Giữ gìn biển đảo theo lời dạy của Bác Hồ
Ngay sau ngày miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, cùng với công cuộc khôi phục, cải tạo nền kinh tế và phát triển nền văn hóa nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc cải cách các miền biển. Ngày 4-10-1956 khi đến thăm và nói chuyện với hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc cải cách miền biển để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân miền biển là rất quan trọng. Người nêu rõ trong công việc này phải dựa vào chính lực lượng của nhân dân. Hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vị trí chiến lược của biển nước ta với chiều dài 3260 km từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam đã bao lần bị giặc ngoại xâm tràn vào từ biển. Vì vậy ngay ở hội nghị này Người đã chỉ rõ: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên…Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Khẳng định biển đảo là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Đó chính là mệnh lệnh phải được thấm nhuần tới mỗi người dân con cháu Vua Hùng từ đời này sang đời khác. Lời nói của Bác tuy thật giản dị nhưng giúp chúng ta hiểu thêm đất nước ta- “ Tổ quốc nhìn từ biển”, muốn giữ nước phải giữ được biển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ Hải quân Việt Nam
Tháng 1-1959, Cục Hải quân, tiền thân của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam- lực lượng trụ cột canh giữ, bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc và các biển đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam được thành lập. Chỉ hai tháng sau, ngày 30-3-1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên này của Bác là một trong số các sự kiện được ghi lại rất chi tiết trong các sách “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam” và sách “. Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử”. Ngày nay, đọc lại những ghi chép về hoạt động của Bác trong chuyến thăm này chúng ta hiểu được tình cảm của Bác, tấm lòng của Bác đối với người dân và các chiến sỹ đang ngày đêm bám biển, càng thêm hiểu sâu sắc tư tưởng của Bác về biển đảo Việt Nam. Buổi sáng, Bác đến thăm Trường Huấn luyện Hải quân, xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng biển đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc. 12 giờ trưa Người đề nghị tàu neo lại ở chân một hòn đảo để lên bờ nghỉ ăn trưa, người sẻ cơm nếp và thịt rang mang từ Hà Nội xuống cho các chiến sỹ làm nhiệm vụ dưới tàu. Buổi chiều Bác đến Cửa Ông, Cẩm Phả thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân mỏ than Đèo Nai. Sau đó trở về Hòn Gai. Ở đây Bác hỏi “ Có đi tiếp đảo Tuần Châu được không?”. Được báo cáo rằng nếu đi Tuần Châu thì sẽ phải ăn tối muộn. Người nói “Thế thì ta ăn tối trên tàu”. Rồi Người đến đảo Tuần Châu nói chuyện với cán bộ và nhân dân trên đảo và còn ghé thăm hai gia đình ở trên đảo. Buổi tối hôm đó Bác còn nói chuyện với cán bộ và chiến sỹ tàu T524. Bác khuyên bộ đội cố gắng học tập chính trị, quân sự, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, khắc phục khó khăn, yên tâm nhiệm vụ gắn bó với đảo. Đã từng làm thủy thủ trên hành trình tìm đường cứu nước thời trai trẻ, Bác Hồ hiểu sâu sắc sự gian nan, vất vả, thiếu thốn của những người lính biển. Bác hỏi “Các chú chưa có đài thu thanh phải không, Bác sẽ gửi tặng các chú một chiếc”. Và mấy hôm sau đó, chiếc đài thu thanh bán dẫn của Bác đã đến với các chiến sỹ cùng tập ảnh Bác với các chiến sỹ trên đảo Hòn Rồng, đủ để chia mỗi người một tấm.
Tháng 3-1961, đúng hai năm sau ngày thành lập, Bác Hồ lại đến thăm bộ đội Hải quân. Lần này Bác quan tâm nhiều về tình hình xây dựng lực lượng của Hải quân, tình hình bảo vệ biển và nhất là các đảo xa. Bác rất vui được báo cáo về sự trưởng thành nhanh chóng của Hải quân và cũng thấy được sự thiếu thốn về tàu bè, trang bị, vũ khí của ta và nhắc nhở phải tiếp tục xây dựng, bổ sung trang bị. Thăm các đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc, khi tàu đưa Bác rẽ sóng Bạch Đằng, Bác ngắm nhìn mây trời, xúc động nói: “Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình, bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên”. Khi thuyền đưa Bác vào thăm hang Đầu Gỗ - chiến tích ngàn xưa của Trần Hưng Đạo đã dùng nơi đây làm căn cứ hậu cần làm cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên Mông, Bác nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó.” Trong không gian và thời gian cụ thể đó, lời của Bác thấm đượm niềm tự hào về các thế hệ ông cha cũng đã dựa vào biển để sinh sống và gìn giữ cõi bờ của Tổ quốc; Niềm tự hào về sự trường tồn của dân tộc nhờ vào biển và sự trưởng thành của các lực lượng bảo vệ đất trời, biển đảo quê hương.
Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô - nơi duy nhất Người đồng ý cho xây dựng tượng mình khi còn sống
Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo không thể không nói về Bác với đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh- một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc ở vùng biển Đông Bắc. Ngày 9-5-1961 Bác về thăm đảo Cô Tô lúc đó thuộc tỉnh Hải Ninh. Nói chuyện với nhân dân trên đảo Bác rất vui vì nhân dân đã đoàn kết chung tay xây dựng và bảo vệ đảo. Người nói: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ.” Và Người đã thể hiện tình cảm đó một cách rất đặc biệt. Chúng ta đều biết lúc Bác sinh thời nhiều lần nhân dân ta đề nghị được dựng tượng Người. Nhưng Người không đồng ý và nói: Hãy dựng tượng các anh hùng, chiến sỹ đang chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Tuy vậy, Bác đồng ý cho dựng tượng Người ở đảo Cô Tô. Và Cô Tô đã trở thành địa danh duy nhất được dựng tượng Bác Hồ khi Người còn sống. Đây chắc chắn sẽ là đề tài vô tận để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nêu rõ: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Đó cũng chính là mong muốn của Bác, là tiếng vọng của cha ông từ ngàn xưa. “Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình, bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có…Phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên…”. Lời dạy của Bác sẽ luôn là “cẩm nang ”trong công cuộc giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ta.
TS Nguyễn Thị Tình