Gốm Bát Tràng - Những giá trị còn mãi với thời gian

Bát Tràng là một làng nghề sản xuất đồ gốm được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV - XV. Đây là một làng cổ nằm bên sông Hồng, phía Bắc Kinh đô Thăng Long xưa, nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Tên Bát Tràng đã đi vào lịch sử, ca dao, tục ngữ Việt Nam. Sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ trở nên quen thuộc đối với nhân dân trong nước mà còn được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) đến các triều đại sau này, với chính sách phát triển công thương nghiệp, kinh tế hàng hóa nhờ đó có điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Sản phẩm gốm Bát Tràng phong phú và được lưu thông rộng rãi với nhiều kiểu dáng, màu men cũng như tính năng sử dụng từ làng xã đến cung đình, từ quà tặng biếu đến đồ cống phẩm ngoại giao... Hơn nữa, cùng với trung tâm sản xuất gốm ở Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội), gốm Bát Tràng đã từng tham gia xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á (Philippin, Thái Lan…), góp phần vào con đường tơ lụa trên biển phát triển phồn thịnh vào thế kỷ XV.

Đỉnh trang trí đắp nổi hình rồng và nghê, gốm men rạn, Triều Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736).

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số ít các bảo tàng Việt Nam còn lưu giữ được bộ sưu tập gốm cổ Bát Tràng quý hiếm, niên đại thế kỷ XIV - XIX với nhiều loại hình phong phú, gồm: đồ gia dụng (lọ, bình, đĩa, bát, ấm, chén, nậm rượu, âu, ang, thạp, chậu...); đồ thờ cúng (chân đèn, chân nén, lư hương, đỉnh, mâm gốm...); đồ trang trí (mô hình nhà, long đình, tượng ghê, tượng hổ, tượng voi, tượng rồng, tượng kim cương...) với các loại men chủ yếu như: men nâu, men lam, men trắng ngà, men xanh rêu, men rạn... trang trí hoa văn hoa lá, sóng nước, mây, rồng, phượng, con người.... Với sự có mặt khá phong phú về loại hình, đề tài trang trí và niên đại kéo dài liên tục, sưu tập gốm Bát Tràng được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia như là cuốn biên niên sử về gốm Bát Tràng.

Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ mà kỹ thuật, phong cách trang trí, đề tài trang trí, màu men được thể hiện khác nhau. Thế kỷ XIV - XV, để tạo nên những tác phẩm gốm độc đáo thì những người nghệ nhân đã sử dụng chủ yếu kỹ thuật khắc chìm tô men nâu, theo kỹ thuật chế tạo gốm hoa nâu thời Lý - Trần, kết hợp với đắp nổi và vẽ lam. Đề tài trang trí còn giới hạn trong các đồ án hoa lá, tiếp nối gốm hoa nâu thời Trần. Thế kỷ XVI, cùng với việc xuất hiện những chân đèn, lư hương có kích thước lớn, kỹ thuật trang trí đắp nổi kết hợp với vẽ lam đạt trình độ tinh xảo. Đề tài trang trí phổ biến có các loại rồng, phượng xen kẽ mây cụm, ngựa có cánh, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, hoa dây, lá đề, phong cảnh sơn thủy.... Những sản phẩm gốm trang trí vẽ lam vẫn được ưa chuộng, nhiều loại hoa văn hình học và hoa lá có nét gần gũi với đồ gốm hoa lam xuất khẩu sản xuất cùng thời ở Chu Đậu (Hải Dương). Thế kỷ XVII, kỹ thuật khắc, đắp nổi trên gốm Bát Tràng càng tinh tế, cầu kỳ. Đề tài trang trí tiếp nối thế kỷ XVI, đồng thời xuất hiện các đề tài trang trí mới khác: bộ tứ linh, hổ phù, ghê, hạc.... Những đề tài đắp nổi, để mộc điển hình khác như bông cúc hình ô van, bông hoa 8 cánh, bông cúc tròn, cánh hoa hình lá đề, cánh sen hình vuông, các chữ “Vạn” “Thọ”.... Việc sử dụng men lam ít dần thay vào đó là sự xuất hiện dòng gốm men rạn với sự kết hợp trang trí nổi đề tài rồng, tứ linh, hoa lá, cúc - trúc - mai.... Thế kỷ XVI - XVIII, còn xuất hiện dòng gốm nhiều màu men, nổi trội là men xanh rêu, với đề tài trang trí độc đáo: hoa sen, chim, ghê, hình người.... Thế kỷ XVIII, trang trí đắp nổi gần như chiếm chủ đạo thay thế hẳn trang trí vẽ lam trên gốm Bát Tràng. Các kỹ thuật đắp nổi, dán ghép đã thích ứng với việc sử dụng men đơn sắc (men trắng xám và men rạn). Đề tài trang trí ngoài bộ tứ linh, rồng, ghê còn thấy thể hiện các loài cây tượng trưng cho 4 mùa. Ngoài đề tài sen, trúc, chim và hoa lá còn thấy xuất hiện các loại văn bát quái, lá lật.... Hoa văn đường diềm phát triển mạnh các nền gấm chữ Vạn, cánh sen nhọn, hồi văn, sóng nước.... Thế kỷ XIX, gốm hoa lam Bát Tràng được phục hồi và phát triển với phong cách kết hợp sử dụng nhiều loại men vào trang trí. Bên cạnh các đề tài trang trí trước đó, còn thấy xuất hiện các đề tài ảnh hưởng nghệ thuật hoặc các điển tích Trung Quốc như “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Bát tiên quá hải”, phong thủy, thi họa ...

