Di tích Quốc gia đặc biệt Khu tưởng niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu yêu nước, đã lựa chọn con đường đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược bằng tư tưởng, lấy văn thơ làm phương tiện.

Ông được nhân dân khâm phục cả về tài năng và ý chí vươn lên, trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết bằng chữ Nôm với hai giai đoạn trước và sau kháng chiến Nam Kỳ lục tỉnh, thể hiện tính chiến đấu và nỗi lòng trăn trở cho vận mệnh dân tộc, tình yêu thương con người.

Tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… Tất cả đều toát lên tinh thần chống Pháp và nhà nước phong kiến đương thời, thể hiện ước mơ đất nước được giải phóng và tình yêu với những người dân trước cảnh nhà tan, nước mất. Đánh giá về ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Thơ, văn tế Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động và não nùng tình cảm của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cầy cuốc, bỗng chốc trở thành những người anh hùng cứu nước”.

Với công lao to lớn ấy của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhân dân và đất nước đã xây dựng khu tưởng niệm ngay tại khu lăng mộ ông tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre.

Khu lăng mộ và Nhà tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu có diện tích 14.187,9m2, bao gồm: nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ.

Nhà bia được xây dựng kiên cố cách đây không lâu với kiến trúc truyền thống, cao 12m, hai tầng mái. Tường ngoài trang trí hoa văn hoa lá cách điệu, tường trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Giữa lòng nhà là tấm bia bằng đá có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước bia là bài văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu và mặt sau tóm tắt tiểu sử của ông.

Đền thờ mới được xây dựng năm 2000 - 2002 theo mẫu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc. Đền có chiều cao 21m, chất liệu bê - tông cốt thép nhưng mái là ngói âm dương và trang trí trên tường hoàn toàn là hoa văn truyền thống với những điểm nhấn thể hiện sự thanh cao, trong sáng của nhà thơ yêu nước. Đền thờ có hai tầng. Tầng dưới là nơi trưng bày hình ảnh các vị lãnh đạo, đoàn khách quốc tế, nhân dân cả nước đến viếng và thắp hương. Tầng trên là chân dung nhà thơ, được đúc bằng đồng, cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên 4 cột trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ, chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

Bên cạnh đó là đôi câu đối của nhân dân ca tụng ông: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê”.

Hai bên tượng thờ là hai mảng phù điêu, miêu tả hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu đọc bài văn tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883 và hình ảnh trận đánh đầu tiên của người giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ chiến đấu với Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào đêm 17-11-1868.

Đền thờ cũ được xây dựng năm 1972 với kiến trúc hai tầng mái, lợp ngói âm dương, với tổng diện tích 84m2. Bờ nóc đền thờ trang trí hoa văn rồng, mây cách điệu. Bên trong là ban thờ. Hai cột chính đắp nổi hai câu thơ như ở đền mới, trong tác phẩm Dương Tử - Hà Mậu. Ngoài ra là những hình ảnh, tư liệu về các thủ lĩnh, nghĩa quân và một số phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ cuối thế kỷ 19.

Khu mộ phần được tôn tạo năm 1958, gồm phần mộ nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và con gái cụ là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Ánh) - cũng là một nữ sĩ, Chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam, đó là tờ Nữ giới chung.

Một góc Khu Di tích mộ Nguyễn Đình Chiểu.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng của văn học Việt Nam ở thế kỷ 19. Những tác phẩm của ông có ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy cũng như cho tới tận hôm nay. Ông là một trong những người khai mở dòng văn học yêu nước, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng của văn hóa nói chung và văn học thành văn nói riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh, thể hiện lý tưởng xã hội tiến bộ và khuynh hướng thẩm mỹ tư tưởng tích cực. Nếu như ý thức hướng tới một sự kết hợp trọn vẹn tư tưởng với nghệ thuật thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, khám phá trong sáng tạo nghệ thuật thì quan điểm tiến bộ và tích cực về mục đích nghệ thuật đã giúp ông tránh được chủ nghĩa hình thức trong văn chương.

Trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đóng vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, nhưng khác Trương Định đem quân đồn điền kháng chiến, Trần Thiên Chánh chiêu mộ quân nghĩa dũng chống xâm lăng và Nguyễn Thông tòng quân đánh giặc, Nguyễn Đình Chiểu chiến đấu bằng ngòi bút, hòa mình trong cuộc chiến đấu của nhân dân và trở thành người phát ngôn của phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá về ông như sau: “Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì nghĩa lớn. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng”.

Sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với khu tưởng niệm về ông tại Bến Tre xứng đáng được vinh danh Di tích Quốc gia đặc biệt. Đó là mong muốn và ý nguyện của nhân dân cả nước bấy lâu đã được toại nguyện.

TS Phạm Quốc Quân

Top