Số hóa di sản: Xu hướng tất yếu của tương lai

Số hóa di sản là xu hướng không còn xa lạ trên thế giới, các di sản Việt Nam cũng đã tiếp cận xu hướng này từ nhiều năm qua, tuy nhiên ở mức độ còn khá hạn chế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống trên toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhận thức, có cách thức phù hợp để kịp thích ứng với bối cảnh mới của xã hội…

Đầu tháng 12-2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định phê duyệt chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Đây là chủ trương thật sự cần thiết, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Số hóa 100% di sản

Chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số (ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích). Cùng với đó, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Tham quan trực tuyến 3D Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật. Cụ thể, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số quốc gia; kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện; xác lập quyền truy cập, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển du lịch và các nhu cầu khác ở trong nước và quốc tế.

Để xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa, thời gian tới, nhiều nội dung công việc sẽ được triển khai như: Xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL), trao đổi tài nguyên thông tin di sản văn hóa số trong nước; tăng cường hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung CSDL hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số về di sản văn hóa; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc số hóa các di sản văn hóa; thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên cơ sở xây dựng mới và tích hợp CSDL số sẵn có theo hướng mở với sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng. Bên cạnh đó, hình thành và công khai CSDL hệ thống định danh di sản văn hóa Việt Nam trên không gian mạng. Chuyển các dữ liệu về di sản văn hóa sang dạng số, sử dụng các công nghệ nhận dạng, quét 3 chiều cập nhật thường xuyên lên hệ thống kho dữ liệu di sản văn hóa tập trung. Hoàn thành việc thống kê, số hóa, xây dựng mục lục và xuất bản Tổng danh mục di sản văn hóa Việt Nam công khai trên mạng Internet. Tăng cường dịch vụ tham quan thực tế ảo, đổi mới các chuyên đề trưng bày trải nghiệm theo hướng trực tiếp và trực tuyến, panorama 3600…

Cũng theo Chương trình nói trên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu của các dân tộc Việt Nam được số hóa bao gồm: hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia, hiện vật quý của các bảo tàng và di tích, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục kiểm kê di sản. Đồng thời là các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh đang được bảo quản, lưu giữ tại trung tâm ngân hàng dữ liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các bộ, ngành, tổ chức chính trị trên toàn quốc.

Cần thiết và cấp bách trong bảo tồn và phát huy di sản

Là bảo tàng đi đầu tại TP. Hồ Chí Minh trong chuyển hướng các hoạt động chuyên môn sang hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của công chúng tìm hiểu Bảo tàng trong thời gian giãn cách, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động của Bảo tàng gần như đình trệ, sự kết nối trực tiếp giữa Bảo tàng và công chúng bị gián đoạn và tạm ngừng. Trong một tình huống mà Bảo tàng hoàn toàn chưa từng đối mặt trong hoạt động của mình, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá là vô cùng cần thiết và cấp bách. Và chính Covid-19 đã là một tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách mạnh mẽ hơn”. Theo đó, các sản phẩm mà Bảo tàng đang thực hiện bao gồm trưng bày trực tuyến, chương trình giáo dục trực tuyến, thử nghiệm bảo tàng ảo.

Theo TS Tuấn, trưng bày trực tuyến đã và đang là một xu thế của tương lai, tuy nhiên để kết hợp một cách hài hoà giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến là một vấn đề cần được cân nhắc và xem xét. Trưng bày trực tuyến đem đến một giải pháp có tính khả thi, hiệu quả về chi phí khắc phục những hạn chế của trưng bày trực tiếp. Chúng không còn bị giới hạn về thời gian và không gian, thay vì mở cửa cho công chúng vào những thời điểm nhất định trong ngày, trưng bày trực tuyến có sẵn suốt ngày đêm, thông qua Internet, đặc biệt là trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn trên khắp thế giới. Việc lưu trữ hiện vật dưới dạng kỹ thuật số cũng giúp giảm chi phí duy trì và bảo quản. Không còn cần phải tháo dỡ và xây dựng lại trưng bày mới để phục vụ  công chúng. Có thể thêm hiện vật, thông tin vào một cách dễ dàng, cập nhật không tốn nhiều công sức, sử dụng được trong nhiều mục đích khác nhau. Điều này làm giảm đáng kể thời gian thực hiện và diện tích cần thiết để tổ chức một cuộc trưng bày. Không gây tác động đến công trình và môi trường xung quanh. Trưng bày trực tuyến cũng mang lại sự linh hoạt hơn, khuyến khích thử nghiệm và năng động so với các trưng bày trực tiếp.

