Tiếng lóng và nghề đóng cối xay tre Đa Chất
Khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) đến Đa Chất thực hiện Dự án Nghiên cứu, bảo vệ tiếng lóng thì chưa thấy có tài liệu nào viết riêng về thứ tiếng nói đặc biệt này. Trong sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của tác giả Chu Huy và Nguyễn Dấn mới chỉ liệt kê được gần 200 từ tiếng lóng, một số bài báo mạng mới chỉ nêu lên hiện tượng ngôn ngữ lóng Đa Chất như một thứ ngôn ngữ kỳ lạ của thợ đóng cối và một vài tình huống giao tiếp thông thường. Kết thúc dự án, chúng tôi đã sưu tầm và bổ sung thêm được 114 từ và cụm từ lóng, 35 bối cảnh sử dụng tiếng lóng của các thợ cối. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phần nào khai mở về cuộc sống của người thợ đóng cối Đa Chất, lý do họ sử dụng tiếng lóng trong quá trình hành nghề và giúp cộng đồng ở đây nhận thức đúng giá trị một loại hình di sản mà cha ông họ đã để lại để định hướng bảo vệ trong tương lai.
1. Làng Đa Chất và nghề đóng cối xay tre
Làng Đa Chất cách trung tâm thủ đô khoảng 40km về phía Nam, ngôi làng nằm bên cạnh sông Nhuệ này từ lâu đời đã có nghề truyền thống làm cối xay tre. Xưa kia, Đa Chất có tên là Tông Chất, trong thần phả của làng chép lại từ năm Tự Đức thứ 11 (Mậu Ngọ 1858) có ghi chú thích “Hậu Lê cải vi Đa Chất” (Thời Hậu Lê đổi thành Đa Chất) và tồn tại đến ngày nay. Đa Chất nay là một thôn của xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Thôn Đa Chất được phân thành 2 khu: khu xóm Trên và khu xóm Bến nối nhau bởi con đường trục từ đình Đa Chất ra miếu cây Đa. Hiện nay (2015), Đa Chất có gần 2.000 nhân khẩu, trong đó 1.166 khẩu ruộng (người có ruộng ở làng), 330 hộ gia đình và 223 mẫu cấy lúa trên tổng diện tích khoảng 3km2.
Người dân Đa Chất thờ cúng tổ tiên, bên cạnh đó còn thờ một nữ thần nông nghiệp là bà Bổi (Bổi có nghĩa thóc lép) với tương truyền về hòn đá mà bà đứng rê thóc đã tạo nên diện mạo làng Đa Chất ngày nay vẫn còn đó. Thành hoàng làng Đa Chất là Trung Thành Đại Vương Đào Công Bột một tướng lĩnh dưới thời Hùng Duệ Vương có công nhiều lần đánh lui quân Thục Phán, sau khi quân đội Vua Hùng bị thất thế, ông chạy về ngã ba Ba Lương và hóa tại đó, người dân có câu “sinh Bạch Hạc, thác Ba Lương”. Đình làng Đa Chất được xây dựng thời Hậu Lê (1728) được cấp Bằng “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” năm 2005.
(Ảnh: TL)
Bên cạnh nghề trồng lúa một năm một vụ (trước 1960) đa phần chỉ dành cho phụ nữ, đàn ông Đa Chất chuyên làm nghề đóng cối xay tre, họ phải “lên rừng xuống biển” đi tìm địa bàn đóng cối của mình và rất ít khi có mặt tại nhà. Người ta không biết ông Tổ nghề cối xay tre Đa Chất là ai, cũng không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra và sử dụng tiếng lóng, thậm chí trong làng cũng không có một không gian thờ Tổ nghề như các làng nghề thủ công truyền thống khác. Chỉ có một giai thoại về Tổ nghề mà chỉ các cụ già nhất, những thợ cối gạo cội trong làng còn nhớ được và rất ít khi kể cho nhau nghe: Thuở đó, ông Tổ nghề đi đóng cối ở những vùng người dân tộc miền núi phía Bắc, khi đến làm cối tại môt nhà rất giàu và có quyền lực trong vùng, nhà đó có một cô con dâu đang chửa. Thợ làm cối xong, nhận tiền, tuy nhiên làm cái giằng (cái tay cầm xoay cối) chưa hoàn chỉnh. Hai tuần sau cô con dâu nhà giàu kia xay thóc, cái giằng bị văng ra ngoài, cô ta bị trượt ngã và xẩy thai. Chủ nhà do có quyền lực liền triệu tập người dân trong vùng đi tìm bằng được bố con thợ đóng cối. Họ đưa thợ đóng cối lên quan lớn, quan lớn xử phạt tiền, giam nhốt hai bố con thợ đóng cối nhiều ngày. Sau khi được thả, ông thợ đóng cối làm một cái lễ, trên đó có một cái giằng cối xay, lễ xong ông cầm con dao chặt cái giằng làm ba khúc rồi tuyên thệ, những người đóng cối làng này từ nay trở đi không được làm giằng. Từ đó, tục lệ của người thợ cối là không làm giằng cối cho gia chủ. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ trong việc làm giằng nhưng chỉ các ông thợ cối sau này mới làm và mỗi người có các ứng xử khác nhau. Ông Nguyễn Ngọc Đoán (76 tuổi) nói: “Tôi phải làm một cái lễ thật lớn, trên đó có cái giằng để cúng Tổ nghề trước khi lắp giằng vào cối”. Còn ông Nguyễn Văn Sớm (80 tuổi): “Tôi phải lấy gấp đôi thậm chí gấp ba lần tiền đóng cối mới làm giằng cho gia chủ”. Những người thợ khác đều không dám làm giằng. Một số người còn suy luận, tên ông Tổ nghề cối là Nguyễn Văn Giằng, người thợ cối tuyệt không làm giằng cho nhà chủ vì không được tùy tiện gọi tên cụ Tổ nghề.
