Góp thêm tiếng nói vào việc xây dựng Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt trong đời sống của nhân dân Lai Xá, gắn kết quá khứ - hiện tại - tương lai; thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tâm huyết và ý thức trách nhiệm của nhân dân Lai Xá trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của quê hương, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại cuộc gặp mặt hôm nay, bên cạnh các đại biểu là con em quê hương Lai Xá, còn có nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa… Điều đó chứng tỏ rằng, chủ đề của sự kiện hôm nay, không chỉ là sự quan tâm trực tiếp của người dân Lai Xá, mà nó đã vượt ra khỏi không gian của một làng quê, trở thành vấn đề quan tâm chung của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và yêu mến di sản văn hóa dân tộc trong cả nước. Lai Xá là cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam. Vì vậy, lịch sử hình thành và phát triển của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá là một bộ phận quan trọng của Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: TL
Tôi đặc biệt tâm đắc và ủng hộ chủ trương xây dựng Bảo tàng Làng Nghề Nhiếp ảnh Lai Xá - một bảo tàng ngoài công lập, do chính cộng đồng cư dân Lai Xá khởi xướng, xây dựng, bằng tâm huyết, trí tuệ, khả năng, công sức và kinh phí theo phương thức xã hội hóa và càng vui hơn, khi được biết rằng, chủ trương đó đang dần dần trở thành hiện thực trong cuộc sống của chúng ta.
Trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng triển khai được một số việc đáng ghi nhận: Từng bước nghiên cứu Lịch sử Làng nghề Lai Xá; biên tập các sự kiện chính trong quá trình hình thành và phát triển Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá; sưu tầm, thống kê danh sách các hiệu ảnh của người Lai Xá trong cả nước; danh sách thợ ảnh là người Lai Xá làm việc tại các công ty, hợp tác xã nhiếp ảnh trong cả nước; xây dựng Phòng Truyền thống Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá; bước đầu hình thành nội dung trưng bày Bảo tàng; thiết kế nhà Bảo tàng và đặc biệt là Lễ khởi công xây dựng nhà Bảo tàng được diễn ra vào ngày 21 tháng 6 năm 2015.
Chắc chắn, không bao lâu nữa, tại làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, cách Trung tâm Thủ đô khoảng 15 km theo Quốc lộ 32, sẽ hiện diện 2 bảo tàng ngoài công lập: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, được khánh thành cách đây không lâu và Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá. Có thể nói, đây là một hiện tượng khá độc đáo, hiếm hoi đối với hệ thống bảo tàng Việt Nam cho tới thời điểm này và sẽ là những kinh nghiệm bổ ích cho việc phát triển các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam, đang được nhà nước ta khuyến khích.
Xây dựng trưng bày Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá là một công việc khoa học, công phu, đòi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn xuyên suốt trong cả quá trình, gồm nhiều yếu tố: nội dung; tài liệu, hiện vật; kiến trúc; mỹ thuật; kỹ thuật…Các yếu tố đó có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong một thể thống nhất, tạo nên chất lượng và hiệu quả của Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá tương lai. Về quy mô, Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá có thể không lớn so với nhiều bảo tàng công lập. Về kinh phí, Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá có thể không nhiều so với các bảo tàng được nhà nước đầu tư; nhưng yêu cầu về sự phong phú, tính khoa học, tính sáng tạo, sự độc đáo và tính hấp dẫn của trưng bày phải là mục tiêu chúng ta hướng tới, không thể hạ thấp. Chỉ khi nào làm được như vậy, mới hy vọng Bảo tàng của chúng ta sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan trong nước và quốc tế.