Phòng trưng bày ảo với trải nghiệm tương tác mô hình 3D hiện vật xoay 360 độ của Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh

Với xu hướng sử dụng những công nghệ hiện đại như công nghệ hình ảnh, Web3D, VR, AR, MR, haptics và các thiết bị cầm tay, các bảo tàng có thể khai thác tất cả các khả năng của phương tiện mới, phân tích và trả lời theo nhiều cách khác nhau cho nhu cầu của công chúng, cho phép tương tác trực quan với nội dung được hiển thị và cung cấp trải nghiệm giải trí và giáo dục. Một quan sát cho thấy, số lượng du khách kỹ thuật số đang tăng đều đặn và trong một số trường hợp, vượt xa số lượng khách đến thăm các bảo tàng trực tiếp tương ứng. Điều này khuyến khích khách tham quan kỹ thuật số ở cách xa về mặt địa lý trở thành khách tham quan thực tế và duy trì mối quan hệ giữa công chúng với bảo tàng sau khi họ bước ra khỏi cửa.

Một vấn đề mang tính nhân văn mà khoa học công nghệ luôn hướng đến đó là người khuyết tật, những người được xem là những đối tượng dễ tổn thương trong xã hội. Bảo tàng ảo có thể cung cấp quyền truy cập từ bất kỳ nơi nào và cho bất kỳ ai, kể cả những người có nhu cầu đặc biệt, khiếm khuyết về thị giác, âm thanh, lời nói, vận động và khó khăn trong học tập…

Không đơn thuần chỉ là công nghệ

Tuy nhiên, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, sức hấp dẫn mạnh mẽ và tiềm năng to lớn nhưng về mặt trải nghiệm của công chúng, trưng bày trực tuyến hay bảo tàng ảo cũng vẫn còn một số hạn chế. Đây không phải là trải nghiệm bảo tàng thực sự. Trưng bày trực tuyến không cho phép các thao tác thực sự, điều này rất quan trọng đối với người học về động lực học, họ không cảm nhận được thực sự điều gì đang xảy ra. Hiệu quả của các cuộc trưng bày mang tính “trải nghiệm” mạnh mẽ, tức là khi khách đi ngang qua chúng, họ cũng nhìn thấy, nghe thấy và đôi khi chạm vào các hiện vật trưng bày. Các giác quan trải nghiệm này không còn khi tham quan trưng bày trực tuyến, dẫn tới các trải nghiệm đó rất nhanh sẽ bị lãng quên.

“Khi hiển thị trên web, hình ảnh hiện vật không hiển thị được kết cấu một cách hoàn chỉnh, các chi tiết nhỏ, khối lượng và màu sắc cũng không hoàn toàn chính xác và trung thực. Hình ảnh điện tử của các bức ảnh lịch sử chắc chắn kém hơn so với các hiện vật thực tế, do yêu cầu về kích thước nhỏ hơn để xem trực tuyến. Chất lượng hình ảnh vẫn còn khá kém khi so sánh với các hiện vật nghệ thuật thật. Người dùng phải được kết nối với Internet (đối với trưng bày trên nền web). Tốc độ kết nối Internet cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách truy cập (người dùng có kết nối chậm sẽ không có chuyến thăm thú vị, đặc biệt nếu trang web chứa nhiều tài nguyên đa phương tiện, cần nhiều thời gian để tải xuống và hiển thị)…”, TS Tuấn chia sẻ.

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, số hóa di sản là một chủ trương lớn mà ngành chúng ta phải tập trung đầu tư thực hiện trong xu hướng sắp tới. “Để công tác này được hiệu quả, theo tôi cần phải có một quá trình nghiên cứu khoa học, từng bước đi cụ thể. Số hóa là một quá trình, do đó các bước đi phải rất thận trọng, không phải ngay một lúc mà mình có thể thực hiện tất cả mọi việc. Quá trình ấy bắt đầu từ việc thu thập các thông tin, nghiên cứu cơ sở dữ liệu liên quan đến di sản để đảm bảo rằng khi chúng ta số hóa thì các thông tin ta đưa vào phải là thông tin đầy đủ hàm lượng khoa học cơ bản nhất”, TS Lý cho biết.

Chuyên gia này cũng nhận định, hiện nay tại một số di tích, bảo tàng rất tích cực thực hiện quá trình này, họ đã có những sáng kiến rất đáng khích lệ. Các bảo tàng và di tích, khi đứng trước định hướng như thế và trước nhu cầu phát triển của xã hội, cũng như xuất phát từ bối cảnh ảnh hưởng Covid-19, việc tương tác về công nghệ là rất cần thiết. “Ta phải hiểu rằng số hóa di sản cũng như làm trưng bày, diễn giải di sản là công việc của một tập thể, bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên ngành, nhà bảo tàng học, nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật và cả những người làm giáo dục, truyền thông di sản. Số hóa trưng bày phải là công trình sáng tạo cùng nhau, không đơn thuần chỉ là công nghệ. Quá trình này cần phải nghiên cứu tốt, sản phẩm tốt mới đáp ứng nhu cầu công chúng. Sản phẩm ấy mới đủ hàm lượng thông tin khoa học về văn hóa, mới đủ tính hấp dẫn và nó cần thích ứng về mặt kỹ thuật, nếu không, số hóa sẽ không còn ý nghĩa”, TS Lý bày tỏ.

Bài và ảnh: NGUYỄN THÁI HÒA

Top