Một gánh thợ cối khi đi làm chỉ có hai người, thợ phó cả và thợ phó hai. Phó cả là người lành nghề, có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử và quan trọng hơn họ phải có “lối” của mình. Người thợ phó hai là thợ học việc, cũng có thể tay nghề người đó đã lên phó cả nhưng họ chưa có được một “lối” riêng nên phải đi chung với một phó cả khác. Người phó hai thường là người thân ruột thịt của phó cả, đó có thể là ông, cha, anh, chú, bác, rất ít khi là một người ngoài dòng họ. Bởi người thợ cối không chỉ truyền nghề, truyền kinh nghiệm và tiếng lóng mà còn truyền lại “lối” cho phó hai khi đã có đủ trình độ. “Lối” là địa bàn kiếm cơm của người thợ cối, ở đó có những người chủ quen, các mối quan hệ xã hội và sẽ là lối quen của người thợ phó hai. Hành trang của người thợ cối là hai chiếc bồ do người thợ phó hai gánh. Bên trong một chiếc bồ là quần áo và lương thực trên đường. Một chiếc kia là đồ nghề của thợ cối gồm có vẫy, đục, dao, búa và một chiếc cưa do người thợ cả đeo trên vai, vừa đi đường người thợ cả vừa rao “ai đóng cối không” để người muốn làm biết được có thợ cối đến.
Các gánh thợ cối không xung đột với nhau về địa bàn, khi thấy gánh thợ làng mình hoặc gánh thợ nơi khác đang làm nơi này, lập tức họ sẽ đi tìm nơi khác để đóng cối. Đôi khi những người thợ cối còn giúp đỡ đồng nghiệp của mình bằng cách tìm việc làm cho thợ bạn, xin nhà chủ cho bạn làm cùng, nghỉ ngơi để chờ cơ hội việc làm khác hoặc dừng chân khi quá giang. Đây là những nghĩa cử cao đẹp của người thợ cối khi làm việc nơi xứ người.
Những người thợ cối Đa Chất chủ yếu hành nghề nơi vùng núi phía Bắc bởi họ không thể cạnh tranh được với những người thợ cối đất vùng đồng bằng (Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình). Mặt khác, việc làm ra một cối tre tiêu tốn rất nhiều tre nguyên liệu khi mà vùng đồng bằng không thể cung cấp đủ. Vùng trung du miền núi chính là địa bàn hoạt động chính của thợ cối Đa Chất: Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu… các “lối” của mỗi người thợ cả đều được lặp lại sau một thời gian nhất định từ hai đến ba năm khi người thợ ước chừng chiếc cối nơi đó đã đến lúc phải thay mới. Trên những chặng đường mà người thợ nghỉ chân, họ đều xây dựng những mối quan hệ thân thiết với nhà chủ bằng cách đóng cối bền hơn, rẻ hơn, có quà cho chủ hoặc kết thân, kết nghĩa. Nhiều thợ cối Đa Chất lấy vợ sinh con trên những lối quen của mình bởi đó không chỉ là nơi nghỉ chân trên đường đi mà còn là nơi đi về trong những lúc ốm đau, không có việc làm hoặc mở rộng quan hệ nơi đóng cối, mối quan hệ chính là nguồn sống của thợ đóng cối Đa Chất.
