Những trang ghi chép bằng văn xuôi trong "Nhật ký trong tù"

Bản gốc duy nhất (độc bản) cuốn Nhật ký trong tù - Bảo vật quốc gia viết tay bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tháng 8-1942, từ Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc với tư cách là đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), tìm cách liên lạc với các tổ chức cách mạng ở Trung Quốc để thực hiện một số công việc cụ thể của cách mạng Việt Nam lúc đó. Trong chuyến đi này, lần đầu tiên Người dùng tên gọi Hồ Chí Minh. Rời Pác Bó, Người cùng Lê Quảng Ba qua biên giới. Do giấy tờ không còn hợp lệ và đã quá hạn, lính tuần canh của quân đội Tưởng đã bắt giữ Người tại phố Túc Vinh, một phố nhỏ thuộc huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây. Từ đó, suốt 13 tháng trời ròng rã, Người bị đày ải giam cầm qua nhiều nhà tù của Tưởng ở Quảng Tây. Trong thời gian này Người viết Nhật ký trong tù.

 

Báo Đồng Minh (tuần báo của Việt Nam cách mạng đồng minh Hội) xuất bản tại Hà Nội, số ra ngày 6-6-1946 có đăng bài “Quyển Nhật ký bằng thơ của Cụ Hồ” của tác giả T.S (có lẽ là Lê Tùng Sơn, một người Việt Nam yêu nước đã gặp Bác ở Quảng Tây cuối năm 1943 ngay sau khi Người được trả tự do). Bài báo có đoạn: “Cụ đưa cho tôi xem quyển thơ kia mà ít người được cụ cho biết. Đó là một quyển sách đóng bằng giấy bản hạng tốt vừa to bằng bàn tay với nhan đề là “Ngục trung sinh hoạt”. Trang bìa đầu có hình hai bàn tay bị trói do chính tay cụ vẽ…”. Đây có lẽ là bài báo sớm nhất giới thiệu tập Nhật ký bằng thơ của Bác. Đầu tháng 9-1955, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một cuộc triển lãm về nông dân đã được khai mạc tại Hà Nội. Ngày 13-9-1955, nhà báo Phan Quang có viết một bài trên Báo Nhân Dân nói về cuộc triển lãm. Bài viết có đoạn: “Chúng tôi được xem cuốn sổ tay Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch ghi từ ngày 29-8-1942 đến 10-9-1943 trong khi Người bị đế quốc giam giữ hơn một năm. Hồ Chủ tịch đã cho Ban Tổ chức triển lãm cuốn sổ tay ấy để làm tài liệu trưng bày. Cuốn Nhật ký khổ nhỏ, giấy bản màu vàng. Trang đầu có hình vẽ hai nắm tay rắn rỏi giơ lên phá tung xiềng xích…” (1).

Sau khi cuộc triển lãm về nông dân năm 1955 đóng cửa, cuốn Nhật ký cùng một số hiện vật văn bản gốc của triển lãm được chuyển sang Lưu trữ Trung ương. Khi thành lập Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, toàn bộ số tài liệu, hiện vật này, trong đó có cuốn Nhật ký trong tù được chuyển giao cho Bảo tàng.

Cuốn Nhật ký trong tù là một cuốn sổ dày 80 trang giấy bản tốt khổ nhỏ 12,5 x 9cm đóng theo kiểu sổ tay ghi chép. Hiện nay, sau hơn 70 năm tồn tại, giấy bản đã ngả màu vàng, những nét chữ màu đen thì vẫn giữ nguyên màu sắc ban đầu. Cuốn sổ được giở theo thứ tự từ phải sang trái theo cách đọc sách chữ Hán.

Cuốn Nhật ký được chia thành hai phần, giữa hai phần là những trang giấy để trắng. Phần thứ nhất: từ trang 1 đến trang 53 gồm 134 bài thơ và 6 trang rưỡi ghi chép bằng văn xuôi. Bài thơ cuối cùng không được đánh số ở trang 53. Xen giữa phần thơ, từ trang 47 đến trang 52 là những ghi chép của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chữ Hán với tiêu đề: “Những hiểu biết cơ bản về quân sự” và một số tin quốc tế cùng những suy nghĩ của Người. Phần thứ hai: từ trang 63 đến trang 68 và trang 79 mang tiêu đề “Xem bảng yết báo”,  những ghi chép về thời sự trong nước và thế giới; một số tư liệu về Việt Nam dưới sự thống trị của thực dân Pháp; một số sự việc, nội dung, sự kiện, suy nghĩ tản mạn được Người ghi lại không có hệ thống vì đó là những ghi chép cần cho riêng Người, không phải để xuất bản và không phải để cho người khác đọc. Xen giữa những trang ghi chép có một số trang để trắng.

Phần thơ trong cuốn Nhật ký trong tù lần đầu tiên được dịch và xuất bản năm 1960 với 117 bài thơ. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, toàn bộ 135 bài (tính cả bài Mới ra tù học leo núi) của tập Nhật ký đã được dịch và xuất bản rộng rãi. Những bài thơ đó nhiều người đã biết, nhưng còn hơn 15 trang ghi chép bằng chữ Hán, xen lẫn các dòng ghi chép có những ký hiệu, chữ viết tắt, viết theo kiểu riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sổ này thì ít người được biết.

