Hà Nội thực hiện đề án sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác sưu tầm, thu thập, bổ sung và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quý hiếm nhằm bổ sung nguồn tài liệu này vào phông lưu trữ Thành phố Hà Nội. Điều tra, thống kê nguồn tài liệu lưu trữ quý hiếm, đánh giá tổng thể hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ quý hiếm của quốc gia trên địa bàn Thành phố. Ngăn chặn nguy cơ bị mất, bị hủy hoại và xuống cấp tài liệu quý, hiếm.
Đề án này được chuẩn bị công phu, nghiêm túc với kế hoạch sưu tầm được vạch ra từ tháng 5 – 2014. Một kế hoạch tổng thể từ tuyên truyền, xây dựng ban hành các văn bản về cơ chế chính sách, lộ trình điều tra từ 2015 đến 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đi sưu tầm. Bên cạnh kế hoạch ấy là một quyết định của UBND Thành phố phê duyệt đề án sưu tầm giai đoạn 2015 - 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Dương Minh – Chi cục trưởng, Chi cục Văn thư lưu trữ Thành phố, Tổ Phó Thường trực Tổ công tác triển khai các văn bản về công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 .
Quyết định có 3 điều, dài tới 10 trang khổ A4, trong đó Điều 1, thể hiện nội dung cụ thể của đề án. Đó là xác định nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử là tài liệu quý hiếm. Xác định tiêu chí tài liệu quý hiếm, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích giao nộp, hiến tặng, ký gửi bảo quản tài liệu quý, hiếm. Tổ chức điều tra, khảo sát, sưu tầm và lập danh mục tài liệu lưu trữ quý hiếm trên địa bàn Hà Nội. Thẩm định danh mục tài liệu lưu trữ quý hiếm. Bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Đây là nội dung khá bao quát mang tính định hướng sưu tầm và quản lý với thời gian thực hiện 5 năm.
Cùng với quyết định trên, UBND Thành phố còn có quyết định Ban hành quy định tạm thời tiêu chuẩn tài liệu lưu trữ quý, hiếm và quy trình đăng ký, công nhận tài liệu lưu trữ quý, hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quy định có tất cả 4 Chương, 10 Điều. Tôi đặc biệt quan tâm tới Chương II. Tiêu chuẩn tài liệu lưu trữ quý, hiếm với một nội hàm rõ ràng. Tài liệu lưu trữ quý, hiếm là tài liệu thuộc diện lưu trữ vĩnh viễn và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Có giá trị đặc biệt về tư tưởng, chính trị, kinh tế xã hội, khoa học, lịch sử và có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thành phố Hà Nội.
- Phản ánh quá trình bảo vệ, xây dựng chính quyền qua các thời kỳ lịch sử của TP Hà Nội, các cuộc đấu tranh gìn giữ và giải phóng Thủ đô, sự ra đời, lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị của Thành phố qua các thời kỳ, phản ánh công cuộc đổi mới của Thành phố.
- Đánh dấu những thành tựu, dấu ấn, bước ngoặt lịch sử hình thành và phát triển của các ngành, lĩnh vực như chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ của TP Hà Nội.
- Những thành tựu nổi bật về kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa nghệ thuật…
- Phản ánh văn hóa đặc sắc của Hà Nội như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, kiến trúc.
- Phản ánh sự hình thành và phát triển các ngành nghề truyền thống.
Đây là những tiêu chuẩn liên quan tới di sản văn hóa Thủ đô. Ngoài ra còn rất nhiều các tiêu chuẩn khác thuộc về tài liệu quý hiếm của các cá nhân trên các lĩnh vực chính trị, khoa học, tướng lĩnh, anh hùng lao động, công dân Thủ đô đạt giải thưởng Nhà nước và quốc tế, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu Hà Nội, các danh nhân, cá nhân nổi tiếng hoạt động trong mọi lĩnh vực…
Cùng với những văn bản quan trọng nói trên, một kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cũng đã được hoạch định khá chi tiết với một lộ trình tương đối hợp lý qua từng năm. Một văn bản hướng dẫn điều tra, thống kê và lập danh mục tài liệu lưu trữ quý hiếm trên địa bàn Hà Nội đã được Chi cục Văn thư - Lưu trữ Sở Nội vụ Hà Nội ban hành, cùng với nhiều mẫu bảng biểu thống kê, phiếu cung cấp thông tin… được chuẩn bị, với mục đích phục vụ cho hồ sơ có đủ tiêu chí thống nhất để khai thác sau này.
Tất cả các tài liệu trên đây dùng cho một lớp tập huấn năm 2015, tạo nên một sự đồng bộ của đề án kể từ khâu chuẩn bị đến sản phẩm sẽ được nghiệm thu, giao nộp.
***
Mở đầu cho đề án này, đối tượng quan tâm trước hết là Đạo sắc phong. Với 211 Đạo sắc trong các di tích lịch sử - văn hóa của huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Long Biên, Phú Xuyên, đã được triển khai như một thí điểm cho các loại tài liệu quý, hiếm. Tôi được đọc sơ bộ hồ sơ này và cho rằng, đó là cách đi, cách làm đúng hướng. Tuy nhiên, 5 quận huyện là một con số còn vô cùng ít ỏi so với Hà Nội và 211 Đạo sắc lại còn ít ỏi hơn nữa so với di tích đình - đền của Hà Nội. Đó là một thử thách lớn của những người thực hiện đề án, nhằm đánh giá được số lượng, giá trị lịch sử văn hóa của từng Đạo sắc, sự thật giả, nguyên gốc hay bản sao v.v. Sẽ còn quá nhiều những loại văn bản như thế và phức tạp hơn thế trong đề án này, khiến cho cơ quan chủ trì và những người thực hiện phải đối mặt. Chính vì lẽ đó, theo tôi, Hà Nội nên coi đề án này như một sự khởi đầu và sẽ tiếp tục mà không nên kết thúc vào năm 2020, để có một chương trình dài hơi hơn cho một Hà Nội còn vô vàn tư liệu quý, hiếm hiện còn ẩn tàng trong các di tích, trong dân gian, nhằm đáp ứng được cho một tham vọng lớn lao của Hà Nội, muốn bao quát được toàn bộ khối tư liệu này.
Băn khoăn chỉ ở vấn đề ấy, còn đề án sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm trên địa bàn T.P Hà Nội, theo tôi là vô cùng cần thiết và dường như, trên cả nước, Hà Nội là địa phương đầu tiên có dự án này để được thực hiện, rất đáng được hoan nghênh.
Hồng Hải