Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh

Tháng 5-1959 “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam được thành lập. Trải qua 16 năm, từ 1959 đến 1975, con đường huyền thoại này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Ngày 9-12-2013, con đường đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Đường Trường Sơn được hình thành sơ khai từ đường giao thông buôn bán, giao liên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhằm tránh sự truy lùng của kẻ thù. Lực lượng kháng chiến của ta đã lập các chiến khu ở miền núi dọc theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Tuyến liên lạc này đã đảm bảo sự chỉ đạo từ cơ quan đầu não kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc vào tận các chiến trường Khu V, cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Tuyến giao liên bí mật đã được bà con các dân tộc miền núi dẫn lối, che chở. Theo con đường này, nhiều chiến sỹ miền Nam ra Bắc được gặp Bác Hồ, trở về miền Nam đều có chung nguyện vọng gọi tuyến giao liên bí mật là đường Hồ Chí Minh nhưng đó mới chỉ là ý tưởng.

Đường Trường Sơn ngày nay.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường bí mật này được khôi phục và mở rộng. Năm 1959, một tiểu đoàn giao liên dưới sự chỉ huy của Đại tá Võ Bẩm được nhận nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, mở đường chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tại cuộc họp của Thường trực Quân ủy ngày 19-5-1959, đoàn giao liên này được đặt tên là Đoàn 559.

Thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An quê Bác là điểm xuất phát của con đường vận tải chiến lược. Đây được gọi là cột mốc số 0. (Địa điểm km số 0 này được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1990).

Ngay sau khi thành lập, một số lượng lớn vũ khí được đóng gói đặc biệt và được Tổng cục Hậu cần bí mật trở từ một kho đặt ở ngoại thành Hà Nội vào kho bí mật đặt tại rừng phía Tây Nam Quảng Bình, giáp khu vực Vĩnh Linh. Cũng ngay trong tháng 5, theo yêu cầu khẩn cấp của Lực lượng vũ trang khu V, Đoàn 559 đã thực hiện lệnh vận chuyển 7.000 khẩu súng bộ binh và tổ chức cho 500 cán bộ bổ sung cho các chiến trường. Từ Vĩnh Linh tuyến hành lang được mở dần về phía Nam.

Một thời gian sau, địch phát hiện và gọi tuyến hành lang 559 này là “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Từ đó, báo chí phương Tây cũng dùng tên gọi này nên cả thế giới đều biết. Và cũng từ đó, địch tập trung đánh phá, đường Trường Sơn trở thành tuyến lửa. Địch kiên quyết phá, ta kiên quyết giữ mạch máu giao thông. Đường Trường Sơn đã trở thành con đường huyền thoại, đường thống nhất, nơi thử thách ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự sáng tạo và sức chịu đựng của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các lực lượng sống và chiến đấu trên tuyến đường này.

Những đoạn đường đã mở không những được giữ vững mà còn được mở rộng, kéo dài thêm. Được sự nhất trí của Đảng và Nhà nước Lào, Bộ Tư lệnh Quân khu IV và Đoàn 559 đã phối hợp mở tuyến hành lang mới vượt đỉnh Trường Sơn sang đất Lào. Tuyến đường Trường Sơn được sử dụng để chi viện cho chiến trường Nam Lào. Phần tuyến mở trên đất Lào được gọi là Trường Sơn Tây. Phần tuyến trên đất Việt Nam là Trường Sơn Đông.

Đến năm 1965 các đường ô tô được mở và từ năm 1969 đường ống dẫn xăng dầu cũng được mở để cung cấp cho chiến trường. Cùng với đó, hệ thống thông tin tải ba cũng được thiết lập đảm bảo sự chỉ huy thống nhất.