Mười lăm trang rưỡi ghi chép đó gồm hai phần: 6 trang rưỡi đầu Người ghi một số nội dung khi đọc sách “Những hiểu biết về quân sự”, một số sự kiện về cuộc chiến tranh Trung-Nhật, một số suy nghĩ về văn hóa và xây dựng nền văn hóa dân tộc. Những trang này Người viết khi còn ở trong tù. Sau khi được trả lại tự do, Người bị chính quyền Tưởng quản thúc tại Tổng hành dinh Đệ tứ Quân khu của tướng Trương Phát Khuê ở Liễu Châu (Trung Quốc). Thời gian ở Liễu Châu (từ tháng 9-1943 đến tháng 9-1944), Người ghi chép các sự kiện, tin tức thế giới, Việt Nam, diễn biến của Đại chiến thế giới lần thứ hai…trong 9 trang còn lại mang tiêu đề “Xem bảng yết báo”.

Nếu như phần nhật ký thơ đã chứa đựng những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm của một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn thì qua 15 trang rưỡi ghi chép bằng văn xuôi này, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tâm hồn lớn lao, vĩ đại ấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở những trang ghi chép trong phần đầu, ta thấy Người quan tâm tìm hiểu việc xây dựng một đội quân cách mạng. Người ghi lại 11 điều cơ bản của quân đội, những hiểu biết cơ bản về quân sự, việc huấn luyện, tổ chức quân đội… (cần lưu ý rằng Người ghi chép những dòng này vào khoảng giữa năm 1943 khi còn đang ở trong tù. Và, hơn một năm sau, tháng 12-1944 Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân được thành lập).

Những dòng ghi chép về suy nghĩ của Người trong những ngày cuối cùng ở tù khiến chúng ta xúc động. Bản thân Người đang bị cầm tù, dân tộc của Người chưa giành được độc lập, thế mà Người đã nghĩ đến việc xây dựng một nền văn hóa dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi: “Ý nghĩa của văn hóa: Để thực hiện ý nghĩa sống còn cũng như mục đích cuộc sống của loài người, mới có ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật và những phương tiện sinh hoạt hàng ngày như mặc, ăn, ở, các phương tiện sáng tạo và phát minh dùng để hưởng thụ. Toàn bộ sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là mọi phương thức sinh hoạt và biểu hiện của loài người nhằm thích ứng với nhu cầu và nhu yếu sống còn.

“Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc:

1. Xây dựng tâm lý, lý tưởng, tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý, biết hy sinh mình, làm lợi cho mọi người.

3. Xây dựng xã hội, mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của loài người trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị, dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế. ”

Có một  điều trùng hợp là, trong lúc ở nước ngoài, Chủ  tịch Hồ Chí Minh ghi lại những suy nghĩ của mình về việc xây dựng một nền văn hóa dân tộc cho tương lai, thì cũng năm đó, năm 1943, ở  trong nước, Đảng do Người sáng lập cũng công bố  bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư  Trường Chinh soạn thảo. Hai sự kiện cùng một thời gian, địa điểm và hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một cội nguồn, một tư tưởng.

Qua những trang ghi chép này, chúng ta còn thấy Người quan tâm theo dõi diễn biến của cuộc Đại chiến đang nổ ra ở châu Âu, châu Á, những việc làm của Đồng minh, chiến thắng của Liên Xô, thất bại của phe phát xít… Người lưu ý nhiều đến số liệu quân sự của Mỹ và của Nhật. Người ghi: “Vận chuyển vật tư từ hải cảng Mỹ đến Trung Quốc mất 75 đến 80 ngày” hoặc “Mỗi năm Nhật Bản có thể chế tạo được 3.000 máy bay. Hiện nay, Nhật có 15.000 chiếc”… Trong những trang ghi chép này, có nhiều sự kiện diễn ra ở Việt Nam trong những năm 1940, 1941, 1943.  Người còn dành hơn hai trang để ghi những tư liệu về quá trình xâm chiếm Việt Nam của Pháp, những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Việt Nam từ 1915 đến 1920, số liệu về binh lính Việt Nam do Pháp tổ chức…

Những ghi chép trong 15 trang rưỡi này không phải để xuất bản, cũng không phải để người khác đọc mà đó chỉ  là những sự kiện, những tư liệu, những suy nghĩ Người quan tâm hoặc cần cho bản thân. Người không chỉ chú ý đến những sự kiện chính trị lớn đang diễn ra lúc đó như: “Tháng 10-1943, Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Liên Xô, Anh, Mỹ họp” mà còn ghi cả những chi tiết trong cuộc sống đời thường: “Cắt tóc ở Quế Lâm 30 đồng, thịt lợn 45 đồng… sinh hoạt phí tăng 19%...”

Thời gian tới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu và dịch toàn bộ các ghi chép bằng văn xuôi trong Nhật ký trong tù để có một văn bản dịch chính thức phục vụ cho việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ths Trần Thị Thu Hà

Top