Gốm "Quan Dụng" Trung Hoa ở xứ Mường xưa

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu những ngôi mộ Mường ở tỉnh Hoà Bình, tôi đặc biệt lưu ý hiện tượng đồ tuỳ táng, trong đó có đồ gốm sứ với rất nhiều nguồn gốc và xuất xứ khác nhau: Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc....

Đa số chúng đều là gốm sứ thương mại, được các Lang Đạo, Lang Cun ở Mường mua về thông qua một mạng lưới nội thương do “Chú Khoá, Thằng Lồi” thực hiện, được phản ánh qua áng mo Klông - Đông, kể câu chuyện hành trình của hai nhân vật ấy đi từ dưới xuôi lên Mường bán trống đồng mà trong đó, hẳn không chỉ có trống mà còn nhiều vật dụng khác, kể cả gốm sứ nhập khẩu và gốm sứ sản xuất trong nước.

Thế nhưng, ở mộ Mường, không chỉ có gốm sứ hàng hoá, dân dụng. Có rất nhiều đồ gốm cao cấp từ thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ và Lê Trung Hưng. Tương đương với chúng là gốm sứ thời Tống, thời Nguyên, thời Minh và đầu thời Thanh Trung Hoa. Hồi cố của những người dân xứ Mường kể rằng, vào những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước, khi những ngôi mộ Bi-Vang-Thàng-Động vừa mới bị đào phá, rất nhiều đồ sứ có chữ ở trôn, ở vai được con buôn Hà Nội mua giá cao. Sau này, khảo sát các sưu tập, có xuất xứ ở Mường, tôi đã thấy những chiếc bình tỳ bà (Ngọc Hồ Xuân) men trắng vẽ lam có ghi “Nội phủ” và “Xu phủ” thời Nguyên, những chiếc chum ngũ thái có chữ “ Đại Minh Gia Tĩnh niên chế”, nhiều chiếc bát, chén hoa lam có ghi “Đại Minh Vĩnh Lạc niên chế”, “Đại Minh Thành Hoá niên chế”, “Tuyên Đức niên chế” hay “Đại Thanh Gia Khánh niên chế” bằng chữ triện vuông. Đó chắc chắn là gốm Lò Quan bởi chất lượng tuyệt hảo, bởi đề tài chuẩn mực và bởi ghi niên hiệu các triều vua Trung Hoa. Vậy, tại sao chúng lại có ở xứ Mường trong suốt chiều dài lịch sử như vậy ?

Như chúng ta đã biết, biên viễn và các tù trưởng vùng biên viễn là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đối với các triều đại phong kiến Việt Nam. Triều Lý, rất nhiều công chúa được gả bán cho các tù trưởng vùng Sơn Động (Bắc Giang ngày nay) và ở Mường thì còn một câu chuyện tình bi thương trong áng mo “Vườn hoa núi cối” kể về một Công chúa Lý về làm dâu xứ Mường, nhưng sau một trận chiến trở về, ông Lang Cun Mường Thàng thiêm thiếp ngủ, người vợ nơi Kinh thành định tháo gươm cho chồng yên giấc. Bừng tỉnh, tưởng đâu vợ làm phản, rút gươm chém, rồi ông tự vẫn theo, khi vỡ lẽ mình nhầm. Dân Cao Phong, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình còn chỉ cả nơi an nghỉ của tình nghĩa chồng vợ dang dở ấy tại một bãi tha ma cổ.

Thời Trần, với chính sách “ Ki-mi”, rất nhiều vương hầu, quý tộc được đưa lên vùng núi, cử  ra vùng biển đảo để tăng cường quản lý, trấn yên biên viễn mà tấm gương là vị Tam tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, không hẳn về Yên Tử chỉ để tu hành.

Sang thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, chính sách ràng buộc các tù trưởng địa phương của chính quyền Trung ương có đổi thay đôi chút. Đó là việc phong chức, tước rất lớn cho các Lang Cun mà chắc chắn chỉ là “Hữu danh vô thực”. Ông Lang Cun Quách Phúc Thiêm ở Mường Động Kim Bôi là Vĩnh Lộc Hầu, là Cẩm Y Vệ, khi ở xa Kinh thành đến hàng trăm cây số với bao núi đèo quanh co, hiểm trở thì làm sao là Tả Đô Đốc của Vệ Cẩm Y ?

Vậy là công chúa về làm dâu, mang theo của hồi môn, trong đó có đồ sứ Quan dụng, vương hầu, quý tộc đi biên viễn, được vua ban đồ Quan dụng. Đó là những lý do gốm sứ Quan dụng có mặt ở miền núi nói chung, xứ Mường nói riêng.

Lại có một câu hỏi nữa được đặt ra, đồ sứ Quan dụng Trung Hoa tại sao lại có mặt ở Việt Nam?

Chính sử ghi không ít những dòng nói về việc bang giao giữa hai quốc gia và mỗi chuyến ngoại giao của xứ thần đều có những quà tặng của vua hai nước: vàng bạc, gấm vóc, lụa là, ngà voi, sừng tê, ...  đặc biệt gốm sứ là mặt hàng thế mạnh của hai nước. Số quà tặng ấy, vua và hoàng gia không dùng hết, đưa vào Quốc khố, để có dịp ban thưởng cho những đối tượng mà tôi đã nêu trên.

TS Phạm Quốc Quân

Top