Di tích lịch sử quốc gia Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

Sau Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973, đường Trường Sơn được nâng cấp. Do đó, nếu như trước kia các đoàn quân vào Nam phải đi bộ thì nay quân số bổ sung cho các chiến trường đều được hành quân bằng cơ giới. Trong mùa khô 1973-1974, mỗi tháng vận chuyển hơn 30.000 đến 50.000 quân qua tuyến Trường Sơn. Nếu trước đây bộ đội hành quân từ Bắc vào Nam thường đi mất hơn 3 tháng vào đến chiến trường B2 thì nay bằng phương tiện cơ giới chỉ mất 10 ngày. Hàng hóa trước kia phải đi ban đêm thì nay với những con đường được ngụy trang kín đi được cả ban ngày, thẳng từ nơi nhận đến nơi giao, đi được cả mùa mưa và mùa nắng. Hệ thống đường Đông và Tây Trường Sơn đã liên hoàn, vững chắc. Hơn nữa hệ thống đường này đã trở thành một căn cứ hậu cần chiến lược rộng 130 ngàn km2, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường Nam Đông Dương và là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường.

Nói đến đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh chúng ta không chỉ nói đến ý nghĩa vật chất của những vùng đất nơi con đường đi qua mà còn nói đến giá trị tinh thần vô giá, những chiến công huyền thoại đã diễn ra trên mỗi cung đường. Chiến tranh kết thúc, những hố bom đã được san lấp, những cánh rừng bị tàn phá đã xanh trở lại, nhưng chúng ta không thể quên cuộc chiến đấu gian khổ của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam trên con đường huyền thoại này. Đó chính là giá trị tinh thần vô giá của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Trường Sơn không chỉ là rặng núi hùng vĩ, mà còn ẩn chứa một khí thế hào hùng, một sức mạnh không gì ngăn cản của điệp trùng bàn chân lính ra trận, sức của tuổi 20, tuổi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai.”

   Chúng ta biết, do yêu cầu của các chiến trường, từ tháng 7-1970 Quân ủy Trung ương đã quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương nhằm thống nhất lãnh đạo cả lực lượng của ta hoạt động tại Trung, Hạ Lào. Trong những năm 1973-1975 Bộ đội Trường Sơn đã bao gồm 9 sư đoàn với hơn 10 vạn cán bộ, chiến sỹ và 1 vạn thanh niên xung phong, (42 trung đoàn ô tô vận tải cơ động, 1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn phòng không, 1 đoàn chuyên gia quân sự) và 21 trung đoàn trực thuộc. Trường Sơn khi đó đã trở thành niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam ta. Bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi chính là hiện thực về Trường Sơn gian khó và hào hùng, là màu đỏ, là máu của các anh các chị đổ ra thấm đẫm màu cờ Tổ quốc:

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã là một thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước đã giao cho Binh đoàn 12- đơn vị kế thừa và phát huy truyền thông Bộ đội Trường Sơn tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng để có biện pháp khôi phục, bảo tồn những di tích trong hệ thống đường Trường Sơn.

Tháng 7-2007 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh đoàn 12 triển khai các dự án thành phần nhằm hoàn thiện hệ thống bia di tích đường Hồ Chí Minh; Các di tích trọng điểm trên đất Quảng Bình; Khu quản lý, điều hành, phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Binh đoàn 12- đơn vị chủ đầu tư và Hội truyền thống Trường Sơn đã làm phương án xây dựng tổng thể, đồng bộ từ đơn vị chủ quản đến các thành viên trong hệ thống di tích Trường Sơn trên cơ sở các biên bản, bản đồ quy hoạch khu vực bảo vệ di tích. Theo đó UBND các tỉnh có di tích thuộc đường Trường Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăc Lăk, Đăc Nông, Bình Phước) đóng vai trò nòng cốt để khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị cũng như tiềm năng của di tích.

Đường Trường Sơn ghi trong mình những huyền thoại về cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta trong chiến tranh giữ nước. Với ý nghĩa của một di tích quốc gia đặc biệt, trong thời bình, đây nhất định sẽ trở thành một trường học thực tiễn để thế hệ trẻ Việt Nam hiểu thêm sâu sắc con đường mang tên Bác Hồ kính yêu - đường tình nghĩa Bắc- Nam- đường thống nhất của dân tộc Việt Nam ta.

TS Nguyễn Thị Tình

Top