Chúng ta đã có những bước khởi đầu quan trọng; nhưng hiện tại và tương lai, còn rất nhiều việc cần phải tập trung lực lượng, công sức, trí tuệ tiến hành khẩn trương song song với quá trình xây dựng công trình Bảo tàng: tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về Lịch sử Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá; cụ thể hóa và hoàn thiện nội dung trưng bày Bảo tàng; bổ sung, xác minh các sự kiện lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển Làng nghề; tiếp tục nghiên cứu, xác minh, bổ sung danh sách các hiệu ảnh của người Lai Xá ở trong nước và nước ngoài; danh sách các nhà nhiếp ảnh là người Lai Xá làm việc tại các công ty, hợp tác xã nhiếp ảnh ở trong nước và nước ngoài; đánh giá toàn diện, cụ thể vốn tài liệu, hiện vật hiện có của Nhà Truyền thống Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá hiện nay; đồng thời đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật mới; chuẩn bị về mặt tổ chức, nhân sự để quản lý và vận hành Bảo tàng, sau khi khánh thành…
Trong hàng loạt các đầu việc nêu trên; công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần phải được ưu tiên đặc biệt. Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, thực chất là Bảo tàng Lịch sử Làng nghề Lai Xá, phản ánh quá trình hình thành, phát triển hơn 120 năm của Làng Nghề Lai Xá, được đánh dấu bởi sự kiện khai trương Hiệu ảnh đầu tiên tại phố Hàng Da, Hà Nội, mang tên Khánh Ký, vào năm 1892, do cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) thành lập và làm chủ, cho tới ngày nay. Từ Nhà Truyền thống đến Bảo tàng là một một bước chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Những gì hiện nay chúng ta đang có, chắc chắn là còn thiếu rất nhiều. Ngôn ngữ của trưng bày bảo tàng là tài liệu, hiện vật; không có hiện vật, thì không có trưng bày bảo tàng; ít tài liệu hiện vật thì trưng bày sẽ không thể phong phú được. Chính vì vậy, số lượng và chất lượng của tài liệu hiện vật là nhân tố cực kỳ quan trọng tạo nên sức sống của bảo tàng.
Công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá là công việc khoa học, thường xuyên, lâu dài; nhưng trong giai đoạn trước mắt, cần tập trung sưu tầm tài liệu, hiện vật theo nội dung trưng bày đã đề ra, cả hiện vật thể khối, tài lệu, hình ảnh, hồi ký, các câu chuyện…theo các chủ đề để phục vụ cho việc xây dựng trưng bày Bảo tàng.
Trên tinh thần đó, tại cuộc Tọa đàm này, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Tổ chức thống kê, kiểm kê, đánh giá toàn diện, cụ thể hiện trạng số lượng, chất lượng tài liệu, hiện vật hiện có ở Phòng Truyền thống Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, để thấy được cái gì đã có, cái gì còn thiếu cần phải sưu tầm, bổ sung.
2. Xây dựng Kế hoạch sưu tầm tài liệu, hiện vật toàn diện, cụ thể và khẩn trương tập trung triển khai Kế hoạch đó, với các biện pháp:
- Chủ động tổ chức lực lượng trực tiếp đi sưu tầm ở các địa điểm, địa chỉ có khả năng có tài liệu, hiện vật.
- Mở đợt vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng, công bổ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, với những yêu cầu và tiêu chí cụ thể.
- Gửi văn bản kèm theo yêu cầu và tiêu chí cụ thể đến các bảo tàng, cơ quan lưu trữ liên quan ở trong nước và ngoài nước nhờ sự cộng tác, giúp đỡ…
3. Tổ chức nghiên cứu, xác minh, đánh giá và lựa chọn tài liệu, hiện vật cho trưng bày…
Xây dựng Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, bên cạnh tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm của nhân dân Lai Xá; rất cần có sự ủng hộ, cộng tác và giúp đỡ về nhiều mặt của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; trong đó có Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Chúng tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của PGS.TS Nguyễn Văn Huy đối với việc xây dựng Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá ngay từ những ngày đầu, với tình cảm, trách nhiệm là người con của quê hương Lai Xá và với tư cách một nhà khoa học, có nhiều đóng góp và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng và hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban Di sản văn hóa vật thể của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Những vấn đề cần trao đổi với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong quá trình xây dựng Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, đề nghị trực tiếp thông qua PGS.TS Nguyễn Văn Huy.
Chúc công cuộc xây dựng Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá thành công tốt đẹp.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ
(Bài phát biểu tại Tọa đàm về cụ Nguyễn Đình Khánh và xây dựng Bảo tàng Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, tổ chức ngày 6-6-2015, tại Nhà Văn hóa thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội).