Hà Nội chuẩn bị hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia cho sưu tập tư nhân

Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng công nhận Bảo vật Quốc gia cho một sưu tập tư nhân trên địa bàn mình quản lý.

Việc làm này chứng tỏ sự quan tâm tới những thiết chế văn hóa ngoài công lập, thể hiện sự quán triệt sâu sắc Luật Di sản văn hóa, đường lối xã hội hóa của Đảng và Nhà nước ta và tinh thần coi bảo tàng tư nhân, sưu tập tư nhân là cánh tay nối dài của ngành Văn hóa Thủ đô, để giúp cho lực lượng này tự tin trong việc giữ gìn, bảo quản, phát huy những giá trị văn hóa họ đang lưu giữ. Từ một địa phương tạo điều kiện tối đa để những bảo tàng tư nhân được ra đời và cho đến nay là địa phương có số lượng bảo tàng ngoài công lập nhiều nhất nước, cho đến việc, năm nay, chuẩn bị hồ sơ cho sưu tập tư nhân được công nhận Bảo vật Quốc gia, khiến cho tôi ngưỡng mộ về sự đột phá trên lĩnh vực này của ngành Văn hóa Hà Nội.

Hai cổ vật của một sưu tập tư nhân được chuẩn bị hồ sơ lần này là chiếc thạp đồng Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.300 năm và chiếc chum gốm hoa nâu thời Lý, có niên đại thế kỷ 11, 12.

Thạp đồng Đông Sơn.

Thạp đồng cao 42,5 cm, đường kính miệng 44cm, trọng lượng 14,3 kg. Thạp thuộc loại không có nắp, dáng hình trụ, miệng tròn, thành miệng thẳng, thân thuôn, đáy bằng. Gần mép miệng thạp gắn đôi quai kép đối xứng qua thân, quai hình chữ U, chân quai trang trí hoa văn hình chữ S. Từ miệng xuống, trang trí 20 băng hoa văn phủ gần kín thân. Mười tám băng hoa văn hẹp và trung bình, đúc nổi hoa văn hình học, đó là hoa văn chấm dài, vạch thẳng song song, vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, vòng tròn đồng tâm tiếp tuyến kép. Những hoa văn này rất quen thuộc trong nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn nói chung, thạp đồng và trống đồng nói riêng. Điểm đặc biệt là hai băng rộng, trang trí hoa văn vô cùng ấn tượng. Đó là băng số 8 có 20 con chim, thuộc nhiều loại như công, trĩ, cò, bồ nông… con có mỏ dài, đuôi dài, con có mào, con không mào… với nhiều tư thế vận động (con xòe cánh, con cụp cánh, con đậu, con bay, con đứng, con đi kiếm mồi, con đang cắp cá…), có bố cục tạo hình khác nhau, chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Băng 14 là 15 con thú (hươu, nai, bò, thể hiện rõ con đực, con cái, con có sừng, con không sừng) với nhiều tư thế vận động (con nhìn thẳng, con ngoái đầu, con đang đứng, con đang đi, con đang chạy…) với bố cục tạo hình khác nhau, cũng chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Đây là chiếc thạp gốc, độc bản, có bố cục, đồ án trang trí hoa văn phong phú, đa dạng, không trùng lặp với bất cứ chiếc thạp nào hiện biết ở Việt Nam. Đây cũng là chiếc thạp có kích thước lớn (sau thạp Đào Thịnh, Yên Bái). Đây là hiện vật đặc sắc, tiêu biểu cho loại hình thạp không nắp ở nước ta.

Chum gốm cao 34,1 cm, đường kính miệng 24,5 cm, trọng lượng 11,6 kg. Chum có miệng rộng, gờ miệng vát, cổ thấp, vai phình, thân cong, đế bằng. Vai đắp nổi băng cánh sen kép, cánh to xen cánh nhỏ, có 6 núm ngang. Thân trang trí tô nâu 5 băng hoa văn (từ trên xuống dưới), chấm tròn, mây dải hình nấm, hoa sen dây, chấm tròn, rồng biến điệu. Men nền màu trắng ngà. Chum hoa nâu có dáng bầu bĩnh, xương gốm dầy, chất đất thô xốp, phủ ngoài xương gốm là lớp men trắng ngà. Hoa văn trang trí theo lối khắc, vẽ thành họa tiết, rồi lấy men nâu từ đá oxit sắt, vẽ theo hình khắc, tạo màu nâu trên nền trắng ngà.

Chum gốm này là hiện vật độc bản, tiêu biểu về loại hình và trang trí của dòng gốm hoa nâu Đại Việt, tồn tại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15.

Chum gốm nâu thời Lý.

Chum gốm này là biểu tượng đỉnh cao của kĩ thuật tạo tác trong dòng gốm hoa nâu, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân thời Lý, cho thấy một kỹ thuật độc đáo có một không hai trong truyền thống gốm men Việt nói chung và gốm hoa nâu nói riêng. Đó là kỹ thuật cạo/ khắc xương gốm khi xương gốm mới se khô để tạo đồ án trang trí, sau đó, dùng bút long vẽ hoa văn màu nâu trên phần được cạo/ khắc ấy, do đó, đã đưa đến một khoảng chênh sắc giữa men nền – màu trắng hoặc vàng ngà với hoa văn – màu nâu đỏ, song vẫn không gây nên sự phản cảm, đối lập nhờ vào phần xương gốm còn chừa lại -  màu trắng xám, như những đường viền ngăn cách, đủ để tạo sự điệp sắc, mà đôi khi hội họa hiện đại phải táo bạo mới dám dùng.

Với kích thước tương đối lớn, loại hình độc đáo, hoa văn trang trí tỉa tót, mang đậm chất thời đại, chum gốm hoa nâu này là hiện vật duy nhất hiện biết cho tới nay về gốm hoa nâu thời Lý.

Ngoài yếu tố độc bản, hai cổ vật trên đây còn có hình thức độc đáo, hoa văn trang trí mang hơi thở của truyền thống và thời đại, có tính chất tiêu biểu, đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn và gốm hoa nâu thời Lý -những điều mà tiêu chí của bảo vật quốc gia đã định rõ và hai cổ vật này đã đạt được, nhưng do bài viết có hạn, tôi không thể trình bày được cặn kẽ, tỏ tường, mong độc giả thể tất. Nhưng, với những bản vẽ được đính kèm bài viết này, tôi tin rằng độc giả sẽ cùng chia sẻ về hai cổ vật trên, chắc sẽ rất xứng đáng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017 này. Nếu được như vậy, đây cũng sẽ là hai cổ vật của sưu tập tư nhân đầu tiên của cả nước được vinh dự nhận danh hiệu cao quý này.

TS Phạm Quốc Quân

Top