(Anhr: TL)
2. Tiếng lóng - sản phẩm của người thợ cối Đa Chất
Tiếng lóng là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dụng trong giao tiếp thường ngày bởi một nhóm người. Tiếng lóng ban đầu xuất hiện nhằm mục đích che dấu ý nghĩa diễn đạt theo quy ước chỉ những người nhất định mới hiểu. Tiếng lóng thường không mang ý nghĩa trực tiếp, nghĩa đen của từ phát ra mà mang ý nghĩa tượng trưng, nghĩa bóng. Như vậy, tiếng lóng Đa Chất là sản phẩm của nghề đóng cối xay tre Đa Chất và chỉ những người thợ cối mới sử dụng được. Những người thợ cối nơi khác đều không có tiếng lóng, ngay cả những người không đi đóng cối trong làng cũng không nói được tiếng lóng. Tiếng lóng được truyền lại trong quá trình hành nghề của người thợ cối, người thợ phó cả truyền lại cho thợ phó hai, họ trao đổi với nhau, nhắc nhở nhau trong công việc, trong ứng xử và sinh hoạt hằng ngày. Trường học tiếng lóng chính là môi trường làm việc của họ, một thầy một trò, họ dạy nhau từng chữ và nghĩa của chúng. Ví dụ: “bệt” là nhà, “thít” là ăn uống, “dùm” là tiền, “mận” là nước, “choáng” là đẹp, “êm” là ngon, “thuôn” là tốt, “sởn” là đi, “sưỡn” là máy móc… Đến một nhà giầu họ cho ăn ngon, người thợ cối sẽ nói là: “Cái bệt này cốn lắm, cho thít êm quá” (cái nhà này nó giầu lắm, nó cho ăn ngon quá) hoặc nghi ngờ có trộm trên xe họ sẽ nhắc nhở nhau: “có xảo bờm đấy, ngáo móm” (có trộm cắp đấy, trông lấy cái túi) hay là khi có khách tới nhà họ sẽ nói “xảo sởn chác cho xì nhất đạng” (con đi mua cho bố một con gà, về thịt)…
Theo GS.TS Trần Trí Dõi, tiếng lóng Đa Chất không phải là một thứ tiếng cổ bởi nó không có một quy luật ngữ âm nào cả. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận ra một số đặc trưng cơ bản của tiếng lóng Đa Chất:
- Khi nói tiếng lóng, người nói bắt buộc phải nói nhanh, nói lướt để người khác không chú ý tới câu nói của mình, thậm chí việc giản lược một số trợ từ là cần thiết vì mục đích của tiếng lóng ban đầu chỉ là thông tin nhanh cho nhau. Những người quen nghe sẽ nhờ đó mà hiểu được nội dung câu nói, nếu bị người ngoài phát hiện mà có hỏi lại thì ý nghĩa câu nói đã được chuyển sang hướng khác.
- Tiếng lóng không thể biến thành ngôn ngữ viết bởi trong lượng từ chúng tôi thu thập được chủ yếu là những từ chỉ người, chỉ vật, động từ và một số từ biểu thị thái độ như “trẩm – xấu, choáng – đẹp, thuôn – tốt, chổi – đừng” không có từ ngữ trừu tượng để diễn tả.
- Tiếng lóng sử dụng một số từ thuần Việt mà ngày nay không còn sử dụng như: choáng - đẹp, chác - mua, đìa – ruộng/ao, nhẹn – nhanh, chập - tối…
- Một số từ tiếng lóng chỉ đặc điểm địa phương mà người thợ cối Đa Chất đi qua: mận trường – bờ biển (mận: nước, trường: dài, vùng đất Nam Định-Thái Bình); đạng thanh hà - vịt, ngan, ngỗng (đạng: gia cầm, thanh hà: vùng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nơi nuôi nhiều vịt, ngan, ngỗng); xếu – vùng đất Hưng Yên (nơi họ gặp nhiều xếu, xảo vụ xếu - thợ cối Hưng Yên); Ghênh: đậu phụ - làng Ghênh vùng Hà Nam trước đây chuyên làm đậu phụ. Giáp nhất: rau/rau muống - làng Giáp Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam trước đây trồng rất nhiều rau muống; mỹ lâm: vàng - vùng Phú Xuyên trên có làng Mỹ Lâm, trước đây là làng rất giầu có và rất nhiều người buôn bán vàng nên gọi mỹ lâm là vàng. Bần - tương (tương làng Bần)…
- Bên cạnh đó chúng ta không khó bắt gặp một số từ Hán Việt với đúng ý nghĩa của nó trong tiếng lóng Đa Chất: trì: ao; nhất: một; lái: hai; đô: to, khỏe; Hào quang: ánh sáng, mắt, mặt, dầu, lửa; Ký: cất, gửi; ngoại: bên ngoài; hồng: đỏ; xí: xấu, béo….