Đặc biệt, trong sưu tập gốm Bát Tràng, nhiều đồ gốm có khắc hay viết minh văn chữ Hán rất quý hiếm, cung cấp nhiều thông tin về gần 30 tác giả làm gốm là người Bát Tràng thời Lê - Mạc. Đó là ông sinh đồ đỗ tam trường đến ông xã trưởng. Đó là cả gia đình ông Đỗ Phủ với vợ và con trai, con gái, con dâu. Họ và tên những người đặt hàng gốm từ Phò mã, Công chúa đến các tầng lớp bình dân, trải dài trên nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều hiện vật có ghi niên hiệu của Vua, rất có thể đó là sản phẩm “lò quan” ở Bát Tràng hay hàng đặt của cung đình dưới các vương triều Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn.

Tượng Hổ, gốm men rạn, Triều Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786)

Qua sưu tập gốm Bát Tràng lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho thấy, những sản phẩm gốm Bát Tràng với vẻ đẹp hài hòa độc đáo về hình dáng, màu men và nét vẽ không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực, các nước vùng Trung Đông, một số nước châu Âu, được lưu giữ, trưng bày tại nhiều bảo tàng các nước.

Kế thừa truyền thống đó, gốm Bát Tràng ngày càng được phát triển phong phú và đa dạng. Ngoài mặt hàng truyền thống, gốm Bát Tràng còn sản xuất được nhiều sản phẩm mới và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Đặc biệt, phương thức kết hợp lao động sản xuất với phát triển du lịch để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Những sản phẩm gốm được kết hợp giữa truyền thống (qua những đề tài hoa lá, chim thú, con người...) và hiện đại (với nhiều kiểu dáng, màu men, kỹ thuật chế tác...) phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Những nghệ nhân gốm vẫn luôn có ý thức bảo tồn nét truyền thống bằng việc khôi phục lại những loại hình gốm có giá trị đương thời như: một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc tạo ra sản phẩm gốm hoa nâu (thời Trần), lam rạn (thời Nguyễn)... đồng thời có những sáng tạo đặc biệt là sáng tạo kiểu dáng, màu men (nghệ nhân Trần Độ đã tạo ra được nhiều màu men quý). Qua đó không chỉ cho thấy sự năng động, sáng tạo không ngừng của những người thợ gốm tài hoa mà còn góp phần trong việc bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc.

Phạm Thị Huyền

Top