinh tế khi bổ sung bên cạnh Ông Hổ một vị Tiểu hổ là Mèo/Mão đầy uyển chuyển và hiệu quả. Sự bổ sung hình tượng và tính cách Mèo để khắc chế tính chất “cứng” của Hổ, thành cặp đứng sát nhau, từ Dần/Hổ đến Mão/Mèo, đặc biệt Mèo là hắc tinh của Tý/Chuột để bảo vệ mùa màng cho người nông dân, vốn là vấn đề trọng tâm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Không chỉ có vậy, dù không được đứng vào hàng 12 con giáp nhưng dân gian Việt Nam cũng rất tinh tế khi nhấn mạnh tạo hóa đã khéo sắp đặt hài hòa giữa hai linh vật nổi tiếng cương nhu này một loài trung gian rất độc đáo: Con Báo/Beo, hội tụ đủ những sở trường tối ưu, kể cả chuyện leo cây.
Hổ dũng mãnh nên dân gian kinh sợ, thờ cúng và Triều đình Nguyễn thường ban bố lệ khuyến khích săn bắt diệt trừ nạn hổ. Đặc biệt dân làng Phù Bài ở Huế và làng Thủy Ba ở Quảng Trị nổi tiếng tài săn bắt hổ, được phiên chế vào vệ Võng Thành đặc trách nhiệm vụ độc đáo này, với nhiều điển lệ rất chi tiết, mà có khi lực lượng lên đến hơn 500 người. Ở làng Tiên Cảnh (Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn lưu truyền nhiều di vật, truyền tích độc đáo về nghề vây cọp nổi tiếng khắp xứ Tiên của đất Quảng xưa nay.
Cội nguồn cuộc chiến Voi - Hổ ở Hổ Quyền
Chính nhờ có sức mạnh đặc biệt của chúa sơn lâm như vậy mà các chúa Nguyễn đã chọn hổ làm đối trọng cho một cuộc đấu không cân sức nhằm tôn vinh voi gắn liền với sứ mệnh nhấn mạnh vai trò to lớn của tượng binh trong các chiến thắng quân sự suốt thời Đàng Trong - thời Nguyễn, từ cội nguồn mối quan hệ giao hảo tận thời Lê Trung hưng ở vùng Cửu Châu ky my của Lào, thông qua ải Ai Lao (Cửa khẩu Lao Bảo ngày nay).
Tượng binh có vai trò đặc biệt trong quân đội thời Nguyễn và trong chiến trận, từng được thiêng hóa, điển chế hóa, nhân hóa thành những chiến sỹ anh hùng quả cảm, hy sinh anh dũng để chiến đấu, cứu nguy đồng đội qua bao câu chuyện cảm động, cụ thể như động tác “ré” lên trước khi gục ngã. Đến thời Gia Long, Triều đình cho xây dựng nên miếu Long Châu (dân gian gọi điện Voi Ré, nằm sát Hổ Quyền) để thờ 15 vị thiên thần, nhân thần trong cõi có sứ mệnh bảo an cho vương triều và đặc biệt là thờ 4 thần vị voi đại tướng quân có chiến công hiển hách là (1). Hùng Tượng Ré/Rí/Lý thần vị, (2). Tứ phong vi Đô Đốc Hùng Tượng Bích thần vị, (3). Tứ phong vi Đô Đốc Hùng Tượng Nhị thần vị và (4). Tứ phong vi Đô Đốc Hùng Tượng Bôn thần vị (Nguyễn Đình Hòe, BAVH, số 1/1914, Lê Đình Hùng dịch). Lệ định tháng 5/Canh Thìn (1820) chuẩn cấp cho Tượng quân mỗi năm được 100 quan tiền để các thờ thần ở miếu Long Châu, hằng năm cứ đến tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 11 thì chọn ngày tốt để tế (Thực lục, II, tr. 68).
Từ sự trọng thị đặc biệt đó đối với voi mà nhà Nguyễn đã có cách hành xử thiên lệch với vị chúa sơn lâm thông qua một cuộc đấu không cân sức giữa voi và hổ: voi to lớn lại no đủ, có nài điều khiển trong khi hổ bị nhịn đói và cắt hết móng vuốt. Chiến cuộc này diễn ra ở ba đấu trường rất đặc biệt là trên cồn Dã Viên thời Chúa Nguyễn, trước Kinh thành và ở Hổ Quyền thời Nguyễn.