- Ngoài ra còn một số từ tượng hình như: chèo: đôi đũa (như hai mái chèo); đảo: say (lảo đảo); vẫy: quạt nan (hành động quạt); vai trên: anh chị, vai dưới: em…
- Cách ghép từ trong tiếng lóng về cơ bản giống như trong tiếng Việt, ví dụ: bệt cốn: nhà giầu (bệt: nhà, cốn: giầu); tõi sưỡn: nói lái/nói lóng; sưỡn tõi: cái đài, radio (tõi: nói, sưỡn: máy). Sởn sưỡn: đi xe (sởn: đi, sưỡn: xe/máy), tới quẩn: cá trê (tới: cá, quẩn: quẩn lại – tượng hình), tới xuất: cá chép (tới: cá, xuất: lao đi - tượng hình); xấn tới: đánh cá (xấn: làm, tới: cá); tớp tới: đi câu cá (tớp: lấy, tới: cá)…
Như vậy, tiếng lóng là sản phẩm của người thợ cối Đa Chất khi họ đặt chân đến nhiều nơi, những ấn tượng vùng đất mà họ đi qua tạo nên từ ngữ để chỉ riêng về địa phương ấy, một chút vốn Hán Việt còn lại của giáo dục Nho học thời phong kiến và những sáng tạo cá nhân của người thợ cối đã tạo nên hệ thống từ vựng có thể đủ để giao tiếp hằng ngày giữa người thợ cối với nhau. Rõ ràng không có một quy luật nào nhất định trong việc tạo ra tiếng lóng Đa Chất cả.
Đặc trưng của nghề đóng cối xay thóc là phải đi nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều loại người. Gánh thợ cối chỉ có hai người nên họ luôn nằm trong thế yếu. Họ cần phải bảo vệ nhau trước cuộc sống xa quê hương bản quán qua lời ăn tiếng nói, qua hành động cử chỉ và thái độ. Việc nhắc nhở nhau là cần thiết để tránh sự lộ liễu, thô tục để người khác không biết về ý định mà người thợ cối muốn truyền tải. Việc đi làm ăn xa trong xã hội truyền thống vốn là một nỗi khổ tâm rất lớn đối với người Việt. Ông Nguyễn Ngọc Đoán (76 tuổi, thợ cả) mỗi khi nghĩ về nghề cối đều đọc câu ca dao “Thứ nhất là mồ côi cha, thứ hai gánh vã, thứ ba buôn thuyền”, đó thực chất là những nghề nghiệp lang thang, tha hương cầu thực, nay đây mai đó hòng kiếm miếng cơm manh áo. Nghề đóng cối cũng vậy, thời gian làm một cái cối nhanh nhất chỉ nửa ngày, nhưng người thợ cối phải làm kéo dài một ngày mới xong để có cớ ngủ qua đêm nhà chủ ngày mai còn lên đường tìm nhà khác, do đó những người thợ cối luôn phải nhún nhường trước người bản địa “trẻ lên ba cũng gọi là anh”. Vì nghề đóng cối phải ăn ngủ, làm việc tại nhà chủ nên mọi lời ăn tiếng nói đều phải được kiểm soát chặt chẽ để khỏi làm phật lòng chủ, những bữa cơm ăn ngon hay không đều là từ miệng của người thợ cối mà ra. Tiếng lóng là một công cụ kiểm soát rất tốt những cảm xúc bộc phát của con người một cách tế nhị. Trong tiếng lóng không chỉ có các danh từ chỉ người, chỉ vật, động từ, thán từ mà còn cả những từ ngữ thô tục, chửi bậy, trêu ghẹo, nguyền rủa để giải tỏa cảm xúc con người. Dĩ nhiên, người thợ cối sẽ nói những từ lóng khi bực bội để người nghe không nghĩ mình bị xúc phạm. Đó cũng là mặt trái của tiếng lóng khi ngày nay, nghề cối đã mất và tiếng lóng không còn được sử dụng, chính những từ ngữ này lại xuất hiện nhiều trong tầng lớp trẻ hơn, được sử dụng thường xuyên hơn và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Mặc dù vậy điều đó vẫn là tốt hơn việc nói thẳng những điều tục tằn mà ai cũng biết gây nên sự xung đột nặng nề hơn cho cả hai phía.
