Giếng cổ Gio An

Xã Gio An (thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), cách bãi tắm Cửa Tùng hơn 20km, có hơn 20 chiếc giếng cổ rất kỳ lạ, không chỉ là những công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất từ hàng nghìn năm trước đến nay, mà còn là một kiểu di tích văn hoá rất đặc biệt của Việt Nam.

Men đường 75, đi qua các làng An Nha, An Hương, Hảo Sơn, Long Sơn… thuộc xã Gio An đâu đâu cũng bắt gặp giếng cổ. Đây là nguồn nước sạch tinh khiết dùng để uống, rồi dẫn nước vào các ruộng trồng loại rau đặc sản nổi tiếng của vùng đất Quảng Trị.

Giếng cổ ở Gio An có nhiều tên gọi, mỗi tên có những nét văn hóa và bản sắc đặc trưng riêng như: giếng Kình, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Ông, giếng Bà, giếng Tép, giếng Gai, giếng Lợi, giếng Cõi, giếng Dưới,... Hệ thống giếng cổ này nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan lớn, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Từ trước đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ Gio An vẫn không bao giờ cạn, vẫn trong xanh và mát lạnh. Những hệ thống giếng này rất hoàn hảo về kỹ thuật, rất phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang ở xã Gio An.

Những chiếc giếng cổ này không mang hình ảnh những chiếc giếng thường thấy ở những làng, xã nông nghiệp ở đồng bằng, mà người xưa đã biết tận dụng những mạch nước ngầm từ triền đồi ở những độ dốc khác nhau và sắp xếp việc hứng nước, lắng nước, dẫn nước, chứa nước, tiêu nước... theo ý đồ của mình bằng cách xếp đá, ngăn dòng, lập bể, khai mương...

(Ảnh: TL)

Theo các nhà khảo cổ, hệ thống giếng cổ Gio An ra đời vào thời kỳ cuối thời đại đồ đá mới, cách đây khoảng 5.000 năm. Người ta cho rằng, nước của người Gio An xưa có 3 loại, tuỳ theo mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và mội nước (nguồn nước). Loại thứ nhất là giếng có cấu trúc hoàn chỉnh nhất và có thể xem đây là công trình khai thác nước ở những khu dân cư tương đối tập trung và có nguồn nước ngầm mạnh. Các khu vực sử dụng nước được phân định hệ thống rõ ràng: bộ phận mặt bằng đựơc gia cố bằng đá xếp để bảo vệ mội nước; bể lắng cũng được xếp đá, phần đáy bể được lót bằng nhiều vật liệu gốm sành (có lẽ đươc bổ sung sau này). Nước từ đây sẽ chảy qua hệ thống máng, chân của máng nước được tạo gồ ra như một chiếc mộng đá cố định vị trí máng rất chắc chắn. Nước sẽ theo máng chảy xuống bể chứa, bể có thể rộng, hẹp tùy nơi và cũng được lót đáy bằng nhiều mảnh gốm, sành... thành bể được gè đá mồ côi. Độ sâu của bể chứa  khoảng  30 - 50 cm, dùng để lấy nước uống (vòi) và tắm giặt. Vùng dành cho gia súc có thể là nằm tiếp nối  bể chứa, hoặc độc lập... Cuối cùng là hệ thống các mương dẫn nước được kè đá tưới tiêu cho nông nghiệp.

Loại thứ hai là giếng có kết cấu đơn giản hơn nhưng nguyên tắc căn bản vẫn mang dạng cấu trúc gồm phần tầng đá gia cố, bể lắng và tràn vào hố chứa (không thông qua máng dẫn nước).

(Ảnh: TL)

Loại thứ ba là giếng đào và đặt nổi lên những khối đá được chế tác thành hình trụ rỗng. Đây là kỹ thuật khai thác nước dựa trên nguyên tắc bình thông nhau: Các ống đá được xếp chồng và nâng mặt nước trong lòng giếng cao hẳn lên, tạo nên một độ chênh so với mặt bằng của mương dẫn, nước sẽ theo các lỗ khoét trên thành giếng để tràn ra ngoài.

Các bậc cao niên làng Gio An tự hào cho rằng nước giếng cổ đem lại hơi thở cho dân làng. Rượu Gio An là loại rượu có một không hai về chất lượng ngon thơm là nhờ giếng cổ. Gio An còn nổi tiếng với cây rau liệt (xà lách xoong), loại rau này được trồng nhiều nhất ở làng Hảo Sơn. Rau có biệt danh là “rau siêu sạch”. Sở dĩ như vậy vì rau được trồng trên những thửa ruộng bậc thang, xanh mơn mởn nhờ nguồn nước ngầm ngày ngày chảy ra từ các giếng cổ ngàn năm mà người Quảng Trị gọi là nước mội.

Giếng cổ ở Quảng Trị nó còn có nét văn hóa tâm linh, điều đó thể hiện ở mỗi góc giếng cổ đều có một đền thờ, dù đền thờ ấy chỉ được đặt một vài viên đá cuội theo thể hình tròn…

(Ảnh: TL)

Hệ thống giếng cổ Gio An được các nhà khoa học đánh giá là biểu hiện của nền văn minh nông nghiệp và chế tác đá độc đáo của người xưa. Đến nay vẫn còn nhiều tranh luận trong giới khảo cổ học về nguồn gốc, thời gian hình thành và chủ nhân của hệ thống giếng cổ. Giếng cổ Gio An là những công trình thủy lợi cổ quý giá hiện còn đang được nhân dân sử dụng. Dù chưa nghiên cứu được ai là tác giả, nhưng nhờ những quảng bá đó mà hệ thống giếng cổ Gio An ngày càng nổi tiếng. Nhiều du khách nước ngoài đi du lịch tour DMZ đã đến các làng Gio An tham quan hệ thống giếng cổ. Vì từ quá khứ tới hiện tại, hệ thống giếng cổ Gio An bao giờ cũng gợi nên nhiều khám phá thú vị cho du khách.

                                                                   Hồng Chinh (Tổng hợp)

Top