Trong một trận đấu voi - hổ ở phía trước Kinh thành Huế hồi tháng 5/Kỷ Sửu (1829), Vua Minh Mệnh ngự thuyền sông Hương để xem. Lúc Thị lang Vũ khố Hồ Hữu Thẩm sai tượng dịch buộc cọp để thử voi nhưng do dây lỏng nên hổ sổng ra, chạy gần đến thuyền Vua, binh lính đón đánh chết ngay. Vua xuống dụ nghiêm trách vị Thị lang phải tội cách lưu. Do vậy mà tháng Giêng/Canh Dần (1830), Vua Minh Mệnh cho xây đắp Hổ quyền ở gò Long Thọ, trở thành một đấu trường độc đáo xưa nay (Thực lục, II, tr. 854; III, tr. 10). Đầu thế kỷ XX, con đường Bùi Thị Xuân hiện nay, được đặt tên Rue des Arènes (đường Hổ Quyền/đấu trường).
Pierre Poivre đến Huế đầu năm 1750 đã chứng kiến một trận đấu giữa hổ và voi trên cồn Dã Viên. Người ta cho lội qua sông 40 con voi đồ sộ cùng lính tráng nghi vệ đứng thành hàng bao quanh và những con cọp ở phía đối diện. Sau khi Nhà vua phát lệnh, một con cọp được thả ra khỏi chuồng, đáng thương vì bị nhốt lâu ngày, cắt hết móng vuốt, may miệng và còn bị buộc chặt vào cột với sợi dây thừng dài. Con voi tách ra khỏi hàng, bước chậm đến gần cọp, nó cuốn vòi sợ bị chụp và dùng cặp ngà xốc nâng con cọp, quay lên cao cho đến khi cọp chết. Thậm chí trong một ngày, đàn voi từng hạ tới 18 con cọp như vậy (Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine).
Souvenir de Hue của Michel Đuc Chaigneau (VICAS Huế, Nxb. Thuận Hóa, 2016) cũng mô tả câu chuyện này thời Gia Long với sự sinh động, chi tiết hơn, nhất là những tình huống sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Khi quản tượng thúc voi đến lùm cây, cọp nằm im, ẩn mình vì sức lực yếu đi. Cọp lo sợ nhìn voi, voi đưa ngà hất văng cọp, quản tượng ngăn lại và chỉ trong chớp mắt, cọp lại đứng lên, thu hết tàn lực với cú nhảy chộp lấy vòi voi, voi hoảng sợ tột cùng, rống to kinh hoàng, tìm cách hất cọp ra xa do bị mất móng vuốt và cọp nhanh chóng bị hạ. Thời Gia Long có một sự kiện bi thảm khi cọp nhanh như chớp bay vọt lên cao, đánh mạnh vào thái dương, làm quản tượng bất tỉnh, ngã vật xuống và voi bỏ chạy, lùi lại, dẫm chết ông. Khi con voi thứ hai lâm trận, với nỗ lực tột cùng, cọp bứt đứt dây, làm đám đông hỗn loạn vì sợ, buộc quan quân phải kết liễu nó bởi một rừng lao.
Hổ Quyền: giá trị một di sản độc đáo
Ông Hổ là chúa sơn lâm, có ảnh hưởng rất đậm nét trong đời sống tín ngưỡng dân gian miền Trung nhưng lại rất khiêm tốn trong điển chế thời Nguyễn. Từ vai trò đặc biệt của voi gắn liền Tượng binh hùng hậu từng đem lại những chiến thắng quyết định nhờ vào cội nguồn hữu nghị quốc tế với Ai Lao mà Triều đình Nguyễn đã có nhiều điển chế vinh danh độc đáo, tiêu biểu là việc xây dựng miếu Long Châu (điện Voi Ré). Thậm chí về sau Triều đình còn xây dựng nên Hổ Quyền là một đấu trường độc đáo xưa nay nhưng tên gọi đó chỉ trên danh nghĩa, như tạo đối xứng với Voi Ré mà thôi bởi đó là mồ chôn hổ, chỉ để vinh danh voi. Trong tương quan tiệm cận với tính chất văn hóa Đông Nam Á, nhà Nguyễn đã lựa chọn voi để biểu tượng hóa từ lực lượng tượng binh với cặp đôi di sản Voi Ré - Hổ Quyền độc đáo. Việc dữ liệu hóa, số hóa để tái hiện câu chuyện Voi - Hổ trên không gian ảo đến việc trùng tu tôn tạo di tích thời gian qua sẽ giúp viết nên những câu chuyện di sản độc đáo, càng phát huy giá trị của cụm di tích này trong đời sống đô thị di sản.
YÊN BA