Tiếng lóng chỉ là cách để những người thợ cối ứng xử với nhau, họ bảo nhau trong những trường hợp cụ thể, hoàn toàn không phải là ngôn ngữ thường xuyên họ sử dụng. Những người thợ cối vẫn nói ngôn ngữ thường ngày khi chỉ có hai người hoặc khi nói chuyện với những người khác. Việc sử dụng tiếng lóng khi có trao đổi riêng với nhau trước sự có mặt của người ngoài (không biết tiếng lóng). Ngay cả với người làng, những người không đi đóng cối nếu biết chỉ là người học lỏm, nghe lỏm từ những người đóng cối hoặc được dạy một số từ thông dụng trong sinh hoạt hằng ngày để dễ trao đổi khi có khách đến nhà. Hầu như ai trong làng Đa Chất cũng biết một số từ ngữ thô tục để có thể tránh được những trường hợp không may xảy ra như bị trêu ghẹo, mắng chửi và đôi khi là chửi thề bộc lộ cảm xúc khó chịu với người khác. Tuy nhiên, những người thợ đóng cối đều không muốn những người khác biết nhiều về tiếng lóng ngay cả với người nhà của mình.
Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khi chiếc máy xay xát gạo chạy xăng dầu lên tới vùng cao thì địa bàn của người thợ cối Đa Chất cũng dần dần bị thu hẹp. Họ phải đi xa hơn, vào sâu hơn trong rừng để tìm nơi đóng cối. Một số người thợ cối đã từng vào vùng Trà Mi (Quảng Nam), Đắc Lắc, Buôn Ma Thuột, Kon Tum để đóng cối cho đồng bào Tây Nguyên, thậm chí họ còn học nhiều nghề khác để kiếm sống, mưu sinh như sơn mài, sưu tầm đồ cổ, cửu vạn…Đến cuối những năm 90 thế kỷ XX thì nghề thợ cối mất hẳn. Tiếng lóng từ đó không được sử dụng ngay cả với người từng đi đóng cối. Nhiều người thợ cối già đã mất đi, nhiều người quên dần khiến nhiều từ ngữ lóng cũng mất dần. Hiện nay, những người thợ cối còn nói được tiếng lóng ở Đa Chất khoảng 5 người. Một số người khác có thể nghe hiểu nhưng không nói được và còn lại thì chỉ biết một vài từ. Trẻ em Đa Chất sinh ra sau khi nghề cối đã mất hoàn toàn không biết tiếng lóng, thậm chí còn không biết sự tồn tại của tiếng lóng và nghề cối trong làng. Đây thực sự là một mất mát lớn của một làng nghề thủ công truyền thống.
3. Thay cho phần kết
Trong quá khứ, nghề đóng cối xay tre Đa Chất là một nghề thủ công truyền thống đã nuôi sống làng Đa Chất trong suốt thời kỳ dài khi chưa có máy xay xát gạo xuất hiện. Sự học hỏi, sáng tạo và hoàn thiện chiếc cối xay tre đã cho thấy bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người thợ cối. Sự ra đời của chiếc cối xay thóc đã tiết kiệm nhân lực và thời gian của người dân so với cối giã chân (đồng bằng) và cối guồng nước (vùng núi). Chiếc cối không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là sản phẩm văn hóa đặc trưng của làng Đa Chất. Chiếc cối là một trong những sản phẩm đỉnh cao của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa truyền thống.
Người thợ cối Đa Chất chăm chỉ, cần cù, không ngại gian khổ, họ phải “lên rừng xuống biển” để kiếm sống mưu sinh bằng nghề nghiệp truyền thống làng mình, bằng bàn tay tài hoa và cách ứng xử khôn khéo để phát triển nghề cối. Người trước truyền cho người sau tay nghề, kinh nghiệm và địa bàn của họ và họ lại lên đường đi tìm địa bàn mới mở rộng nghề cối. Chính việc đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên họ phải thu mình lại bằng vỏ bọc ngôn ngữ riêng tránh sự phiền toái xảy ra, những điều mới lạ trên các vùng đất mới là chất liệu tạo nên tiếng lóng Đa Chất. Cho nên, khi nghề cối mất đi tiếng lóng cũng không được sử dụng, tiếng lóng mất đi cùng những người thợ cối. Sự mất đi do không được sử dụng là quy luật tất yếu của mọi ngôn ngữ, tiếng lóng Đa Chất không là ngoại lệ. Rất cần có những biện pháp bảo vệ và truyền bá tiếng lóng và nghề làm cối xay tre trong cộng đồng Đa Chất, nhất là trong thế hệ trẻ.
Đỗ Văn Cường